- Không chạy trường, không chạy theo thành tích, con được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi anh khuyên con coi là một cuộc chơi, nếu có chút tự hào về con thì đó là vì tụi nó đã sống đúng lứa tuổi hơn là vì giải thưởng.
Những ngày cuối cùng niên học, câu chuyện "bệnh thành tích" lại một lần nữa phủ sóng dư luận. Những cụm từ "xuất sắc, giỏi, xuất chúng", "thủ khoa, đứng nhất, đầu bảng"... không biết có bao nhiêu hàm lượng thực chất, nhưng đã làm không ít phụ huynh tủi thân, khóc, cười, hí hửng. Rất nhiều trang cá nhân liên tục cập nhật hình ảnh con em chụp hình trên bục cao, bảng điểm chót vót, những lời phê có cánh... đi kèm với những comment chúc tụng không kém phần sáo rỗng ở dưới.
Nếu ngồi liệt kê bất cập của ngành giáo dục thì nói hoài không hết, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể ghi đầy cả trang giấy A4. Người có tiền tìm cách "chạy trốn" bằng cách cho con em học trường quốc tế hoặc lo cho suất đi du học nước ngoài ngay lúc còn nhỏ...
Tôi quen thân người bạn có gia đình định cư ở một nước phát triển nhưng không chịu ở yên mà lủ khủ về nước vì "không muốn các con mất gốc, hơn nữa để tụi nhỏ cảm nhận được một phần quá khứ cực khổ hồi nhỏ ở quê của cha nó"...
Hồi mới về cho con học cấp I trường quốc tế có tiếng, không hài lòng với hội chứng "sợ học sinh" của giáo viên ở đấy (giáo viên không dám làm phạt học sinh vì sợ cha mẹ phản ánh lên sẽ bị cấp trên rầy), anh chuyển con ra học trường công lập.
Hết cấp I con anh được phân vào một trường cấp II đúng tuyến, nhưng "gần nhà mà xa ngõ". Anh nghĩ đến một trường cấp II ở quận khác, trái tuyến nhưng gần nhà.
Nghe ngóng tình hình thì được biết trái tuyến vào trường này phải chạy suất một số tiền khá lớn, có người khuyên "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" rồi nói để giới thiệu người lo cho từ A tới Z... Nhưng suy nghĩ chạy tiền để được vào học đã bị anh loại "ngay từ vòng giữ xe". Tự hai bố con chuẩn bị một bộ hồ sơ tươm tất trong đó ghi rõ điểm mạnh điểm yếu của học sinh... Đem nộp nhưng cũng chuẩn bị tâm thế bị "out"!
Ngày công bố danh sách học sinh trúng xét tuyển dán ở cổng trường con anh không có tên, nhưng qua hôm sau anh nhận được cuộc gọi của trường thông báo đồng ý nhận học sinh vào học lớp chuyên ngoại ngữ, môn thế mạnh của cháu. Hai năm sau với cách làm tương tự, nhưng hồ sơ đứa em có chút trội hơn về điểm thi và năng khiếu thể thao... đứa em trúng xét tuyển ngay từ đầu.
Có người khuyên, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Ảnh minh họa |
Có hôm rảnh đi đón con, ngoài cổng trường nghe bàn tán nhiều điều trong đó có chuyện giá chạy vào trường này lên tới hàng chục triệu đồng... Có phụ huynh hỏi nhà anh trái tuyến xin vào đây tốn hết bao nhiêu, anh nói chỉ nộp hồ sơ rồi được nhận vào chứ không chạy. Có người hỏi lại, chắc nhà anh có "gốc" bự, anh nói đùa: gốc cây thì có!
Thấm thoắt 3 năm trôi qua, khi đứa đầu lên lớp 9 thì được chọn vô đội tuyển học sinh giỏi của trường đi thi môn ngoại ngữ cấp quận rồi cấp thành phố. Anh nửa đùa nửa thật: "hồi lớp 6 hồ sơ của con trái tuyến mà trường cũng nhận, bố con mình mang ơn trường đó, thi học sinh giỏi có giải mang về là cách thiết thực trả ơn"! Năm đó con anh đã đạt giải nhất quận và giải nhì thành phố.
Năm nay đứa em cũng được trường chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp quận và cấp thành phố môn ngoại ngữ. "Bổn cũ soạn lại" anh mang ra áp dụng. Kết quả nó đạt giải nhất quận cách nay vài tháng. Mới đây, nó đạt giải thủ khoa thành phố.
Khách quan mà nói trong suốt những năm học trường này hai đứa có gặp vài trục trặc, ví dụ như đứa đầu bị 1,8 điểm môn Sử thi học kỳ II năm lớp 6 mất danh hiệu học sinh giỏi. Theo cô chủ nhiệm chỉ cần môn Sử thi được 2/10 điểm thì điểm trung bình môn Sử cả năm được 6,5 và điểm trung bình chung đều thỏa tiêu chí thì con anh đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Thương trò, cô chủ nhiệm xin giáo viên bộ môn nâng điểm thi từ 1,8 lên thành 2 điểm nhưng không được. Anh nói với con: "kinh nghiệm nhiều khi quan trọng hơn thành tích, một ngày ở trường con vui chơi thoải mái hòa đồng với bạn bè mới là điều chính yếu của tuổi học trò"...
Lên cấp III, đứa chị đang học lớp chuyên ngoại ngữ ở một trường chuyên, một hôm báo với anh được 9 điểm văn, cao nhất lớp. Ngạc nhiên vì biết con mình vốn không giỏi văn, anh lấy bài xem thì thêm một ngạc nhiên nữa về suy nghĩ của con. Đề bài luận văn viết về tình bạn, câu mở bài con gái viết: "Nếu được lựa chọn giữa thành tích học tập và tình bạn thì em không ngần ngại chọn tình bạn"... Về học lực trong lớp con anh chỉ xếp khoảng “lưng chừng”, nhưng đọc bài luận anh nghĩ: giữa muôn trùng áp lực bất cập của môi trường học tập... con đã biết chọn cho tâm hồn mình những món ăn thích hợp.
Không chạy trường, không chạy theo thành tích, không tất bật đưa đón con đi học thêm, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi anh khuyên con coi là một cuộc chơi, nếu có chút tự hào về con thì đó là vì tụi nó là những đứa trẻ đúng với lứa tuổi của nó hơn là giải thưởng.
Ngồi nhấm nhi ly cà phê một mình anh bâng quơ, nếu trước đây xuống tiền mua suất học, giờ sao nhỉ? Hai đứa có thể đạt giải hoặc không nhưng quan điểm giáo dục con của anh đã khác, biết đâu là bắt đầu một xâu chuỗi những suy nghĩ sai. Còn khi về nhà dạy về lòng trung thực... không thể che giấu sự sượng sùng trước mặt con trẻ. Nhớ lại đứa đầu lúc đạt giải chỉ nhận được lời chúc mừng suông từ bố, anh tự nhủ: "hai đứa bây sẽ có quà", anh bước ra khỏi quán, hòa vào dòng người xe tất bật!
Trúc Nguyễn
Con anh chị ‘ngoan xuất sắc’, giỏi… xuất thần
Xem ra tình trạng “khen đại trà, thưởng tràn lan, mưa danh hiệu” cho học sinh cuối năm học ở nhiều nơi vẫn như một “con ngựa bất kham”.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký nói về khai giảng và bệnh thành tích
“Thời đại hiện nay không thể duy trì ý nghĩa thiêng liêng như xưa, nhưng chúng ta vẫn cần tiến hành lễ khai giảng thiết thực, khoa học hơn”
Trẻ con không có quyền điểm thấp?
Bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Song, họ dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc của bản thân hơn là hạnh phúc của con trẻ.
Tại sao trẻ em loay hoay khi đến hè?
Nhìn ở góc độ xã hội, trẻ em hiện tại loay hoay mỗi khi hè đến là do cấu trúc xã hội truyền thống đang thay đổi quá nhanh, trong khi cấu trúc mới chưa kịp hoàn thiện.
Khi phụ huynh òa khóc: Con tôi không thể lỡ kỳ thi… thử này
Tạo áp lực cho con không xấu, nhưng cái khó là phụ huynh phải làm sao cân đối cho vừa sức con, đồng thời tôn trọng ý kiến cá nhân các con một cách hợp lý.
Nhồi nhét khiến con cái trở thành nạn nhân của chính chúng ta
Đổ tội cho ngành sư phạm là một sự thất bại! Nhồi nhét và chạy đua thành tích đã khiến con cái trở thành nạn nhân của chính phụ huynh chúng ta.
Thăm bảo tàng Anh, nghĩ về sự kỳ lạ của phụ huynh Việt
Nhiều bậc phụ huynh Việt có thể không đồng ý cho con đi bảo tàng xem xác ướp vì lo sợ về mặt tâm linh, nhưng lại rất tùy tiện “thả” cho con theo dõi những chương trình hoặc gameshow giải trí của người lớn.