Đeo dây an toàn khi lái xe hoặc khi ngồi trong xe ô tô có thể cứu tính mạng của bạn. Tuy nhiên, chỉ có 20% người Việt có thói quen này mỗi khi ngồi sau vô lăng.
Túi khí là một trong những thiết bị an toàn nhằm nâng cao hiệu quả của dây đai an toàn. Tuy nhiên, túi khí chỉ thật sự phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ người ngồi khi cài dây an toàn. Nếu không, túi khí có thể gây chấn thương nặng hơn hoặc tử vong.
Nguyên tắc chung là túi khí sẽ bung ra khi va chạm xảy ra ở mức cần thiết và đúng hướng, bất luận hành khách có thắt dây an toàn hay không.
Túi khí đóng vai trò hệ thống an toàn thụ động thứ cấp. Số 1 là dây an toàn. Lấy trường hợp xe chạy 48km/h và đâm thẳng vào tường, dây an toàn sẽ giữ tài xế dính vào ghế thay vì bay với tốc độ 48km/h vào kính chắn gió, mặt đập vào kính chắn gió, lồng ngực đập vào tay lái dẫn đến tử vong.
Túi khí ở thời điểm này sẽ phồng lên để đón phần cơ thể va chạm, ngăn ngừa người bay lên kính chắn gió.
Túi khí khi kết hợp với dây an toàn tạo nên khả năng bảo vệ tốt nhất. Chính vì vậy nhiều loại xe ngày nay luôn réo cảnh báo nếu bạn không thắt dây an toàn.
Tổ chức đánh giá các tiêu chuẩn an toàn của xe Euro Ncap ở châu Âu cho biết họ đã thống kê, thử nghiệm rất kỹ về sự an toàn và công nghệ của từng xe của mỗi hãng ô tô trong nhiều năm. Đặc biệt là hệ thống túi khí và dây đai.
Dây an toàn hoạt động bằng cách cố định người ngồi vào ghế của họ để không văng ra khỏi xe. Túi khí có tác dụng như một tấm đệm chủ yếu bảo vệ vùng đầu và ngực của cơ thể.
Trên một số dòng xe, dây an toàn và túi khí được liên kết với nhau bởi một cảm biến trong xe thông qua mô-đun túi khí SRS. Một số nhà sản xuất ô tô lập trình ECU của xe để đưa ra quyết định trong tích tắc có triển khai các túi khí để ngăn ngừa chấn thương cho đầu của người ngồi trên xe hay không.
Do đó, đối với một số mẫu xe trước đây và nhà sản xuất ô tô, chắc chắn phải thắt dây an toàn để túi khí hoạt động chính xác. Tuy nhiên ở hầu hết các mẫu xe hiện nay, túi khí vẫn sẽ hoạt động cho dù người ngồi trên xe có thắt dây an toàn hay không. Chúng hoạt động độc lập với hệ thống dây an toàn.
Tuy nhiên, việc không thắt dây an toàn cho dù túi khí có nổ đi chăng nữa vẫn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng hơn nhiều so với việc thắt dây an toàn.
Những sai lầm khiến túi khí phản tác dụng
Thói quen để trẻ em ngồi ở ghế trước
Thực tế cho thấy, nhiều gia đình thường để trẻ em ngồi ở hàng ghế trước hoặc đứng ở vị trí ghế phụ. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí phía trước sẽ được kích hoạt và bung ra nhanh chóng với tốc độ tương đương khoảng 200 km/h.
Như vậy, nếu trẻ đứng sát vị trí đặt túi khí thì sẽ bị tác động mạnh, đẩy về sau và gây chấn thương nặng khi xảy ra va chạm giao thông.
Thay đổi một số bộ phận trên xe
Điều này có thể khiến hoạt động của túi khí không hiệu quả. Chẳng hạn, khi bạn lắp thêm cản bên ngoài bộ cản trước ô tô nguyên bản, thông tin được truyền tới bộ cảm biến lắp ở cản trước để đo lực tác dụng không đủ, có thể khiến túi khí không bung hoặc có bung nhưng chậm hơn, không đảm bảo được an toàn cho người dùng.
Hoặc nhiều chủ xe muốn lắp bọc ghế mới cho xe của mình nhưng việc lắp bọc ghế có thể khiến túi khí bên được trang bị trên xe bị cản trở dẫn đến không bung hoặc khó bung khi có va chạm.
Sử dụng nhiều vật trang trí trên bảng táp lô
Các tài xế có thói quen đặt đồ vật trang trí trên bảng táp lô trong khoang cabin. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương cao khi xảy ra va chạm. Bởi khi có va chạm, mọi đồ vật trong xe, đặc biệt là đồ vật cứng đều có thể gây nguy hiểm.
Khi túi khí bung ra với tốc độ nhanh, lực rất mạnh có thể khiến những đồ trang trí này văng trúng tài xế và hành khách trong xe, gây nên chấn thương không đáng có.
Theo VTC
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!