Sáng 11/3, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 2.529 trường hợp, trong đó có 1.588 ca lây nhiễm trong nước. Riêng từ ngày 27/1 đến nay, 13 tỉnh thành ghi nhận 895 ca lây nhiễm cộng đồng.
Đến nay, các cơ sở y tế đã điều trị khỏi 2.004 bệnh nhân, số tử vong vẫn là 35 bệnh nhân.
Các địa phương đang còn cách ly, theo dõi sức khoẻ hơn 44.000 người, trong đó cách ly tại bệnh viện 497 người, cách ly tập trung hơn 15.000 người, gần 29.000 đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong ngày 10/3, Việt Nam thực hiện tiêm phòng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho 433 người.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM được tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng
Như vậy sau 3 ngày tiêm chủng, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 955 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng. Cụ thể:
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh): 127 người;
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM: 474 người;
2 điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP. Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành: 218 người.
Bệnh viện Thanh Nhàn, TP. Hà Nội: 36 người.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai: 100 người.
Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, 433 người được tiêm trong ngày 10/3 chưa có trường hợp nào được báo cáo có phản ứng sau tiêm.
2 ngày trước đó có một số trường hợp có phản ứng sau tiêm nhưng đều là các phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy…
Trong 3 ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Thúy Hạnh
Tỉ lệ phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19 khá cao nhưng đều nhẹ
Tỉ lệ nhân viên y tế gặp phản ứng phụ sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19 khá cao, song hầu hết đều nhẹ.