Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông ngày 11/11, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng tốc độ giảm nghèo của tỉnh thời gian qua đạt nhanh nhất khu vực Tây Nguyên. 

Các chương trình, dự án, chính sách về đào tạo nghề; giảm nghèo đa chiều, bền vững; an sinh xã hội được địa phương này thực hiện đồng bộ, hiệu quả… Năm 2024, tỉnh ước đạt giảm từ 2% trở lên tỷ lệ hộ nghèo. Một trong những hoạt động sôi nổi được tỉnh triển khai là đa dạng hoá sinh kế cho người dân nghèo, từ nguồn hỗ trợ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Huyện biên giới Tuy Đức có hơn 17.000 hộ dân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44%. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hơn 85% số hộ dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đầu năm 2024 còn 18,78%. 

Tổng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện Tuy Đức được giao giai đoạn 2022-2024 là hơn 254 tỷ đồng. Đến tháng 11/2024, địa phương giải ngân hơn 176 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch. 

W-Giam ngheo 1 (1).jpg
Để phát huy cao nhất mọi nguồn lực hỗ trợ người dân nghèo, huyện Tuy Đức đã nghiên cứu điều kiện của từng hộ dân, từng bon, từng xã.

Phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình để giúp bà con thoát nghèo

Để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thiết thực, hiệu quả, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, huyện Tuy Đức đã nghiên cứu điều kiện của từng hộ dân, từng bon, từng xã.

Năm 2024, toàn bon Bu N'Đơr B, xã Quảng Tâm, còn 69 hộ nghèo, trong đó có 38 hộ dân tộc thiểu số. Gia đình chị Thị Uyên là một trong số đó. Qua rà soát, nguyên nhân nghèo nhiều năm qua của gia đình chủ yếu do thiếu đất sản xuất, chị phải đi làm thuê nhưng thu nhập không đáng kể, lại bấp bênh.

Năm nay, gia đình chị được hỗ trợ 1 con bò để tạo sinh kế chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, bò đã đẻ được một bê con. Được hỗ trợ bò - một tài sản lớn, gia đình chị Uyên càng có thêm động lực để vươn lên.

Tại xã Quảng Tâm, giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trên cơ sở kế hoạch của Đảng uỷ xã, các chi bộ tại các bon xây dựng phương án phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình để giúp bà con thoát nghèo. Mỗi nhóm trung bình có 12 hộ, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các đảng viên có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người dân phát huy hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án về phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở...

Năm 2024, gia đình bà Thị Hớch được sống trong căn nhà mới gần 50m2 kiên cố, khang trang. Đây là tài sản lớn với gia đình bà, có được nhờ nguồn vốn 44 triệu đồng hỗ trợ từ Chương trình MQTG giảm nghèo bền vững và nguồn tiết kiệm của gia đình. Nhiều năm sống trong căn nhà xuống cấp, không an toàn, nay được ở trong căn nhà mới, gia đình bà Hớch yên tâm để lao động sản xuất, không lo mưa gió.

Điều quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững tại các bon trong xã Quảng Tâm là không chạy theo thành tích mà chủ yếu để đồng bào tự giác, chăm chỉ lo làm ăn, thoát nghèo.

Ngày 13/11, Đoàn công tác Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đắk Nông kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Quảng Tâm cho thấy toàn xã hiện có 88 hộ nghèo, chiếm 4,71%, giảm 123 hộ so với năm 2023 (tương đương 6,99%). Tổng số hộ cận nghèo là 215 hộ, chiếm 11,5%. Đáng chú ý, trong đợt rà soát, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo vừa qua, xã Quảng Tâm có 15 hộ nghèo và 76 hộ cận nghèo xin thoát nghèo.  

Chỉ khi đời sống người nghèo được nâng cao, công tác giảm nghèo mới đạt thực chất

Tại xã Quảng Trực, hơn 125 hộ nghèo và cận nghèo đã được nhận bò giống để phát triển chăn nuôi từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.  

Anh Nguyễn Minh Nhường, ở bon Đắk Huýt, thuộc diện hộ nghèo vài năm trước, anh phải làm thuê đủ mọi việc để trang trải cuộc sống. Sau thời gian tích góp được ít vốn, cộng thêm khoản vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, anh mua ít đất sản xuất, trồng cà phê và nhận thêm đất hợp đồng của nông trường để canh tác nông nghiệp.

Mới đây, anh được chính quyền hỗ trợ bò giống sinh sản làm sinh kế phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế. Có được tài sản quý, gia đình ký cam kết không giết thịt bò mà nuôi lâu dài, gây đàn.

Nhận bò giống, anh Nhường vừa vui vừa lo vì chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Nhưng được cán bộ có chuyên môn hướng dẫn cách làm chuồng trại, phối trộn thức ăn và chăm sóc bò, phòng dịch bệnh, anh thêm tự tin chăm sóc vật nuôi, hi vọng một ngày không xa sẽ thoát nghèo.

Lãnh đạo UBND xã Quảng Trực đánh giá chương trình tặng bò giống không chỉ giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Bởi chỉ khi mỗi hộ dân phát triển chăn nuôi tốt, đời sống được nâng cao, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được đảm bảo thì mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm mới thực sự đạt được hiệu quả thực chất.