- Năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục khuyến khích các trường tiểu học không chấm điểm cho học sinh lớp 1. Thử nghiệm này đang có những đón nhận khác nhau. Một số địa phương đã hướng dẫn những cách thức khen, động viên và góp ý kết quả cho học sinh. Tuy nhiên, ở không ít nơi, giáo viên vẫn còn rối vì không có hướng dẫn cụ thể. Phụ huynh đón nhận sự thay đổi này như thế nào? VietNamNet giới thiệu ý kiến của của phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Hà Nội.
Đứa cháu tôi năm trước vào lớp 1. Bố mẹ không muốn con chỉ được điểm 7, điểm 8 nên dù cháu đã học bán trú cả ngày ở trường, nhưng tối nào cũng bị ép học thêm 2 tiếng để rèn chữ và học đọc, học làm toán. Tối đi ngủ muộn nên sáng sáng gọi được cháu dậy để đi học là một “cực hình” với cả nhà. Không những thế, ngày thứ 7, chủ nhật dù nắng hay mưa, cháu vẫn phải dậy sớm đi học thêm ở nhà cô giáo để… bổ sung kiến thức, rèn luyện thêm kỹ năng.
Thay vì cho điểm số 8, 9, 10, các cô giáo có thể đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 1 bằng lời khen |
Kết quả là cuối năm cháu cũng mang về tấm giấy khen học sinh giỏi làm “mát mặt” người lớn. Nhưng có ở gần mới biết, cháu học đến đâu quên đến đấy, nghỉ hè vài tuần bố mẹ lại hốt hoảng cho đi học thêm để ôn luyện lại kiến thức lớp 1 trước khi bước vào năm học mới. Ấy là chưa nói đến việc nhiều phụ huynh mang điểm số của con ra để khoe.
Thế nên phải nói thật rằng tôi vui vì năm học này con tôi không được chấm điểm nữa. Nếu có ai hỏi hôm nay con chị được mấy điểm, học hành thế nào cũng dễ trả lời bởi cô giáo đã ghi nhận xét, đánh giá trong vở rồi.
Một tháng đi học, có hôm cháu được cô khen, có hôm thì không được khen nhưng hôm nào về nhà cũng thấy cháu vui vẻ mang sách vở ra khoe.
Không có cảm giác con dốt
Nhiều phụ huynh cho rằng những nhận xét của giáo viên khiến họ lúng túng không biết con trẻ học hành như thế nào.
Cá nhân tôi cho rằng những vị phụ huynh ấy có lẽ chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con bởi chỉ cần mở vở của các con ra, nếu cô ghi “Cô khen con” thì thấy rằng bài tập viết của con hôm đó sạch sẽ, không tẩy xóa, nét viết rõ ràng, đúng mẫu; còn hôm nào con viết ẩu, tẩy xóa nhiều, viết không thẳng hàng cô cũng nhận xét rõ: “Con viết chưa cẩn thận” hay “Con tẩy xóa nhiều”, “Con cần cố gắng hơn”; với bài tập môn Toán thì chỉ cần ghi “Con hoàn thành bài” là có thể yên tâm rồi…
Qua những nhận xét như vậy tôi biết được con mình đang yếu ở khâu nào và sắp xếp thời gian vào buổi tối để giúp con rèn luyện, chỉnh sửa những lỗi đó.
Điều tôi muốn nói ở đây là nhìn vào những dòng nhận xét đó tôi không có cảm giác con mình “dốt”, thua kém so với những bạn khác như khi so sánh điểm 6, 7 với điểm 9, 10. Tâm lý thoải mái hơn nên tôi cũng không gây áp lực, buộc cháu phải ngồi riết vào bàn mà luyện chữ.
Điểm tích cực dễ nhận thấy từ việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1 là đã ngăn chặn được nạn học thêm, dạy thêm tràn lan của những năm học trước để có được những điểm 9, điểm 10 hay để “được lòng” cô giáo chủ nhiệm.
Tôi không còn phải nơm nớp lo lắng rằng không cho con đi học thêm thì cô sẽ không quan tâm, con sẽ không được điểm cao. Mỗi buổi tối, con tôi được đi ngủ sớm để sáng hôm sau cháu có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất phục vụ cho một ngày dài học tập ở trường. Tôi cũng không phải tủi thân khi con cúi mặt, không dám trả lời câu hỏi của người lớn “Hôm nay cháu được mấy điểm?” vì sợ bị chê là học kém.
Đến cơ quan, trong những câu chuyện tám, tôi cũng không phải xấu hổ, ngượng mặt vì con mình luôn thua điểm số con các đồng nghiệp khác…
Cần thống nhất việc đánh giá
Như nhiều phụ huynh đã có ý kiến, việc nhận xét của giáo viên phải phản ánh được tình hình học tập của học sinh, để phụ huynh nhìn vào đó là nhận định được lực học của con. Tôi cũng mong các cô giáo nhận xét cụ thể hơn những hạn chế của con trẻ để giúp phụ huynh đỡ lúng túng.
Cùng với việc nhận xét riêng trong vở của từng học sinh thì giáo viên nên nhận xét chung trước toàn lớp, tuyên dương những bạn có thành tích tốt bằng những tràng vỗ tay của cả lớp...
Học sinh lớp 1 phần lớn chưa đọc thông viết thạo, không đọc được những lời nhận xét của cô giáo nhưng nếu được cô nêu tên, khen ngợi trước lớp thì các con vẫn cảm nhận được niềm vinh dự ấy chẳng khác gì nhìn thấy điểm 10 trong vở.
Cùng chung suy nghĩ với một số phụ huynh, mặc dù ủng hộ việc nhận xét thay cho chấm điểm nhưng tôi vẫn băn khoăn về chủ trương lấy điểm thi HK2 để đánh giá kết quả cả năm học của con.
Bởi kết quả đó sẽ không chính xác, không phản ánh đúng được thực chất việc học của các con. Nếu cả năm con học tốt, đi thi chẳng may con làm bài có sơ sẩy thế là kết quả cả năm phấn đấu bằng 0.
Nên chăng Bộ GD-ĐT thay đổi cách đánh giá kết quả năm học như hiện nay để kết quả đúng là quá trình học tập cả năm của các con chứ không chỉ là bài thi cuối năm.
Với học sinh lớp 1, nếu không đặt nặng vấn đề thành tích thì chỉ cần ghi vào sổ học bạ một nhận xét như: Học sinh hoàn thành (hoàn thành tốt) chương trình lớp 1, đủ điều kiện lên lớp 2?
• Đỗ Quyên