Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12 của Bộ TT&TT diễn ra vào ngày 7/12, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần VNG.

gamemophong.jpg
Game bài của VNG cung cấp vi phạm nội dung kịch bản đã được phê duyệt.

Theo đó, Công ty Cổ phần VNG bị xử phạt do cung cấp dịch vụ 6 trò chơi điện tử G1, bao gồm: Tú Lơ Khơ, Poker Việt Nam, Crazy Tiến Lên, Tiến Lên Miền Nam, Cờ Cá Ngựa, Cờ Tướng không đúng với nội dung kịch bản đã được phê duyệt.

Cục PTTH&TTĐT cũng áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung. Cụ thể, Công ty Cổ phần VNG sẽ bị tước quyền sử dụng Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến số 03/QĐ-TCTT ngày 16/01/2009 do Cục PTTH&TTĐT cấp trong 2 tháng, đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, ngay sau khi nhận được quyết định xử phạt ngày 6/12 vừa qua, VNG đã ngay lập tức có động thái để tạm ngừng cung cấp các game này.

Cụ thể, nhà phát hành này đã đưa ra thông báo, “nhằm tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng, ngày 9/12 đã tiến hành bảo trì các kênh nạp”, và đến 18h00 ngày 11/12, VNG đã chính thức tạm ngừng cung cấp các game trên. Theo đó, khi chọn vào chơi các game này, một dòng thông báo tạm ngừng cung cấp game hiện ra. Thông báo viết: “Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chúng tôi rất tiếc phải tạm ngừng game tại Việt Nam trong 2 tháng”.

Như vậy, với việc VNG tạm ngừng các game trên, tại Việt Nam hiện không còn các game mô phỏng lá bài (game bài) nào được cấp phép trên thị trường.

Từ năm 2009 đến nay, tại Việt Nam, chỉ có 2 công ty được cấp phép game bài là VNG với cổng game ZingPlay và VDC-Net2E với cổng Ongame. Nhưng sau đó, Ongame chính thức ngừng hoạt động, trên thị trường chỉ còn duy nhất ZingPlay của VNG là cung cấp các game bài có phép gồm các game Tú Lơ Khơ, PokerVN, Crazy Tiến Lên và Tiến Lên Miền Nam. 

Ngay sau đó, trước việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng game lá bài để tổ chức đánh bạc, đặc biệt là game bài đổi thưởng, Bộ TT&TT đã không còn cấp phép cho game bài từ năm 2010 đến nay.

tamdung.jpg
Thông báo tạm dừng các game bài trên ZingPlay.

Chính vì thế, đến thời điểm trước khi bị tước giấy phép phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến, VNG là doanh nghiệp duy nhất có giấy phép game bài tại thị trường trong nước. 

Tuy nhiên, đáng chú ý, vào năm 2014, Bộ TT&TT đã ban hành thông tư số 24/TT-BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng, trong đó tại điều 29 (điều khoản chuyển tiếp) có quy định, đối với những trò chơi điện tử đã được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 của liên Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông và Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (Online Games), nếu doanh nghiệp thay đổi tên trò chơi, cập nhật, nâng cấp phiên bản mới, có thay đổi, bổ sung nội dung, kịch bản trò chơi thì phải thực hiện thủ tục đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Thông tư này trong thời gian 180 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. 

Quy định trên khiến nhiều người thắc mắc, là các game bài của VNG đang hoạt động nếu áp dụng theo điều khoản này liệu có phải tiến hành thủ tục xin phê duyệt nội dung, kịch bản lại hay không, vì thực tế game đã có các cập nhật và nâng cấp. Nhưng điều này cũng dẫn đến mâu thuẫn là kể từ năm 2010 tới nay, Bộ TT&TT đã có chủ trương dừng cấp phép game bài. Cho nên, ZingPlay vẫn là trường hợp cá biệt trên thị trường đến thời điểm hiện tại.

Để rõ ràng trong việc cấp phép game bài vào thời gian tới, vừa qua, Bộ TT&TT đã có tờ trình Chính phủ nêu rõ game bài giải trí là trò chơi điện tử trên mạng không đổi thưởng, có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài.

Qua thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, cơ quan soạn thảo nhận thấy dòng game bài giải trí dù cấm đổi thưởng vẫn rất dễ bị lợi dụng, biến tướng thành cờ bạc, đổi thưởng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tác động xấu đến thế hệ trẻ, trong khi các giải pháp quản lý hiện tại chưa bảo đảm khả năng giám sát hiệu quả việc biến tướng thành hoạt động cờ bạc bên ngoài game. Chính vì thế, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ TT&TT đã đưa vào quy định Không cấp phép đối với trò chơi điện tử trên mạng có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài vào dự thảo Nghị định thay thế.

Đề xuất không cấp phép dòng game bài giải tríGame bài giải trí có khả năng sẽ bị dừng cấp phép. Theo đề xuất mới, các trò chơi điện tử G1 không được mô phỏng các game có thưởng trong các casino hoặc sử dụng hình ảnh lá bài.