Nằm trên chiếc giường cũ kĩ, ông Đỗ Trọng Oánh (76 tuổi) nhăn mặt do cơn đau ập đến. Mặc dù vậy, ông vẫn không rên lên hay kêu ca nửa lời. Nhiều người biết đến hoàn cảnh của ông đều không khỏi thở dài thương xót.
Năm 1968, ông Oánh xung phong nhập ngũ, được phân công đến sư đoàn 304 làm nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam và Campuchia. Nhưng chỉ được 2 năm, ông bị địch bắt, giam giữ tại nhà tù Phú Quốc. Những ngày đầu rơi vào nơi "địa ngục trần gian" ấy, cả đời này ông cũng không quên được.
Năm 1973, ông được tự do theo chính sách trao trả tù binh sau Hiệp định Paris. Ông tiếp tục ở lại, phục vụ trong quân đội đến tận ngày đất nước thống nhất.
Một năm sau ngày giải phóng, ông Oánh trở về quê hương với một vết thương trên tay, được địa phương công nhận là thương binh hạng 4/4. Hạnh phúc nhen nhóm khi ông lập gia đình, sinh được 3 người con. Đau đớn thay, người lính lại tiếp tục gánh chịu những nỗi đau tinh thần giữa thời bình. Con trai đầu lòng của ông đột ngột qua đời, để lại cháu nội còn quá nhỏ. Con gái thứ hai cũng vì băng huyết mà tử vong ngay gần thời điểm đó.
Ở độ tuổi ngoài 70, vợ chồng ông Oánh nuốt nước mắt, gắng sức chăm sóc cháu thay con. Bất hạnh vẫn chưa dừng lại khi mấy năm gần đây, ông bị suy thận mãn giai đoạn cuối, mắc thêm chứng suy tim, bệnh gout phải nằm liệt giường. Vợ bác vốn bị thoái hoá cột sống nhưng vì nhà quá nghèo cũng đành nhắm mắt chịu đau, không dám mổ.
“Vợ chồng chú Oánh rất tốt, sống đạo đức lắm nhưng cuối đời khổ quá, ai ai cũng thương nhưng không biết giúp thế nào. Bị bệnh tật như thế nhưng chú nói phải kiên cường nên cố cắn răng chịu đựng chứ không muốn kêu ca gì cả”, anh Đỗ Văn Đặng chia sẻ. Anh Đặng là cháu ruột gọi ông Oánh bằng chú, sống gần đó, là người trực tiếp chăm lo, đưa ông bà đi bệnh viện khi cần.
Hai con lớn mất, con út lại đi làm ăn xa, vợ chồng ông sống khá chật vật. Thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Túc, vợ ông sau khi vay được tiền đã cho ông đi châm cứu mới không còn nằm liệt giường. Nhưng số tiền trợ cấp thương binh chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng lại chẳng đủ để lo tiền thuốc điều trị bệnh suy thận, suy tim. Những lúc bí bách tiền bạc, hai người chỉ biết đi vay mượn người quen, hàng xóm, số nợ đã lên tới vài chục triệu đồng.
Nằm trên giường bệnh, nghĩ về tình cảnh của mình hiện tại, lại nghĩ đến hai người con đã mất, bà Túc không thể cầm nổi nước mắt. Người con trai còn lại của ông bà là anh Nguyễn Ngọc Thạnh (SN 1982) vốn đi làm ăn xa, lại phải nuôi con nhỏ, không có điều kiện gần gũi, chăm sóc bố mẹ.
Trong căn nhà xác xơ, tiêu điều không có nổi một món đồ giá trị, mùi ẩm mốc bốc lên, lại thêm mùi thuốc, quần áo cũ khiến không khí càng thêm ảm đạm. Điều vợ chồng ông Oánh mong mỏi là có được chút tiền, chạy chữa bệnh thêm một thời gian cho khỏi đau đớn.
Theo xác nhận của lãnh đạo xã Giao Tiến, hoàn cảnh gia đình ông Đỗ Trọng Oánh rất khó khăn. Ông bà sinh được có 3 người con thì hai con lớn mất, chỉ còn lại ngườ con trai duy nhất đi làm xa, kinh tế cũng khó khăn. Hàng tuần ông đều đi bệnh viện điều trị, chi phí tốn kém. Rất mong cộng đồng quan tâm, giúp đỡ ông bà.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Anh Đỗ Văn Đặng. Địa chỉ: Địa chỉ: Xóm 8 xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Số điện thoại: 0964022823. 2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2022.188 (ông Đỗ Trọng Oánh) Chuyển khoản: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội - Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: Báo VIETNAMNET - The currency of bank account: 0011002643148 - Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM - Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam - SWIFT code: BFTVVNV X - Qua TK ngân hàng Vietinbank: Chuyển khoản: Báo VietNamNet Số tài khoản: 114000161718 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa - Chuyển tiền từ nước ngoài: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch - Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội - Swift code: ICBVVNVX126 3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet: - Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. - Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. Điện thoại: 19001081. |