Hai lần phải bước ra khỏi nhà vì bị ruồng rẫy, hai lần tay trắng phải làm lại bắt đầu từ con số không. Nhưng bất hạnh chưa bao giờ buông tha cho chị, cùng cực hơn nữa khi chị bị chính người chồng thứ hai thuê người tạt axit nhằm hủy hoại dung nhan chỉ vì cự tuyệt "tình xưa".

LTS: Cả xã hội đang kêu gọi bình đẳng giới, nhưng cụm từ đó dường như quá xa lạ với một số người phụ nữ gặp bất hạnh trong hôn nhân gia đình. Họ phải chịu cảnh đày đọa về thân xác và tinh thần vì bị chồng ngược đãi một cách tàn bạo. Và họ - những người phụ nữ là nạn nhân của bi kịch hôn nhân và bạo lực gia đình không phải lúc nào cũng dám lên tiếng, dám đối mặt để thoát khỏi. Có những người phụ nữ sau đó đứng lên làm lại được cuộc đời nhưng có người thì lại chọn cách cam chịu, ôm cay đắng, tủi nhục riêng mình...

“Hai lần đò vẫn đắm”

Người phụ nữ xinh đẹp, bất hạnh nhưng giàu nghị lực sống đó chính là chị Lê Thị Kim Tiến (SN 1963), trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chị từng là một diễn viên kịch nói nổi tiếng một thời trong 1 đoàn kịch. Nhưng người ta nói “hồng nhan thì thường lắm truân chuyên” và câu nói đó quả là đúng với cuộc đời của chị. Và chị cũng phải thốt lên trong buổi nói chuyện với PV rằng: “Cuộc đời của chị như một vở bi kịch buồn mà chính chị là diễn viên chính của nó em ạ”.

Vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật nên chị đã sớm bộc lộ những năng khiếu được thừa hưởng từ truyền thống. Có cha là một nghệ nhân dạy hát chèo và đã ra sức dạy dỗ đào tạo Kim Tiến thành một tài năng trẻ lúc bấy giờ. Khi học hết cấp ba, say mê với môn nghệ thuật này nên Kim Tiến đã thi tuyển vào đoàn kịch nói Hải Dương và được trúng tuyển ngay.

Trong thời gian công tác tại đoàn kịch, thì mối lương duyên thứ nhất đã đến với chị. Người đó chính là trưởng ban chuyên môn, đồng thời là thầy dạy của Kim Tiến trong đoàn kịch. Say đắm trước vẻ đẹp đằm thắm của cô học trò, nên anh trưởng ban đã tìm mọi cách chinh phục được chị. Vì tình yêu, Kim Tiến chấp nhận chia tay đoàn kịch do quy định là vào công tác 3 năm mới được lập gia đình, chị đã lên xe hoa với người chồng thứ nhất năm 1986.

{keywords}
Chị Kim Tiến ngày chưa bị tạt axit.

Nhưng bão tố triền miên đến với Kim Tiến từ ngày chị “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Rời đoàn kịch, 2 vợ chồng về quê chồng ở Ân Thi, Hưng Yên sinh sống. Từ một tiểu thư đài các, nhà khá giả giờ đây chị phải chịu cuộc sống lao động cực nhọc làm ruộng, chăn nuôi, chạy chợ với những mẹt rau, bánh rán để mưu sinh. Vượt qua tất cả vì tình yêu dành cho người chồng, chị cố gắng làm lụng và cả hai đã có cuộc sống khấm khá. Nhưng đến lúc đó vợ chồng lại chẳng sống được với nhau vì muôn vàn lý do, chị và chồng đã ly dị.

Lúc chia tay chị đã có đứa con 3 tuổi, hai mẹ con ôm nhau lên Hà Nội với bàn tay trắng, chị xin vào 1 đoàn kịch nói khác và làm thêm nhiều nghề để sống. Và những ngày tháng đó chị gặp gỡ người chồng thứ hai tên Nguyễn Văn C, cả hai đến với nhau trong sự phản đối kịch liệt của gia đình anh C. Nhờ buôn bán thành công trở nên giàu có nên chị được gia đình nhà chồng đón nhận và gọi về quê sinh sống cùng. Nhưng bi kịch lại lặp lại khi chị bị mẹ chồng thâu tóm hết kinh tế, và cuối cùng hắt hủi chị, ngay cả người chồng cũng nghe theo mẹ quay lưng với chị.

Quá cay đắng với kiếp làm dâu tủi nhục trong một gia đình có mẹ chồng hà khắc chị gửi đơn xin li hôn nhưng không được. Chị đành một lần nữa ôm con ra đi trong nước mắt đắng cay, bỏ lại đó tất cả công sức mình đã vất vả gây dựng và người chồng tệ bạc đã quay lưng với chị.

Cùng cực nỗi đau

Vậy là lần thứ hai phải ôm con ra đi tủi nhục với hai bàn tay trắng, “lần đò thứ hai” coi như bị đắm với chị. Chị đã có thêm con với C, cả mấy mẹ con dắt díu nhau trở ra Hà Nội đi ở nhờ nhà chị gái. Và lần nữa bàn tay của chị lại bắt đầu từ con số không với gánh nặng hơn là nuôi mấy đứa con thơ cùng lúc.

Là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, thông minh nên chị đã tìm được con đường sinh sống cho mấy mẹ con là làm nghề kinh doanh rèm. Trong một lần vào Nam chơi chị đã học được nghề làm rèm, là một nghề mới mẻ chưa có ở Hà Nội những năm 1996, vậy nên chị đã mở một của hàng rèm ở ở phố Sơn Tây. Công việc kinh doanh của chị may mắn khá thuận lợi, phất lên như diều gặp gió, chị tiếp tục mở thêm một của hàng nữa ở đường Cầu Giấy để phát triển việc kinh doanh.

Nhờ kinh doanh tốt nên cuộc sống mấy mẹ con ổn định, sung túc. Đúng lúc đó thì người chồng thứ hai Nguyễn Văn C. tìm đến và đề nghị nối lại tình cảm với chị. Nhưng nghĩ lại khoảng thời gian chị sống như địa ngục ở nhà chồng, cộng với việc anh ta bội bạc quay lưng với chị một cách không thương tiếc nên chị từ chối lời đề nghị đó. Nhưng anh ta tiếp tục năn nỉ chị quay lại, ngày nào anh ra cũng xuất hiện ở cửa hàng của chị. Nhưng điều đó chẳng làm chị hồi tâm chuyển ý, anh ta bèn quay sang dùng biện pháp đe dọa là “nếu cô không về thì tôi sẽ tạt axit”.

{keywords}
Khuôn mặt chị Tiến khi bị tạt axit.

Nghĩ đó chỉ là câu uy hiếp chị phải quay về của người chồng tệ bạc nên chị chẳng để tâm, nào ngờ kẻ tồi tệ đó đã xuống tay làm thật với chị. Anh ta đã mua một can axit và thuê người để hành động. Vào buổi tối định mệnh ngày 28/9/1997, khi nửa đêm chị đang trở về nhà sau buổi làm việc mệt nhọc với các con thì có một thanh niên bất ngờ tạt axit vào khuôn mặt của chị rồi bỏ chạy. Lúc đó C. cũng có mặt và giả vờ kêu cứu, chị được đưa vào viện để cấp cứu. May mắn thoát chết nhưng can axit của người chồng độc ác đó đã làm khuôn mặt chị biến dạng hoàn toàn.

Như lời chị thì: “Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất của đời chị em ạ. Nhìn chị giống như quỷ hơn người khi mặt cháy hết, mất một bên tai. Đầu của chị dính vào vai không cử động được, may mà còn đôi mắt”. Sự đau đớn thể xác còn kéo dài mãi với chị, hơn 40 ca phẫu thuật khiến chị sống đi chết lại nhiều lần cuối cùng không chịu nổi đau đớn chị phải trốn viện về.

Lúc đó cuộc sống là địa ngục chông gai với Kim Tiến, chẳng ai dám gần chị với khuôn mặt biến dạng, con chị thậm chí khóc thét khi nhìn thấy mẹ. Chị nhiều lần tìm đến cái chết để không phải chịu nỗi đau khổ đó nhưng nhờ mọi người ngăn cản kịp thời. Nhiều lần chị ngất đi khi thấy mình trong gương nên người thân phải giấu cả gương đi. Và trừ lúc ngủ, còn lúc nào chị cũng phải mang khăn che mặt.

Nghị lực phi thường và tình người đáng quý

Nhưng rồi thời gian đã dần xóa vơi nỗi đau khổ của người phụ nữ bất hạnh, chị nhận thấy cuộc sống đâu phải là đã hết lý do để sống: “Chị đã nhận ra cuộc sống này còn tươi đẹp lắm, còn nhiều điều quý giá như con cái, tình thương của những người thân dành cho cho chị. Thế nên chị cần phải cố gắng để vượt qua xứng đáng với những tình thương đó”, lời chị Kim Tiến.

Tuy bị người chồng tệ bạc làm việc tán tận lương tâm với mình nhưng chị lại chẳng hận anh anh ta. Sự việc bại lộ, anh ta bị bắt và chịu mức án 15 năm tù, chị liền viết đơn xin giảm án cho anh. Thấy vậy nhiều người phản đối chị và còn nói chị bị điên vì “người ta đã không còn lương tâm thì cớ sao mình phải thương xót”, nhưng mặc kệ chị vẫn làm. Rồi chị vẫn thăm nom đều đặn bằng sự vị tha cao cả của người phụ nữ nhân hậu trong khoảng thời gian anh ta ở tù. Nhà chồng thấy vậy thì nói là bây giờ xấu xí nên muốn quay lại thì mới làm thế. Chị nghe thấy câu nói đó nên cũng không quay lại thăm nữa.

hình ảnh{keywords}
Chị Kim Tiến ngày hôm nay với con gái út của mình.

Chị quay lại làm việc như trước và may mắn với chị là đến năm 2003 có đoàn bác sĩ tạo hình người Mỹ sang Việt Nam mổ nhân đạo, chị đã tìm đến và được làm phẫu thuật ghép da mặt. Trải qua tổng cộng 47 cuộc phẫu thuật thì chị tự tin bỏ khăn che mặt ra, đó là một điều vui mừng vô cùng với chị.

Rồi hạnh phúc lứa đôi một lần nữa được nhen nhóm trong tâm hồn đầy vết thương của người phụ nữ bất hạnh này. Một thứ tình cảm thiêng liêng đã đến với chị - tình yêu của người bạn diễn cũ ở đoàn kịch cũ. Trong một lần họp mặt đoàn kịch Hải Dương cũ, một người bạn diễn đã thổ lộ tình yêu giấu kín từ lâu với chị. Và chị đã cập bến hạnh phúc với người chồng hiện tại trong sự mừng vui của người thân và bè bạn, anh chị có thêm một thiên thần nhỏ là bé Yến Nhi.

“Cuộc sống là điều quý giá nhất mà cha mẹ đã ban tặng cho chúng ta. Do vậy đừng bao giờ từ bỏ cuộc sống này, hãy đứng lên và cuộc đời luôn chào đón bạn, dù bạn là ai. Không có vấp ngã nào là không thể đứng lên, mà quan trọng là cần có nghị lực để mà đứng lên”. Đó là những lời chia sẻ tận đáy lòng đầy sâu sắc của người phụ nữ đã trải qua bao giông bão cuộc đời này.

{keywords}
Công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống lại yên bình từ chính nghị lực phi thường của chị.

(Thep Afamily.vn)