VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Hàng Thị Minh Hiệp gửi tới diễn đàn Dạy "làm người" trong trường học (nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả).
Đã có hàng chục năm đứng trên bục giảng, tôi cho rằng những hành vi vi phạm về mặt đạo đức, nhân cách, lối sống của học sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau: tâm sinh lý của tuổi mới lớn khiến học sinh thường hiếu động, bồng bột dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, nhằm khẳng định và thể hiện mình...
Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc cũng như thiếu khả năng duy trì những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Bên cạnh đó, phải kể đến việc thiếu đồng bộ trong quá trình tổ chức giáo dục học sinh giữa nhà trường với các tổ chức xã hội, sự du nhập của các luồng văn hoá độc hại, trò chơi điện tử bạo lực...
Thầy cô chưa đủ thấu hiểu, cảm thông
Từ thực tế này, yêu cầu đặt ra là làm sao để những kiến thức ở trên lớp mà học sinh tiếp nhận được trở thành những kỹ năng, hành động đẹp và đúng đắn trong cuộc sống? Làm sao các em có thể tự bảo vệ chính bản thân trước những tác động bởi cái xấu và các tệ nạn trong xã hội?
Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn thấm nhuần quan niệm không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh chưa ngoan, do thầy cô chưa đủ thấu hiểu, cảm thông và bao dung. Mỗi học sinh đều có những câu chuyện riêng, nếu các em có xu hướng nổi loạn, hẳn xuất phát từ nhiều lý do.
Suốt chặng đường đồng hành cùng học sinh, tôi luôn cố gắng dành tình cảm chân thành, không đem sự cấm đoán cứng nhắc để thay đổi các em.
Có lẽ, chính sự chân thành của tôi đã “cảm hoá” được nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Từ những cậu bé, cô bé ngỗ ngược, ham chơi, các em đã dần trở nên ngoan ngoãn, chỉn chu học hành, cha mẹ yên tâm.
Hạnh phúc của một người thầy đôi khi đến từ những điều giản dị như thế.
Tôi từng có khoảng thời gian công tác trong ngành giáo dục tại Nhật Bản và nhận ra rằng việc rèn luyện nhân cách, đạo đức rất được chú trọng trong nền giáo dục ở quốc gia này. Quá trình này được thực hiện từ sớm và gần như xuyên suốt chặng đường học tập của mỗi học sinh.
Học sinh tại Nhật được học “làm người” không phải từ các lời thuyết giảng giáo điều, sách vở mà xuất phát từ vô số trải nghiệm thực tế ở trường lớp, ở nhà và xã hội. Lâu dần, các kỹ năng này được thẩm thấu tự nhiên, trở thành thước đo chuẩn mực, góp phần nuôi dưỡng nhân cách con người.
Thay vì phải xây dựng những giờ học đạo đức riêng biệt, người Nhật lại cho rằng tất cả các tiết dạy, giáo viên đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức.
Việc dạy kỹ năng sống cũng như bài học làm người diễn ra trong mọi hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở; không phải học thuộc, mà phải rèn luyện thực hành hàng ngày để hình thành những thói quen tốt, từ thói quen ấy sẽ trở thành những hành động tự nhiên, lâu dần trở thành tố chất của mỗi con người.
Hoặc như trường hợp của cháu tôi đang học tại Phần Lan. Theo anh chị tôi chia sẻ thì giáo dục tiểu học ở đây hướng đến sự công bằng. Chính vì thế khi giảng dạy, họ rất ít khi tạo áp lực học tập cho học sinh, không thúc đẩy để các em trở thành người giỏi nhất, mà chỉ muốn trẻ tiếp cận giáo dục theo cách riêng của từng em.
Tại Phần Lan, cháu tôi thường đi học muộn hơn hầu hết các nước khác và có rất nhiều hoạt động chân tay trong lớp học như vẽ, chơi nhạc, nặn đất sét. Sự hợp tác, làm việc nhóm cũng được đề cao khi học tập, giúp trẻ em yêu thích việc đến trường hơn, thay vì áp lực thi cử và điểm số.
Từ những trải nghiệm của bản thân và câu chuyện thực tế ở nước ngoài, tôi cho rằng việc rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức cần được thực hiện ngay từ khi học sinh còn nhỏ tuổi.
Các em học sinh nên được thực hành theo tấm gương từ các thầy cô giáo trong các hoạt động hàng ngày về các quy tắc ứng xử, nề nếp một cách kỹ lưỡng. Điều này sẽ góp phần mang đến hiệu quả cao cho giáo dục.
Hàng Thị Minh Hiệp (Trường CĐ Lý Tự Trọng, TP.HCM)
Những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, những biểu hiện lệch lạc về hành vi, đạo đức trong học sinh, giáo viên và cả phụ huynh thể hiện ngày càng nhiều. Xã hội dần nhận ra kết quả học tập hay điểm các cuộc thi cao ngất ngưởng dù đem lại sự tự hào và được coi trọng trong nhà trường nhưng thực ra không có giá trị bền vững, không đem lại cho học sinh những phẩm chất, kỹ năng cần thiết trong "trường đời" sau này. Trong khi đó, đạo đức, tình yêu thương, sự trung thực, khả năng sáng tạo, phản biện và nhiều kỹ năng mềm khác lại thực sự thiếu vắng trong môi trường học đường hiện nay. Ban Giáo dục Báo VietNamNet mở diễn đàn "Dạy ‘làm người’ trong trường học", mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả, nhằm giúp cho trẻ khi đến trường không chỉ thu nhận được kiến thức mà còn học được cách sống tự lập, đối nhân xử thế, cách làm việc chung... trong đời sống trưởng thành sau này. Ý kiến đóng góp xin gửi về [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |