Mỗi năm Tết đến, xuân về là người trẻ lại thêm trăm ngàn mối lo tiền nong, nào tiền xe, tiền cỗ, tiền biếu gia đình dòng họ… Đã vậy, năm nay "Cô Vy" lại đến càn quét. Hơn nửa năm nghỉ dịch, người thì thất nghiệp kẻ phải bỏ phố về quê, ai cũng than phiền về chiếc ví rỗng của mình. Vì thế, nhiều người sợ hãi khi được hỏi Tết này có về quê không?
"Mình là Thanh Hoài, 22 tuổi hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Công việc hiện tại của mình là Kỹ thuật viên cho một công ty thiết bị cơ giới. Với mức lương vừa đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày ở mức trung bình, từ khi dịch Covid bùng phát, cuộc sống mình gặp nhiều khó khăn hơn."
Hoài vẫn may mắn hơn rất nhiều người khi bản thân không bị mất việc, tuy nhiên mức lương ở thời điểm đó chỉ còn một nửa so với trước dịch. Đối với một sinh viên mới ra trường như cậu, áp lực về tài chính đã bắt đầu xuất hiện. Thanh Hoài không còn nhận chu cấp từ gia đình nữa mà ngược lại phải kiếm ra tiền để có thể lo cho bố mẹ.
Thanh Hoài và công việc hàng ngày của mình |
Những hậu quả mà dịch để lại đã làm chậm đi rất nhiều dự định mà Hoài đặt ra. Vô tình nó cũng trở thành một áp lực khiến cậu phải chạy đua với thời gian để theo kịp kế hoạch trong năm tới.
"Vì muốn nhanh chóng thành công, mình cũng mày mò khởi nghiệp với hy vọng tạo ra thêm một nguồn thu nhập phụ khác. Mình bắt đầu với việc mua đi bán lại một số phụ tùng cơ bản trong ngành cơ giới. Không may, được một thời gian thì âm tiền, do không tiếp cận được khách hàng xa, cũng như khâu vận chuyển gặp nhiều gián đoạn sau dịch.
Mình bị lỗ nặng và phải bán đi những sản phẩm đã mua trước đó với giá tiền thấp đi cả 50% so với ban đầu. Thất bại này đã khiến mình phải lao đầu vào làm việc ngày đêm để bù cho số tiền mất đi. Từ đó, mình cũng tích lũy cho bản thân những kiến thức về kinh doanh, cách quản lý tài chính trước khi muốn khởi nghiệp và luôn tâm niệm rằng 'dục tốc bất đạt' ", Hoài nói.
Lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại đã khiến Hoài hình thành nỗi sợ về quê phải đối mặt với gia đình. Lúc còn sinh viên, cậu rất mong chờ Tết để được về nhà đoàn tụ với gia đình hay đi chơi với bè bạn, bây giờ đã không còn cảm giác háo hức như trước nữa.
"Tuy gia đình không yêu cầu mình phải thành công sớm hay so sánh mình với bất kỳ ai, nhưng trước áp lực phải bằng bạn bằng bè đã khiến mình suy nghĩ nhiều về công việc. Nhìn những người ở lứa tuổi ngang bằng mình họ đã đi làm từ thời sinh viên và có những khoản dư ổn định, mình cảm thấy khá thất vọng về bản thân", Hoài chia sẻ thêm.
Dù đôi lúc đã tự nhủ rằng mỗi người sẽ có mỗi con đường khác nhau nhưng điều đó không khiến bản thân được an ủi, ngược lại càng lại càng khiến các bạn trẻ rơi vào khủng hoảng. Họ né tránh những buổi chúc Tết họ hàng vì sợ phải đối mặt với những câu hỏi về tiền lương, mua nhà, mua xe…
"Tết năm nay, mình quyết định sẽ không về nhà!", đó là những chia sẻ của Tường Vy (tên nhân vật đã được thay đổi). Không giống như Hoài, Vy cho biết cô luôn bị bố mẹ so sánh với người khác vì đã 27 tuổi mà chưa mua được nhà, lấy được chồng. Cô cho biết từ lúc mới ra trường, bản thân đã tự nhận thấy có nhiều áp lực trên vai. Nhà chỉ có duy nhất một đứa con gái nên bố mẹ đặt hết kì vọng lên cô.
Vy trải lòng: "Bố mẹ muốn mình trở thành một đứa con tài giỏi như bao người khác, nhưng mình vẫn chưa làm được. Vì vậy mình rất ít khi về nhà, sợ chạm mặt bố mẹ. Lúc còn sinh viên, bạn bè mình một năm về nhà 2 lần: dịp Tế và dịp hè. Còn mình, vì không muốn bố mẹ thất vọng nên hè phải ở lại để đi làm thêm. Mỗi năm chỉ về quê đúng một lần nhưng lần nào cũng áp lực cả."
Hết áp lực về tiền bạc, Tường Vy còn phải đối mặt với vấn đề "chồng con". Những năm qua, cô lao đầu vào công việc nên chẳng còn thời gian để tìm hiểu và yêu đương bất kì một ai. Mặc dù đã giải thích với mẹ rằng 27 tuổi vẫn còn khá trẻ để cưới chồng nhưng mẹ cô vẫn cứ thúc giục.
Một câu chuyện khác đến Thanh Thi, 26 tuổi. Hiện tại cô nàng vừa kinh doanh tự do vừa làm thêm tại rạp chiếu phim. Thi kể, lúc mới ra trường cô hùn vốn cùng bạn bè để thuê lại một căn nhà sau đó cải tạo cho thuê. Những năm chưa có dịch Covid 19 thì cô còn dư được chút đỉnh gửi về biếu bố mẹ. Năm nay thì hoàn toàn khác, Thi đã cầm cự căn nhà lỗ 20 triệu một tháng trong khi doanh thu về số 0.
"Chưa bao giờ mình cảm thấy buồn và áp lực như bây giờ. Đã một tuần hơn mình không dám nhận cuộc gọi nào từ mẹ. Mình đã 26 tuổi, tự biết bản thân không còn bé bỏng để bố mẹ phải lo lắng như ngày nào nên đều âm thầm chịu đựng một mình", Thi cho biết.
Công việc hàng ngày của một nhân viên bán thời gian tại rạp chiếu phim |
Hiện tại, Thanh Thi đang làm việc bán thời gian tại rạp chiếu phim với mức lương 20 ngàn/giờ để kiếm thêm trả tiền thuê nhà. Công việc làm theo ca, có hôm tan ca xong đã là 1 giờ sáng, cả người nhức mỏi. Điều đó làm cô chợt thấy thấm thía hơn nỗi vất vả của người trẻ. Tết này cô dự định không về quê để tiếp tục đi làm thêm. Với mức thù lao tăng gấp 3 so với ngày thường, đó là cơ hội tốt để cải thiện mức thu nhập.
Mọi năm về nhà, đối diện với các câu hỏi của họ hàng: "Con làm lương một tháng bao nhiêu?", "Con dự tính khi nào cưới chồng?", Thi vẫn còn thản nhiên mỉm cười trả lời thu nhập đủ để tiêu dùng. Thế nhưng năm nay có lẽ đó là một câu hỏi vô cùng khó mà cô nàng chưa thể đối diện.
Nếu còn đi học thì không sao chứ một khi đã bước chân vào đời thì ai cũng phải dăm ba lần đau đầu vì tiền nong. Chi phí sinh sống đắt đỏ ở thành phố trở thành gánh nặng cho giới trẻ. Mỗi tháng phải chi trả đủ thứ tiền "trên trời dưới đất" tính sơ sơ cũng đã ngót nghét 7-8 triệu.
Dẫu biết rằng Tết là dịp nghỉ hiếm hoi để trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng với những người trẻ đang gặp khó khăn thì đây lại trở thành một nỗi sợ. Thế nhưng tuổi trẻ chính là những chuỗi thử thách nối tiếp nhau, mong rằng tất cả mọi người sẽ kiên cường vượt qua để chạm đến thành công.
(Theo Pháp luật & Bạn đọc)
Dân công sở đi làm nhiều năm, tiết kiệm không nổi... 50 triệu đồng
Làm công việc văn phòng hơn 5 năm, không tiêu pha hoang phí, số tiền Huế để dành được chưa đến... 50 triệu đồng. Khi dịch ập đến, số tiền tiết kiệm của nữ nhân viên cũng vơi đi.