Khách hàng ghé thăm cửa hàng bán lẻ Huawei tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AP

Danh sách này có tên chính thức là Entity List, xác định các tổ chức, cá nhân được tin là có liên quan hay tham gia vào các hoạt động đi ngược với an ninh quốc gia hay lợi ích đối ngoại của Mỹ. Tổng cộng, có 143 cái tên đến từ Trung Quốc trong danh sách hạn chế thương mại dựa trên đánh giá tài liệu 281 trang của Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc vẫn “thua” Nga khi Nga có 317 tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách.

Tổ chức hay cá nhân trong Entity List phải xin giấy phép từ BIS trước khi xuất khẩu, tái xuất hay chuyển bất kỳ mặt hàng nào là đối tượng bị hạn chế thương mại, bao gồm phần mềm và các công nghệ khác từ doanh nghiệp Mỹ. Song, xin được giấy phép này là việc gần như bất khả thi.

Dù không quá nổi tiếng, phần lớn những cái tên đến từ Trung Quốc trong danh sách đen đều tham gia vào các lĩnh vực như điện tử, hàng không, bán dẫn, kỹ thuật, vật liệu dùng cho linh kiện công nghệ cao. Họ bao gồm Viện thiết bị kiểm soát tự động Bắc Kinh, Viện nghiên cứu công nghệ sản xuất vũ trụ Bắc Kinh, Viện máy móc năng lượng Bắc Kinh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí động lực Trung Quốc, Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc.

Một số nhà phân phối linh kiện công nghệ cao quan trọng cũng góp mặt. Đó là Tenco Technology, Avin Electronics Technology và Multi-Mart Electronics Technology.

Các cơ sở đào tạo lớn của Trung Quốc như Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh, Đại học Sun Yat-sen, Đại học Công nghệ quốc phòng quốc gia, Đại học Bách Khoa Tây Bắc, Đại học Tứ Xuyên, Đại học Công nghệ và khoa học điện tử.

Những công ty của Trung Quốc không chỉ đến từ các thành phố cấp một như Bắc Kinh, Thâm Quyến mà còn đặt tại các thành phố cấp dưới.

Theo Bloomberg, số lượng tổ chức, cá nhân Trung Quốc bị cấm vận có thể còn tăng khi Washington nhằm vào nhiều công ty công nghệ cao khác. Chính phủ Mỹ đang cân nhắc bổ sung các nhà cung cấp hệ thống theo dõi, giám sát như DAhua Technology, Hikvision Digital Technology, Megvii, Meiya Pico và iFlytek vào Entity List.

Chính sách của Mỹ còn áp dụng cho cả các công ty ngoài nước Mỹ, đồng nghĩa với các công ty sử dụng công nghệ Mỹ không được cung ứng cho công ty Trung Quốc. Năm 2018, Mỹ ban hành lệnh cấm với ZTE, đẩy ZTE đến bờ vực phá sản. Cuối cùng, đồng hương của Huawei phải trả 1,2 tỷ USD tiền phạt, thay đổi bộ máy giám đốc và chấp nhận để Mỹ giám sát.