“Không một ngành kinh tế nào ở đất nước chúng ta không có sự hiện diện của Công nghệ thông tin (CNTT) và nếu không ứng dụng CNTT là mất đi cơ hội để phát triển, để nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng điều hành quản lý”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nói tại chương trình Ngày hội máy tính cho cuộc sống diễn ra tại Thái Nguyên hôm qua, 21/3.
Tặng 3.000 máy tính ở 44 tỉnh thành
Ngày hội Máy tính cho cuộc sống lần thứ nhất diễn ra tại Thái Nguyên trong hai ngày 21-22/3 là sự tiếp nối thành công của Sáng kiến “Máy tính cho cuộc sống” do Bộ TT&TT phát động trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới (WITFOR) 2009 tại Hà Nội.
Chị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống. |
Từ 2008 tới nay, Chương trình Máy tính cho cuộc sống đã “đi qua” khắp 44 tỉnh, thành phố khác nhau, vận động trao tặng 2.689 bộ máy tính, 329 máy in, 1.996 bộ tài liệu, kết nối miễn phí internet cho 43 tỉnh, thành phố và nhiều tổ chức xã hội.
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức được 27 lớp đào tạo tại 08 tỉnh cho 260 học viên, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Cho tới nay, ước tính khoảng 10.000 người đã được thụ hưởng từ chương trình.
Nói về kết quả của Chương trình Máy tính cho cuộc sống tại địa phương mình, ông Hồ Quang Thành, Giám đốc Sở TT&TT Nghệ An cho biết: Từ 23/4/2010, địa phương này đã nhận được 60 máy tính, 5 máy in và triển khai kết nối Internet miễn phí từ chương trình Máy tính cho cuộc sống của Bộ TT&TT kết hợp với các doanh nghiệp. Số lượng các máy tính, máy in này đã được Nghệ An chuyển tới các trường THCS, THPT, Trung tâm CNTT và các đồn biên phòng.
Cho tới nay, số lượng máy tính của chương trình trao tặng đã được sử dụng một cách rất hiệu quả. Các máy tính tại các đồn biên phòng không chỉ được sử dụng cho công việc, tra cứu thông tin mà còn là công cụ để các chiến sĩ làm thơ, hay gửi email tới các đồng đội, bạn bè của mình. Trong khi đó, Trung tâm CNTT-TT đã đưa hệ thống vào phục vụ đào tạo lưu động cho cán bộ công chức các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
“Đây là một nguồn lực rất to lớn cho người dân Nghệ An, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với máy tính, có cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại, cũng như tri thức của nhân loại”, ông Thành khẳng định.
Nói về những lợi ích mà chương trình “Máy tính cho cuộc sống” với hoạt động đào tạo và sử dụng CNTT của Trung tâm Nghị lực sống, chị Nguyễn Thảo Vân, một người khuyết tật và là giám đốc trung tâm chia sẻ: “Nếu không có chương trình thì người khuyết tật tại trung tâm sẽ không có điều kiện để học tập và tìm được việc làm, có lẽ phải chờ rất lâu mới có cơ hội để hòa nhập xã hội. Bản thân tôi nếu không có máy tính và Internet thì khó làm được gì cho bản thân, chưa nói là góp phần cho toàn xã hội”.
Theo lời kể của chị Vân, vào năm 2008, trung tâm đã tiếp nhận tới 138 hồ sơ xin học nhưng chỉ nhận đào tạo được 60 học viên, phải dạy 3 ca liên tục vì không có đủ máy tính. Khi đó, tỷ lệ học viên tìm được việc làm ổn định chỉ khiêm tốn ở mức 45%. Từ năm 2010, sau khi được tiếp nhận máy tính từ Chương trình Máy tính cho cuộc sống, số lượng học viên được đào tạo đã tăng dần, tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo cũng cao hơn. Tới năm 2013 đã có hơn 300 học viên có được việc làm sau khi học xong, chiếm hơn 90% tổng số học viên được đào tạo. Thu nhập trung bình của mỗi người đều từ 6-7 triệu đồng/tháng, trong đó có nhiều người làm việc tại các công ty nước ngoài.
Mang cơ hội đến cho mọi người dân
Đánh giá cao ý nghĩa tích cực mà Chương trình Máy tính và cuộc sống đem lại trong những năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, chương trình là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với xã hội cũng như ngành thông tin truyền thông Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu thiên niên kỷ về thu hẹp khoảng cách số do Liên Hợp Quốc đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son xem các em học sinh học cách sử dụng máy tính bảng tại Ngày hội máy tính. |
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, ngành CNTT-TT Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển nhanh chóng và ngày càng khẳng định là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều tổ chức, đơn vị, nhiều người vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ cũng như công nghệ hiện đại của CNTT.
“Không một ngành kinh tế nào ở đất nước chúng ta không có sự hiện diện của CNTT và nếu không ứng dụng CNTT là mất đi cơ hội để phát triển, để nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng điều hành quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta có rất nhiều việc phải làm như nâng cao nhận thức của người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đảm bảo các quyền tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thông tin cho mọi người dân Việt Nam.
Với nhiệm vụ đó, Bộ trưởng khẳng định, sau Ngày hội Máy tính cho cuộc sống lần thứ nhất được tổ chức tại Thái Nguyên, Ngày hội máy tính sẽ được tổ chức luân phiên tại các tỉnh thành trên cả nước, cứ 2 năm một lần.
“Ngày hội máy tính sẽ tạo điều kiện để mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là lớp trẻ, sinh viên, học sinh tiếp cận với chương trình máy tính cuộc sống, góp phần nâng cao tri thức, hiểu biết, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
- Bài và ảnh: Lê Văn