"Không có lễ hội nào khoán hết được cho cộng đồng. Bao giờ cũng có cơ quan quản lý đứng đằng sau', Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Lê Thị Minh Lý nói.

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Bên cạnh những mặt tích cực, hạn chế được những bất cập của Lễ hội thì những mặt tồn tại dai dẳng chưa tìm được phương hướng giải quyết triệt để vẫn còn tồn tại.

{keywords}
Hình ảnh chen lấn xô đẩy trong Lễ hội vẫn còn 

Chỉ mặt nêu tên những lễ hội chưa được

Theo bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, một số địa phương vẫn tổ chức hội chọi trâu mà không phải lễ hội truyền thống của địa phương như: xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội); huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang (Hà Giang); huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước); xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái); xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai); Mai Sơn (Sơn La)…

Thêm vào đó, việc bày bán tràn lan những quyển sách tử vi, bói toán lừa gạt khách thăm quan vẫn còn tồn tại. Cụ thể, Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bình Dương phát hiện và tịch thu 29.200 tờ tử vi, 22 cuốn sách bói toán. Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Hưng Yên xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hiện trục lợi, lừa gạt khách tham quan, mê tín dị đoan, cờ bạc; Thanh tra Sở VHTT tỉnh Kiên Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ Lễ hội chưa lành mạnh,...

Hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại Đền Trần (Nam Định); tranh cướp tại Lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); tình trạng khấn khuê Đền Bà Chùa Kho (Bắc Ninh), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)….

Giảm tần suất và quy mô lễ hội

"Lễ hội nào mà vai trò của cộng đồng tốt thì lễ hội ấy tốt. Lễ hội nào mà cán bộ quản lý địa phương hiểu biết sâu sắc về văn hóa, kết nối chặt chẽ với cộng đồng thì ở đó lễ hội rất tốt", Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Lê Thị Minh Lý nói.

Bà Minh Lý cũng 'hiến kế' để lễ hội ngày càng tốt hơn thì cần phải nắm được 4 từ khoá là: Tôn trọng cộng đồng, chia sẻ, đối thoại, bài bản.

"Lễ hội của chúng ta bị gián đoạn, đứt quãng về mặt văn hóa trong thời gian rất dài, ít nhất từ năm 1945 - 1960 nên tạo nhiều lỗ hổng mà chúng ta đang phải đối mặt, sửa chữa. Các giá trị chưa được nhận diện đầy đủ nên kể cả các nhà nghiên cứu vẫn có những tranh luận. Ví dụ, lễ hội chém lợn thực ra là mới khôi phục lại thôi. Chuyện tổ chức chém lợn là do cộng đồng tổ chức. Phải biết cách đối thoại thì cộng đồng tự động rút lui.

Cần tăng cường công tác nghiên cứu, tư liệu hóa với sự tham gia của cộng đồng. Trong quá trình đó, ta lắng nghe, đối thoại, nâng cao nhận thức của họ. Như lễ cầu trâu Phú Thọ, nhờ đối thoại mà có thể thay đổi.

Ví dụ 3 năm rồi, Hà Nội làm công tác kiểm kê di sản phi vật thể với 1.306 lễ hội. Qua kiểm kê, biết ngay lễ hội nào có vai trò cộng đồng tốt. Việc nhân danh danh hiệu để thương mại hóa di sản là không phải không có và chúng ta phải lường trước. Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt rắc rối, không kịp phát hiện, can thiệp sẽ thành vấn đề lớn. Mô hình quản lý loại hình di sản văn hóa phi vật thể nói chung, dân gian nói riêng cần có sự phối hợp: Cộng đồng - Nhà khoa học với cơ quan quản lý. Có sự đối thoại, chia sẻ, hợp tác của nhà nghiên cứu, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Không có lễ hội nào khoán hết được cho cộng đồng. Bao giờ cũng có cơ quan quản lý đứng đằng sau", bà Lý chia sẻ.

{keywords}
Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh. ẢNh: Tuổi Trẻ

Ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL nhận định: "Sự thay đổi về nhận thức, hành vi của những người tham gia lễ hội ngày càng được thể hiện rõ nét, kéo theo đó là các hoạt động văn hóa trong lễ hội cũng thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách tham gia lễ hội. Các hoạt động trong lễ hội ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Các yếu tố văn hóa truyền thống trong lễ hội đang bị mai một dần.

Do vậy, cần thiết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tổ chức các hoạt động trong lễ hội cho phù hợp với truyền thống, văn hóa của nước ta".

Cũng theo ông Phúc, để gỡ bỏ bất cập này cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Một số địa phương đang tìm cách lách các quy định của nhà nước về tổ chức lễ hội để tiếp tục duy trì, tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Từ hoạt động chọi trâu dẫn tới các vấn đề xã hội trong lễ hội nảy sinh như: hiện tượng dựa vào lễ hội để bán vé, trục lợi; bán thịt trâu chọi giá cao; vấn đề cá cược trá hình trong lễ hội.

"Đơn cử Lễ hội Cướp Phết chúng tôi đang đề xuất từng thôn, xã có những người tham gia sẽ mặc đồng phục để tránh tình trạng tranh cướp phản cảm như những năm trước. Ngoài ra cũng cần tuyên truyền để người dân hiểu Cướp Phết chỉ là một trò chơi đầu xuân chứ không phải là một trò tranh cướp” ông Phúc cho hay.

Tình Lê