Chọn hướng phát triển tận dụng được thế mạnh của doanh nghiệp Việt

Trong những ngày đầu tháng 6, nền tảng họp trực tuyến netMeeting của Công ty cổ phần NetNam đã được Bộ TT&TT chọn sử dụng để thực hiện 2 cuộc họp với quy mô trên 50 điểm cầu và hơn 100 điểm cầu.

Cùng với một số nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới khác đã được các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển như Zavi của Zalo, eMeeting của AIC và Bkav, netMeeting của NetNam cũng được đánh giá cao ở tính linh hoạt, cơ động và chi phí phù hợp, cho phép người họp tham gia mọi lúc, mọi nơi bằng thiết bị cá nhân như laptop, điện thoại trong khi vẫn đảm bảo an toàn, riêng tư.

Ra mắt từ tháng 4/2020 cùng với sự ra đời của Liên minh CoMeet, netMeeting định vị bước đầu là giải pháp liên quan đến tư vấn, triển khai, tích hợp, hỗ trợ và bảo trì hệ thống họp trực tuyến trên hạ tầng của khách hàng. Giải pháp hướng tới giải quyết bài toán chuyên biệt của tổ chức, doanh nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo những tính năng cơ bản có chất lượng ổn định. netMeeting được thiết kế chuyên biệt dành riêng cho cho khối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn và vừa tại Việt Nam.

{keywords}
Hai lần được tham gia để tổ chức họp giao ban trực tuyến tại Bộ TT&TT trong tháng 6 đã giúp đội ngũ phát triển nền tảng netMeeting có thêm nhiều bài học.

Trong hơn 1 năm qua, NetNam đã triển khai cho các cơ quan, tổ chức như VinaREN, một số Bộ, UBND một số tỉnh, thành phố… dùng thử miễn phí netMeeting. Theo chia sẻ của đơn vị phát triển, đây cũng là khoảng thời gian netMeeting từng bước được hoàn thiện để đến nay hệ thống tiệm cận các sản phẩm thương mại đang có trên thị trường về chất lượng, công nghệ.

“Qua những lần triển khai cho các cơ quan, tổ chức sử dụng, đặc biệt là 2 lần tổ chức để Bộ TT&TT họp trực tuyến mới đây, chúng tôi đã có thêm nhiều bài học. Từ thực tiễn nhu cầu các đơn vị, một số nghiệp vụ liên quan tới tổ chức họp trực tuyến của netMeeting cần phát triển thêm nhằm đáp ứng tốt hơn các kịch bản thực tế”, đại diện NetNam cho hay.

Trao đổi với ICTnews, đại diện NetNam nhận định, các doanh nghiệp công nghệ Việt đi sau, sẽ rất khó để cạnh tranh với các nền tảng nước họp trực tuyến từ nước ngoài, đặc biệt là ở phân khúc người dùng cá nhân với nhu cầu căn bản.

Vì thế, các doanh nghiệp công nghệ Việt cần tận dụng tốt sự hiểu biết và dựa trên nền tảng công nghệ mở của thế giới để phát triển các giải pháp giải quyết bài toán chuyên biệt của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước; từ đó tạo đà vươn ra thị trường nước ngoài.

Từ nhận thức đó, netMeeting được phát triển với hình dung giải quyết các bài toán của tổ chức, doanh nghiệp mà các nền tảng ngoại không phục vụ hoặc quá nhỏ với họ. netMeeting mới đây đã được dùng cho một bài toán ít nhiều có tính chuyên biệt ở các tổ chức, cơ quan Việt Nam, đó là họp giao ban với hơn 100 điểm cầu và có một số yêu cầu đặc thù.

Nhấn mạnh quan điểm tập trung vào nhu cầu của khách hàng và tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu đó một cách mềm dẻo, ông Nguyễn Minh Đức, phụ trách dịch vụ netMeeting cho biết: “Khi phục vụ khách hàng, chúng tôi tư duy netMeeting chỉ là một công cụ hỗ trợ. Do đó, việc kết hợp yếu tố con người, quy trình và văn hóa dịch vụ của NetNam trong bài toán tổng thể cung cấp giải pháp, dịch vụ họp trực tuyến là yếu tố quan trọng để người dùng thực sự hài lòng”.

Hướng tới giải những bài toán thách thức hơn

Hiện tại, đội ngũ phát triển netMeeting tự tin rằng nền tảng đã cơ bản đáp ứng tốt được những bài toán chuyên biệt của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước như: các nhu cầu cần giải pháp riêng tư, linh hoạt, bảo mật hoặc những phiên họp cần số điểm cầu lớn...

Chia sẻ thêm về định hướng thương mại hóa netMeeting, ông Nguyễn Minh Đức một lần nữa khẳng định, đơn vị phát triển nền tảng “Make in Vietnam” này không có ý định cạnh tranh với các nền tảng họp/hội nghị trực tuyến thông dụng.

netMeeting nhắm vào giải quyết các bài toán đặc thù của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là kết hợp công cụ công nghệ với văn hoá và quy trình dịch vụ của NetNam để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt cho việc tổ chức họp/hội nghị trực tuyến.

{keywords}
Sau 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm, hiện nền tảng họp trực tuyến “Make in Viet Nam” netMeeting đã bắt đầu bước vào giai đoạn thương mại hóa.

Thực tế, NetNam đã bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách hàng bằng nền tảng netMeeting, trước tiên là phục vụ các khách hàng họp/hội nghị có tính chất sự kiện, trong dịch vụ trọn gói “Event Tech Rental” của NetNam đã làm nhiều năm nay.

Trong nửa cuối năm 2021, netMeeting sẽ tiếp tục giải quyết bài toán họp/hội nghị với số lượng lớn điểm cầu và đảm bảo chất lượng âm thanh hình ảnh, đồng thời bổ sung các tuỳ biến giao diện để thân thiện hơn với người dùng. NetNam cũng đặt kế hoạch triển khai giải pháp họp/hội nghị trực tuyến có tính riêng tư, tích hợp với các hệ thống sẵn có cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.

Hướng tới giải bài toán thách thức hơn như: đáp ứng 300 - 500 điểm cầu/phòng họp đồng thời, có thể triển khai diện rộng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cỡ lớn và vừa cũng nằm trong kế hoạch phát triển netMeeting của doanh nghiệp dịch vụ công nghệ này.

Bước sang năm 2022, tùy thuộc phản hồi từ thị trường, NetNam sẽ quyết định việc có đầu tư mở rộng giải quyết các bài toán chuyên biệt, bài toán liên ngành nào khác hay không.

“Mặc dù trên thị trường đã có sẵn nhiều dịch vụ, nền tảng họp trực tuyến, chúng tôi tin rằng, bằng cách tiếp cận thực tiễn, giải quyết vấn đề chuyên biệt của khách hàng, cùng sự ủng hộ chủ trương “Make in Vietnam”, netMeeting sẽ được dùng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian tới”, đại diện NetNam tin tưởng. 

Một ưu điểm nổi trội của netMeeting là được phát triển dựa trên công nghệ và phần mềm nguồn mở, giải pháp dễ dàng tích hợp với các hệ thống thương mại, dịch vụ mà các cơ quan, tổ chức sẵn có. Từ đó, giúp tối ưu chi phí cho doanh nghiệp, tổ chức mà vẫn linh hoạt đáp ứng được nhiều điểm cầu tham gia.

Vân Anh

Phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số

Phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số

Nhấn mạnh Chương trình Chuyển đối số quốc gia được phê duyệt là dấu mốc quan trọng, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, Chương trình đã xác định việc phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh chuyển đổi số.