Là thợ cơ khí làm việc cho một doanh nghiệp của Hàn Quốc, Phương Nam (31 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết anh nhận được mức lương cơ bản là 6,4 triệu đồng cho 24 ngày công trong một tháng. Nếu chia trung bình, cứ mỗi ngày làm việc đủ 8 giờ, Nam sẽ nhận mức lương 266.000 đồng.
"Lương thợ kỹ thuật thậm chí chưa bằng một thợ phụ hồ. Tôi có nhiều bạn bè làm phụ hồ với mức 350.000 đồng/ngày", anh Nam nói và cho biết trừ đi mức đóng bảo hiểm xã hội 670.000 đồng, thu nhập thực lĩnh của anh hàng tháng là 5,23 triệu đồng.
Với mức thu nhập này, Nam chỉ đủ để trang trải tiền thuê trọ và những nhu cầu cơ bản hàng ngày như ăn, mặc."Tôi thậm chí không dám nghĩ đến việc lập gia đình, vì mức lương cơ bản quá thấp, chưa kể công ty tăng ca nhiều khiến tôi không có thời gian lo việc riêng", nam công nhân ngậm ngùi.
Tăng ca mệt lả người, lương vẫn không đủ sống
"Lương không đủ sống" là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", đặc biệt với người lao động hay công nhân làm thuê ở nhà máy, khu công nghiệp.
9,5 triệu là tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chị Trần Bảo Long (quê Bình Dương), khi làm việc ở nhà máy dệt may. Với số tiền này, gia đình nhỏ của chị Long phải chi tiêu dè xẻn khi gần một nửa mức thu nhập dành cho việc gửi con gái 3 tuổi đi mẫu giáo.
Người phụ nữ này làm phép tính: Tiền thuê nhà hàng tháng 2 triệu, tiền gửi con nhỏ 4 triệu, tiền ăn 3-4 triệu/đồng nếu tiết kiệm. Đó là chưa kể tiền sữa cho con, con ốm đau phải đi viện hoặc mua thuốc, tiền ma chay, hiếu hỉ...
"Tăng ca đến mệt lả người, hai vợ chồng đi làm không biết đêm ngày là gì, chưa bao giờ nghĩ đến các dịch vụ giải trí nhưng lương vẫn không đủ sống, không dư ra được một đồng tiết kiệm nào", nữ công nhân than thở.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vào tháng 4/2022 với hơn 2.016 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, 55,6% số công nhân cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống.
Trong khi đó, 23,2% công nhân phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và 13,2% không đủ sống ở mức tối thiểu. 33,5% công nhân được hỏi chia sẻ họ chỉ ăn thịt cá khoảng 3 lần/tuần, trong khi 5,5% cho biết rất ít khi trong bữa ăn hàng ngày của họ có thịt cá.
Đáng lưu ý, trong số 269 người lao động chưa lập gia đình tham gia khảo sát, hơn 54,6% cho biết tiền lương và thu nhập hiện tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định lập gia đình. Tiền lương, thu nhập thấp là nỗi e ngại lớn bởi họ sợ không đủ tài chính đảm bảo cho tổ ấm sau này.
Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy tiền lương cơ bản trung bình tháng (làm đủ giờ công, ngày công) là 5,762 triệu đồng/người. Lương thấp đã ảnh hưởng đến mọi mặt của người lao động, trong đó có quyết định không sinh con, để con sống xa bố mẹ, không dám đi khám bệnh khi bị ốm...
Đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn khi mức lương không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo định nghĩa của Oxfarm, lương đủ sống là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường, đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình.
Đó là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian (40-48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội cùng với một khoản tiết kiệm cho tương lai.
Nếu căn cứ vào định nghĩa này, những công nhân như Phương Nam hay Bảo Long thậm chí chưa nhận được mức "lương đủ sống".
Cần tăng lương từ 1/7 vì "sức chịu đựng đã đến ngưỡng"
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nêu nghịch lý công nhân lao động phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập lại thấp. Ở một số ngành như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... người lao động phải làm thêm đến 60-70 giờ/tháng.
Theo ông, người lao động phải được bảo đảm cuộc sống, "sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống". Do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình.
"Chỉ khi tiền lương tương xứng với năng suất, doanh nghiệp mới có thể động viên, yêu cầu họ làm việc với chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn hơn cho công ty, cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước", ông Quảng nói.
Trong khi đó, đại diện Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP.HCM, nhận định mức thu nhập của công nhân so với mức sống ở trung tâm thành phố không đủ sống do nhiều chi phí cao như nhà trọ, tiền ăn, sinh hoạt…
"Khi chưa có chính sách tăng lương tối thiểu vùng, không ít doanh nghiệp đã viện lý do này mà không tăng lương nên đã phần nào ảnh rất nhiều mức sống của công nhân", đại diện LĐLĐ TP.HCM cho biết.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 sẽ là công cụ để thúc đẩy người lao động tăng năng suất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Hiểu cho biết thông thường, việc tăng lương tối thiểu tính từ ngày 1/1 của năm kế tiếp. Tuy nhiên, trải qua gần 2 năm chưa có chính sách tăng lương, thời điểm tăng lương lần này vào ngày 1/7 sẽ kịp thời giúp người lao động bớt khó khăn, nhất là sau khi trải qua giai đoạn dịch bệnh đầy biến động.
"Sức chịu đựng của người lao động đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng bởi chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn", theo lãnh đạo tổ chức công đoàn Việt Nam.
Ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét. Sau đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời gian tăng lương tối thiểu đến ngày 1/1/2023 vì cho rằng các doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều khó khăn nếu phải tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7.
Nếu đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia được Chính phủ thông qua, mức tăng cụ thể cho người lao động là:
- Vùng 1 tăng 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng.
- Vùng 2 tăng 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng.
- Vùng 3 tăng 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng.
- Vùng 4 tăng 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.
(Theo Zing)
Chị Hạnh tiếc tiền xăng nên bỏ ra 30 phút đi bộ đến công ty. Ngoài chợ, dầu ăn tăng giá, mỳ tôm tăng giá, trứng gia cầm cũng đã tăng giá.