Bộ Y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng
Ngày 8/7/2016, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt chương trình SHĐ. Quyết định ghi rõ 9 chỉ tiêu cụ thể, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.
Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành quy định tạm thời về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường bằng Quyết định số 5450. Theo đó, tại Điều 1 của Quyết định này: Các sản phẩm sữa tươi thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định kỹ thuật đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.
Căn cứ vào Quyết định này, các sản phẩm sữa tươi được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường, gồm: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng; sữa tươi thanh trùng; sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng.
Tới tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ra công văn gửi UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường. Trong công văn có nêu rõ sữa tươi nguyên liệu dùng trong chương trình SHĐ phải đạt quy định kỹ thuật theo Thông tư số 29 năm 2017 của Bộ NNPTNT và sữa thành phẩm phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450 của Bộ Y tế nói trên.
Tuy nhiên, Quyết định 5450 là một quy định tạm thời trong Chương trình Sữa học đường để đáp ứng mục tiêu và chỉ tiêu đã được Quyết định 1340/QĐ-TTg đề ra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến luôn yêu cầu các ban, ngành thực hiện nghiêm Quyết định của Thủ tướng trong chương trình Sữa học đường. Ảnh: Hoàng Long/VietNamNet
Như vậy, từ thời điểm 28/9/2016, đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ về quy định kỹ thuật của sản phẩm sữa tươi tham gia chương trình SHĐ. Theo đó, 4 loại sữa tươi sử dụng trong chương trình được làm từ sữa tươi nguyên liệu phù hợp với Thông tư số 29 năm 2017 của Bộ NNPTNT và hoàn toàn đáp ứng các chỉ tiêu về bổ sung năng lượng và vi chất trong Quyết định 1340 của Chính phủ và Quy định 5450 của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế trong lần trả lời báo chí mới đây đã nói rất rõ ràng: sau khi Thủ tướng phê duyệt Chương trình SHĐ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450 về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ. Đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình SHĐ tại địa phương.
“Cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế ký không dưới 3 công văn đề nghị các tỉnh triển khai. Trong đó Bộ Y tế nhấn mạnh, về nguyên liệu phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29 năm 2017 của Bộ NNPTNT.
Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450 của Bộ Y tế”- ông Nguyễn Đức Vinh nói thêm.
Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, đề nghị các địa phương vẫn tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành như trong thời gian vừa qua.
Tại buổi chia sẻ với chí ngày 15/8, ông Nguyễn Đức Vinh nói lại một lần nữa việc: Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình không phải ban hành quy chuẩn. Thế giới và Việt Nam đều không có quy chuẩn sữa tươi. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 như đã đề cập.
Bổ sung vi chất vào SHĐ cần cơ sở khoa học, tính khả thi
Nêu quan điểm của Bộ Y tế về việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ, ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định, việc này cần có cơ sở khoa học, đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả phải hướng tới thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định 1340 của Thủ tướng trong đó có yêu cầu đáp ứng nhu cầu sắt, vitamin D, Canxi của trẻ em mẫu giáo, tiểu học thêm 30% vào năm 2020.
Về mặt khoa học, nhiều chuyên gia đều cảnh báo rằng, việc bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi vốn đã giàu vitamin và khoáng chất cần có các nghiên cứu đối chứng lâm sàng hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây dư thừa hoặc có các ảnh hưởng không mong muốn đối với sức khỏe trẻ em.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình.
“Mục đích cao nhất mà Bộ Y tế hướng tới là các cháu được sử dụng sản phẩm tốt nhất, tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của các cháu được cải thiện theo đúng Quyết định của Thủ tướng” – ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định một lần nữa.
Thanh Lan
15 tỉnh uống sữa học đường, Bộ Y tế chưa chốt bổ sung bao nhiêu vi chất
- Hiện đã có 15 tỉnh triển khai sữa học đường song Bộ Y tế cho biết vẫn chưa có thống nhất được nên bổ sung bao nhiêu vi chất.