Hành trình 2 ngày 1 đêm chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San của chị Trang Long diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt, có lúc mưa lớn. Tuy nhiên, sau cuộc "hành xác", chị lại được chiêm ngưỡng tuyết rơi và rừng băng tuyệt đẹp.
“Công ty tôi thường tổ chức cho nhân viên đi du lịch mỗi năm một lần, có thể là vào dịp kỷ niệm sinh nhật công ty hoặc mùa hè… Và những hoạt động xây dựng đội ngũ (teambuilding) giống như một thứ “gia vị” không thể thiếu cho mỗi chuyến đi.
Hè năm nay, dù được tài trợ 100%, điểm đến là Nha Trang nhưng tôi quyết định từ chối vì mệt mỏi khi phải tham gia những trò chơi vô bổ, ảnh hưởng cả mặt thể xác và tinh thần”, chị T. (42 tuổi, nhân viên một công ty vận chuyển ở Hà Nội) chia sẻ.
Nỗi ám ảnh teambuilding
Chị T. nhận xét, teambuilding vốn là hoạt động mang tính gắn kết, giải tỏa năng lượng nhưng dần trở thành nỗi sợ của nhiều người. Điều này xuất phát từ những trò chơi “vô thưởng vô phạt” hoặc dễ gây nhạy cảm trong hoạt động teambuilding.
“Thực ra, teambuilding không xấu nhưng những người tổ chức chưa chuyên nghiệp vô tình đã làm ảnh hưởng đến hoạt động này”, chị T. cho hay.
Chị kể, có lần họ chơi một số trò tập thể như đập bể bóng bằng ngực, truyền trái cây bằng miệng… Một số người ngại ngùng từ chối tham gia vì họ thuộc tuýp hướng nội và không thấy thoải mái khi tiếp xúc, đụng chạm cơ thể với người khác.
Những người còn lại thì “chơi cho có”, “tham gia nhưng không đáng kể” và không thể lăn xả hết mình với trò chơi. Chỉ có rất ít người tham gia với tâm thế “thả ga”, “xả hơi” vì không vướng bận mối lo nào cả.
Là người trưởng thành, có gia đình và những mối bận tâm riêng, nên chị T. thấy bất tiện khi phải tham gia những trò chơi không phù hợp với lứa tuổi. Từ những trò đòi hỏi vận động liên tục cho đến “đụng chạm” không cần thiết chỉ để “mua vui”.
“Tình đồng đội chưa biết có gắn kết được hay không, nhưng tình cảm gia đình có nguy cơ bị rạn nứt từ những trò chơi tập thể đó”, chị bày tỏ.
Tương tự như chị T., chị H. (38 tuổi, ở TPHCM) cho biết, bản thân luôn mong chờ, hào hứng trước những chuyến du lịch do cơ quan tổ chức, dù thời gian chỉ vỏn vẹn 1 - 2 ngày, hoặc dài hơn từ 3 - 4 ngày.
Tuy nhiên, nếu chuyến đi nào có lịch trình bổ sung nhiều hoạt động teambuilding ngoài trời, chị sẽ tìm lý do để ở nhà. “Một là đi, hai là nghỉ chứ không thể đi nhưng từ chối teambuilding. Dù tiếc nuối nhưng tôi không muốn cơ thể mệt mỏi thêm”.
Chị H. nhớ lại, không ít lần bản thân và đồng nghiệp rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì các trò chơi tập thể. Có chuyến, chị bị sốt cao vì tham gia teambuilding giữa trưa, rồi tối đến lại lo tập tành biểu diễn văn nghệ hay nhậu nhẹt góp vui.
“Giữa trời nắng 37 - 38 độ, chúng tôi phải chơi đủ trò “mất sức” như kéo co, nhảy bao bố, chui bóng hơi… Ai nấy nhễ nhại mồ hôi, có người còn ngất xỉu vì say nắng”.
Theo chị H., mỗi chuyến du lịch của cơ quan thường kết hợp nhiều hoạt động như tiệc tối, đi tham quan… với lịch trình dày đặc vì thời gian hạn hẹp. Điều này khiến nhiều người cảm thấy mất sức, mệt mỏi thay vì được nghỉ ngơi “xả hơi”.
Chưa kể, dù chuyến đi được cho là kỳ nghỉ, chế độ phúc lợi với nhân viên nhưng chị vẫn phải đem máy theo để trực, làm việc như thường lệ.
Chị nhận thấy, ngoại trừ các thành viên trẻ tuổi, chưa vướng bận chuyện gia đình thì nhiều đồng nghiệp khác, nhất là nữ giới, ngày càng e dè khi đi du lịch cùng công ty vì mệt mỏi với cảnh teambuilding như hành xác.
Mất đoàn kết, nội bộ lục đục
Anh C. (40 tuổi, trưởng phòng một công ty thiết bị vật tư ở Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam, teambuilding có thể hiểu là việc nghỉ hè kết hợp với các hoạt động tập thể, như trò chơi đồng đội, tiệc tùng, cắm trại...
Tùy kinh phí của mỗi cơ quan, doanh nghiệp mà có thể tổ chức teambuilding tại các khu du lịch ngoài trời hoặc trong nhà, do đơn vị đó tự sắp xếp hoặc liên kết với đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện.
Song, thay vì nhằm mục đích tăng cường sự gắn kết giữa các phòng ban, giữa các cá nhân, nhiều hoạt động teambuilding vô tình trở thành “cuộc chiến” không phân thắng bại.
Anh C. kể, thông thường hoạt động teambuilding ở cơ quan anh đều có kèm giải thưởng, khi là tiền mặt, khi là quà tặng có giá trị khá lớn để khích lệ, động viên tinh thần nhân sự.
Tuy nhiên, theo anh, điều này vô tình tạo nên sự cạnh tranh, hơn thua lẫn nhau vì ai cũng muốn thắng.
“Bình thường, mọi người cư xử với nhau rất vui vẻ, hòa nhã nhưng khi chia đội thì trở nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Có người “hăng” quá, vô tình để lại ấn tượng không tốt. Có những người còn cạch mặt nhau sau khi tham gia trò chơi.
Là người đại diện cho phòng, tôi luôn phải đứng ra hòa giải mỗi khi nhóm có tranh cãi về mặt kết quả. Tôi không muốn các thành viên thấy ấm ức nhưng cũng không muốn mất hòa khí với các phòng, ban khác trong cơ quan.
Thực tình gắn kết ở đâu chưa thấy mà chỉ thấy mệt mọi vì nội bộ lục đục, sứt mẻ tình cảm với nhau”, anh C. giãi bày.
Để teambuilding đúng nghĩa
Đại diện một số đơn vị tổ chức sự kiện ở Hà Nội chia sẻ, thực tế có nhiều người từ chối tham gia các chuyến du lịch do công ty tổ chức hàng năm, phần lớn xuất phát từ việc muốn né tránh hoạt động teambuilding.
Vì vậy, để thu hút nhân sự tình nguyện và tham gia chuyến đi một cách vui vẻ, các đơn vị, tổ chức cần xây dựng lịch trình phù hợp, loại bỏ các chương trình không cần thiết, dễ gây mệt mỏi cho nhân viên.
Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, teambuilding không nhất thiết phải là những trò chơi vận động tốn sức. Thay vào đó, các công ty có thể tổ chức những trò chơi nhẹ nhàng, tạo cơ hội cho mọi người trò chuyện, chia sẻ.
Một người bình luận: “Phần trò chơi ngoài trời chỉ nên kéo dài 1-2 tiếng và chọn thời điểm mát mẻ trong ngày, chứ không nhất thiết phải đứng nắng, vận động cho vã mồ hôi mới là gắn kết với nhau”.
"Công ty có thể tổ chức chuyến đi đúng chất nghỉ ngơi, thư giãn bằng việc kết hợp làm lửa trại, hay các trò chơi trong nhà, mang tính giải trí đầu óc… Như vậy vẫn vui mà gắn kết hơn, không lo tốn sức”, một người khác nêu ý kiến.