Chiều nay (10/11), Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn, sau khi phiên chất vấn với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long kết thúc.
Xem video phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH chiều 10/11 (phần 1):
Xem video phiên trả lời chất vấn chiều 10/11 (phần 2):
Xem trả lời chất vấn của Bộ trưởng LĐTB&XH sáng 11/11 (phần cuối):
Nhóm vấn đề chất vấn với Bộ trưởng LĐTB&XH về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung |
Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch. Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc. Việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Tham gia trả lời các nội dung trên có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bộ trưởng LĐTB&XH và các thành viên Chính phủ liên quan cũng có thêm gần 1 tiếng đồng hồ sáng 11/11 để tiếp tục trả lời chất vấn.
Xem phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long TẠI ĐÂY.
8h52
Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời thỏa đáng
Chủ tịch QH kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH. Từ chiều qua tới nay, đã có 32 đại biểu chất vấn, một ĐB tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, có trọng tâm, trọng điểm, ĐB đặt câu hỏi đúng và trúng đi thẳng vào vấn đề người dân, người lao động quan tâm. Bộ trưởng nắm chắc, trả lời đầy đủ, thẳng thắn thỏa đáng, thể hiện trách nhiệm cao với người dân, cử tri cả nước.
Toàn cảnh hội trường. Ảnh: VGP |
Chủ tịch QH kết luận về vấn đề chính sách hỗ trợ với người lao động rời thành phố về quê; các gói chính sách khắc phục hậu quả đại dịch; kiểm soát hoạt động huy động từ thiện, ngăn chặn trục lợi chính sách; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước với công tác thiện nguyện, làm rõ những vụ việc có dư luận; tăng cường bảo trợ trẻ em, nhất là trẻ em bị mồ côi trong đại dịch; chính sách tiền lương với những đối tượng hưởng lương thấp…
Chủ tịch QH cũng chốt lại việc tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong đại dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam theo hình thức trực tuyến. Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐTB&XH phối hợp với các địa phương tổ chức buổi lễ này một cách ý nghĩa, an toàn.
8h48
Sẽ có công điện của Thủ tướng về 3 tại chỗ
ĐB Phạm Văn Hòa tranh luận lại về mô hình 3 tại chỗ nhiều DN phàn nàn rất tốn kém, có khi chiếm 1/3 chi phí sản xuất, trong khi phải hoạt động cầm chừng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã xin ý kiến Thủ tướng đồng ý sau phiên họp Chính phủ sẽ có công điện nêu rõ về vấn đề này.
8h37
Trả lời câu hỏi ĐB Trần Thị Thu Hằng về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, chính sách quan trọng nhất của Quỹ là "bà đỡ" cho thị trường lao động, Quỹ có kết dư lớn và tính án toàn được đảm bảo.
Trong bối cảnh người lao động bị ảnh hưởng nặng nề thì việc dùng một phần Quỹ để hỗ trợ người đóng bảo hiểm là hoàn toàn xác đáng. Bộ trưởng cũng khẳng định việc này đúng luật vì quy định là việc quyết định chính sách là thuộc Quốc hội, nhưng trong thời điểm Quốc hội không họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội được giao quyền quyết định.
Về việc vội hay không, theo Bộ trưởng, trong trường hợp, bối cảnh cấp bách, việc quyết định như vậy là kịp thời, hiệu quả vì biện pháp đưa ra cũng có tính chất tình thế để hỗ trợ được người lao động.
“Chúng ta không vội vàng và cũng đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng và cùng chia sẻ”, Bộ trưởng Dung khẳng định.
Về đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động với việc miễn đóng bảo hiểm, ông Dung chia sẻ đã bàn với Chủ tịch Tổng Liên đoàn nhiều lần, nguyên tắc được thống nhất là các chính sách phải đặt trong bối cảnh chung, tương quan với các chính sách khác.
Ngoài ra trong gói 38.000 tỷ, đã sử dụng 30.000 tỷ từ kết dư hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp cũng đã được giảm 8.000 tỷ tiền đóng quỹ. Nếu áp dụng thêm chính sách Tổng Liên đoàn đề xuất thì cũng chỉ giảm thêm được một ít. Thời gian qua, Tổng Liên đoàn cũng đã áp dụng nhiều chính sách với tổng số nguồn lực 10.000 tỷ đồng.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần đảm bảo sự an toàn cho 5 năm tới… Quan điểm đưa ra dựa trên quá trình làm việc rất thận trọng, không phải vì vấn đề quyền anh, quyền tôi, báo cáo đại biểu như vậy.
Lương dựa trên năng suất lao động
Về câu hỏi ĐB Trần Quốc Tuấn nâng cao thu nhập đời sống, Bộ trưởng bày tỏ phụ thuộc vào năng suất lao động, điều kiện sản xuất của chủ lao động. Giải pháp được Bộ trưởng nêu ra là cần nâng cao tay nghề, kỹ năng đàm phán của người lao động; tăng cường vai trò tổ chức đại diện người lao động; quy hoạch lại một số ngành nghề lĩnh vực...
Với câu hỏi ĐB Nguyễn Duy Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại việc, đáng ra cả nước đã thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp từ 2022, nhưng vì tình hình khó khăn, việc này được lùi lại. Hiện nay đang thí điểm ở 3 tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm.
Nguyên tắc, lương là giá cả của sức lao động, phần lớn do người lao động và chủ sử dụng lao động thỏa thuận. Tới đây Nhà nước không quyết định chi phối thang bảng lương nữa mà để doanh nghiệp quyết định, chỉ can thiệp vấn đề sàn lương tối thiểu.
Người lao động có quyền quyết định chấp nhận hay không. Lương sẽ dựa trên năng suất lao động, giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bài toán hài hoà lợi ích. Các bên thỏa thuận về lương cũng được quy định rõ, trong đó có cả đại diện của giới chủ và người lao động.
8h32
Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý, vấn đề ĐB Trần Đình Gia nêu ra Phó Thủ tướng mới trả lời vế thứ 2.
“Tôi đề nghị các thành viên Chính phủ khác từ nay đến sáng mai khi kết thúc phiên chất vấn phải trả lời câu hỏi này”, Chủ tịch QH yêu cầu.
Trong đó, ông lưu ý Chính phủ cần nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm quản lý nhà nước như thế nào để dân đi về một cách tự phát 3 đợt với số lượng rất đông như vậy.
Tới đây, chúng ta có cam kết không để tái diễn tình trạng như vậy nữa không? Trên nghị trường Quốc hội và với bà con cử tri, chúng ta phải trả lời rõ câu hỏi này. Còn giải quyết thiếu hụt lao động nơi rời đi và sinh kế lao động nơi đến đương nhiên chúng ta phải làm.
8h19
Ly nông không ly hương
"Làm thế nào để ly nông nhưng không ly hương?", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi ĐB đặt ra từ hôm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời về giải quyết lao động nông nghiệp, thu hút đầu tư trong nông nghiệp, cơ cấu đầu tư để người dân ly nông nhưng không phải ly hương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tất cả nội dung trên đều tựu chung lại trong 1 vấn đề có thu hút được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hay không. Ông cho biết, đây là chủ trương rất lớn của nhà nước. Tuy nhiên cần tính về vấn đề thu hút lao động, hạ tầng, đất đai giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, thủ tục hành chính mô hình đầu tư, xúc tiến đầu tư, việc thực hiện tốt chính sách tại Nghị định 57…
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Về định hướng đầu tư, việc đầu tư vào các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, theo Bộ trưởng không nên tập trung vào lĩnh vực có hàm lượng công nghệ thấp nữa mà nhường cho các địa phương khác có cơ hội tiếp cận tốt hơn. Các đô thị lớn nên hướng vào đầu tư tài chính, dịch vụ chất lượng cao.
Nghị định 57 đã thực hiện từ lâu nhưng kết quả còn hạn chế do đầu tư vào nông nghiệp cần đất đai tập trung lớn nhưng việc này còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng dẫn chứng, Nghị định có chủ trương thu hút nhà đầu tư hướng vào hạ tầng nông thôn, nhưng thực tế chưa làm được. Cả nước mới có 24 địa phương làm được các dự án với tổng vốn 300 tỷ, Bộ trưởng cho rằng con số đó rất nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. Từ đó có thể thấy thời gian tới cần điều chỉnh quy định theo hưởng mở rộng đối tượng, mở rộng nguồn đầu tư cho khu vực nông nghiệp.
Bộ đang lấy ý kiến và sẽ trình Thủ tướng để phê duyệt Nghị định 57 đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
8h15
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn về thời điểm đưa ra chính sách hỗ trợ người lao động từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp “có đúng luật không, liệu có vội không”?
Lý do vì sao không chấp thuận ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động về miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong khi người sử dụng lao động và doanh nghiệp được miễn?
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt vấn đề dịch Covid-19 làm đứt gãy quan hệ, cung - cầu lao động, cũng cho thấy thực tế tích lũy của người lao động rất hạn chế. Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thu nhập và khả năng tích lũy cho người lao động để thực sự trở thành người công dân khá giả?
ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho biết, người lao động nhiều nơi chỉ có mức thu nhập bằng hoặc hơn so với lương tối thiểu vùng, không đủ trang trải, đời sống rất khó khăn, chất lượng bữa ăn ca còn thấp. Quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng để người sử dụng lao động quan tâm hơn tới an sinh với người lao động?
8h03
Lập 80 trường nghề chất lượng cao
Trả lời 3 câu hỏi của ĐB Vũ Tiến Lộc về dòng người về quê, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng tình với ý kiến của ông Lộc khi Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, nhưng phải giải quyết 2 bài toán: chăm lo, nâng cao chất lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; xu hướng thay đổi.
Theo dự báo, thời gian tới, 30% công việc, lao động phải lao động, yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên. Mục tiêu đề ra đến hết 2025 có 30% lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến năm 2030 con số này là 40-45%. Bộ trưởng nhận định đây là chỉ tiêu rất khó mà phải quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp mới làm được.
Bộ trưởng cũng trình bày về chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao. Trung ương đã đồng ý chủ trương lập 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này. Tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang thiếu lao động, phân bố ở 3 khu vực trọng tâm ở 3 miền. Đào tạo nghề cũng thiết kế theo hướng mở, liên thông linh hoạt, bao trùm gắn với học tập suốt đời.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung |
Bộ trưởng đề cập vấn đề hợp tác công tư trong đào tạo nghề. Việc này có ý nghĩa quan trọng khi nhà nước xác định con người là trung tâm, là động lực cho phát triển.
Về kiến nghị ban hành sách trắng, Bộ trưởng cho biết hằng năm Tổng cục thống kê có bản tin dự báo lao động quý nhưng vẫn chậm so với thị trường, ngành lao động cũng đưa ra thông tin nhưng cũng chậm. Bộ đề xuất từ năm 2022 phối hợp với các đơn vị xây dựng ấn phẩm, bản đồ về việc làm. Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu đề xuất của ĐB Vũ Tiến Lộc.
Về câu chất vấn mô hình 3 tại chỗ của ĐB Phạm Văn Hòa, ông Dung cho biết Bắc Ninh và Bắc Giang là những nơi đầu tiên áp dụng. Theo chỉ đạo của Trung ương, không áp đặt một mô hình nào với doanh nghiệp mà theo phương châm an toàn thì mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn.
Đồng cảm với ý kiến của ĐB, Bộ trưởng bày tỏ mô hình này chỉ phù hợp với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Chủ tịch QH ngay sau đó đặt vấn đề mô hình này có phù hợp hay không, Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch chưa có câu trả lời cho vấn đề này. Ông đề nghị Bộ trưởng trả lời.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Quan điểm của tôi là không áp đặt mô hình này cho bất cứ doanh nghiệp nào. Tôi cũng có đọc các kiến nghị và thấy mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải vì chi phí vận hành rất lớn".
Trả lời ĐB Lưu Văn Đức về việc tạo điều kiện cho người lao động phi chính thức, các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng tình với cách làm này và cho biết trong chương trình phục hồi của ngành lao động sẽ đề nghị tăng cường vốn vay cho người lao động. Ông Dung cũng thông tin việc tiếp cận vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm rất có hiệu quả, hiện nợ đọng rất thấp.
Bộ trưởng cho biết, trong Quyết định 2086 của Thủ tướng về giải quyết đất ở, nước sinh hoạt… có thể áp dụng những tiêu chí này để hỗ trợ. Mặt khác, có thể căn cứ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ thêm nguồn lực cho các trường hợp đủ điều kiện.
Trả lời về việc triển khai các chính sách hỗ trợ, do diễn biến quá nhanh, số lượng người cần phục vụ cùng lúc quá lớn, tới hàng chục triệu người nên cần rà soát thêm.
Bộ trưởng cũng bày tỏ thống nhất cao với ý kiến ĐB về việc tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận vốn vay để phục hồi sau dịch.
Với câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Lan Anh về chương trình chuẩn bị cho lao động chuyển đổi thời cách mạng 4.0, Bộ trưởng nhận định, chuyển đổi số có thể làm mất đi việc làm của nhiều người, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới nếu biết tận dụng.
Theo ông Dung thời gian tới, cần đẩy mạnh thu hút để đào tạo và đào tạo lại, rà soát cơ chế chính sách trong đào tạo nghề nghiệp, nhất là cơ chế đẩy mạnh hợp tác 3 nhà - Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường trong đào tạo nghề.
8h ngày 11/11
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ thông báo phiên chất vấn còn 50 phút để chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ngoài 5 ĐB đặt câu hỏi chiều qua, trên bảng điện tử còn 15 ĐB chờ tranh luận, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng trả lời ngắn gọn nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. |
Sáng nay, Chủ tịch QH đề nghị thêm Bộ trưởng KH&ĐT trao đổi thêm một số vấn đề ĐBQH nêu về giải quyết lao động trong nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu sắp xếp lại lao động, dân cư do tác động của dịch.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ có khoảng 10 phút báo cáo thêm trước Quốc hội.
16h55
ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu 3 vấn đề: Có một cuộc di chuyển kép của người lao động về quê, không chỉ là người về quê tránh dịch mà có cả người lao động chân tay đơn thuần bị đào thải trong cuộc cách mạng công nghệ. Vấn đề đào tạo nghề, theo ông Lộc, cứ 4 người lao động, chỉ một người được đào tạo, có tay nghề. Vậy làm sao trong thời gian ngắn để người lao động ngang tầm ASEAN? Ông Lộc cũng đề nghị xây dựng bản đồ nghề nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. |
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường” gây khó khăn cho doanh nghiệp vì tăng chi phí. Làm thế nào bù đắp chi phí cho doanh nghiệp? Người lao động mắc kẹt ở đô thị than rằng bị thiếu đói. Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ vấn đề này để cử tri biết?
ĐB Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) muốn biết giải pháp để người lao động không phải rời quê tới thành phố làm việc, để người dân ly nông nhưng không phải ly hương.
ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) nêu câu hỏi, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, đối tượng, trong đó có người lao động. Bộ chuẩn bị thế nào cho cuộc chuyển đổi trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Chủ tịch Quốc hội cho biết, những câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời trong phiên trả lời chất vấn sáng mai (11/11).
16h35
Công an vẫn đang xác minh tiền từ thiện
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ Công an đang giao cục Cảnh sát hình sự (CSHS) tiến hành thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin phản ánh về hoạt động quyên góp tiền từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra ở khu vực miền Trung năm 2020 của một số nghệ sĩ, để làm rõ những vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cục CSHS đang phối hợp với các ngân hàng tiến hành rà soát, xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc quyên góp, giải ngân; phối hợp với UBND, MTTQ Việt Nam các cấp thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh làm rõ số tiền, hàng các nghệ sĩ đã cứu trợ từ thiện tại các địa phương.
Đã mời làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan, sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Cục CSHS đã chỉ đạo lực lượng CSHS toàn quốc rà soát, nắm tình hình từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng những hoạt động kêu gọi từ thiện để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Bộ trưởng Công an thông tin, qua rà soát ở các địa phương, hiện nay cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận 6 tố giác về tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Hiện cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tổ chức tiếp nhận, phân loại 6 tố giác theo đúng quy trình của pháp luật tố tụng hình sự.
Công việc hiện nay đang tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Qua công tác rà soát, nắm tình hình, Bộ Công an sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan về vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố nghiêm trọng theo hướng bổ sung các quy định để các hoạt động này đảm bảo công khai, minh bạch, vừa qua cũng đã được tiếp thu để ban hành Nghị định 93.
XEM ĐẦY ĐỦ:
Bộ trưởng Tô Lâm: Cảnh sát hình sự rà soát hoạt động từ thiện trên toàn quốc
Ba Bộ trưởng: Công an, LĐ-TB&XH, Tài chính trả lời những vấn đề liên quan đến lùm xùm trong hoạt động từ thiện.
16h30
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm về việc quản lý, sử dụng tiền từ thiện. Ông cho biết, với hoạt động từ thiện Nghị định 64 năm 2008 đã bộc lộ một số nhược điểm như tính minh bạch, công khai; quy định đối với việc quản lý, phân phối hàng, tiền, mở tài khoản, đăng ký vận động…
“Những hạn chế, nhược điểm đấy được khắc phục bởi Nghị định 93 năm 2021”, ông Phớc nói.
Theo ông Phớc, nghị định này có nhiều điểm mới. Đầu tiên, Nghị định 93 đã quy định rõ các đối tượng từ MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức, cá nhân, các đơn vị liên quan thực hiện thiện nguyện, vận động tài trợ.
Đồng thời quy định rõ, việc quản lý tiền, hàng hóa, vàng, ngoại tệ và việc phân bổ vật tư, hàng hóa, tiền cho các đối tượng thụ hưởng. Quy định ghi chép một cách đầy đủ hoạt động và được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại theo từng đợt vận động hoặc tại kho bạc.
Sau đợt vận động đó, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đóng tài khoản; niêm yết công khai hàng hóa, tiền hoặc tài sản mà nhận vận động, phân phối hàng hóa đó minh bạch.
Đồng thời, quy định chế độ báo cáo chặt chẽ như trước khi vận động thì phải đăng ký với UBND nơi tổ chức vận động; trong thời hạn 3 ngày thì UBND phải phối hợp giải quyết…
Nghị định 93 cũng quy định các hình thức đóng góp như tự nguyện giảm giá dịch vụ như giá nước, giá điện, và các loại dịch vụ khác; quy định thanh tra, kiểm tra, tức là giao Bộ LĐTB&XH trong lĩnh vực quản lý được tổ chức thanh tra hay Bộ Tài chính thực hiện thanh tra và các bộ, ngành khác.
“Quy định rất chặt chẽ trong quá trình thực hiện thanh tra hoạt động về vận động tài trợ có đúng quy định của pháp luật hay không để xử lý nghiêm minh”.
16h26
ĐB Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) nêu, báo cáo tổng kết kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội còn gần 1 triệu tỷ, các quỹ ngắn hạn cũng còn nhiều. Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này, sao không tung ra nhiều hơn các gói hỗ trợ cho người dân?
ĐB Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng): Do tác động dịch, thành tựu giảm nghèo đang đứng trước thách thức, làm gia tăng tỷ lệ nghèo. Bộ có đề xuất đột phá gì trong mục tiêu giảm nghèo thời gian tới, để người dân được thụ hưởng chính sách từ chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững?
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh): Làn sóng người lao động về quê được nhiều ĐBQH quan tâm, hình ảnh một cụ bà, phụ nữ có thai, sản phụ vừa sinh con cũng đạp xe về quê, đặt ra nhiều tâm tư. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Vai trò, trách nhiệm của Bộ thế nào với việc này? Có phải phản ứng của các cơ quan quá chậm?
ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đặt vấn đề, cần giải pháp căn cơ nào để phục hồi thị trường lao động? Để lao động nhập cư không cảm giác là công dân hạng hai, cần giải pháp gì?
Người dân từ TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về quê miền Tây trong những ngày tháng 9, 10. Ảnh: Hoài Thanh |
Trả lời về việc các Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư lớn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc này là đáng mừng. Vừa qua, Quỹ Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp đã trích 5.000 tỷ, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi hơn 30.000 tỷ để hỗ trợ trực tiếp người lao động.
Bộ trưởng nêu rõ, tổng quỹ còn xấp xỉ 1 triệu tỷ, nhưng trong đó có 900.000 tỷ là của Quỹ hưu trí, tử tuất, là quỹ dài hạn, là lương hưu, là cuộc sống của hàng triệu con người và không thể sử dụng với mục đích khác.
Các quỹ này phải thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, không thể lấy của người này chi cho người khác, sẽ không đúng nguyên tắc, quy định.
Bộ trưởng đề nghị sử dụng nguồn lực khác để làm nhà ở cho công nhân. Mặt khác, Quỹ BHXH cũng chỉ kết dư hơn 4 lần, chưa đảm bảo bền vững, ổn định, càng không thể đề xuất lấy tiền này chi cho hoạt động khác.
Về việc phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì. Chương trình quốc gia giảm nghèo cũng đã chốt việc dùng 5.000 tỷ xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo.
Vấn đề người dân rời thành phố về quê, Bộ trưởng xác định có một phần trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH nhưng ông nêu rõ, việc này phần trách nhiệm chính không phải của Bộ. Bộ đã kịp thời đề xuất hỗ trợ với 1,3 triệu người về quê này, hỗ trợ thêm các đối tượng như trẻ em, phụ nữ.
Vấn đề này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã trả lời cụ thể.
Vấn đề lao động nhập cư, Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta không bao giờ coi người lao động từ các tỉnh về thành phố là công dân hạng hai vì người ở đâu cũng là công dân Việt Nam.
Tôi suy nghĩ về 3 vấn đề cần quan tâm. Trước hết là đánh giá về vai trò của người lao động dịch chuyển tới các khu vực kinh tế. Sau đó là phải quan tâm đến môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường nhà ở với người lao động. Thứ ba là vấn đề chế độ làm việc với người lao động, là thu nhập, tiền lương và các khoản thu khác”.
16h20
Có trục lợi chính sách
Về trục lợi chính sách, Bộ trưởng cho hay, khi xây dựng các chính sách, các văn bản đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, lãnh đạo các ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc BHXH… Các đoàn công tác vừa qua đi đâu cũng kiểm tra về vấn đề an sinh xã hội.
"Bộ LĐTB&XH cũng mới tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra 33 địa phương, có phát hiện trục lợi không thì tôi khẳng định là có. Nghị quyết 42, từng có những cán bộ bị kỷ luật vì đưa danh sách người nhà vào diện được hưởng hỗ trợ, Nghị quyết 68 cũng phát hiện chỗ này chỗ kia. Những sai phạm cá biệt không tránh được, nhưng về cơ bản các chính sách đã được thực hiện minh bạch”, Bộ trưởng khẳng định.
Về chính sách hỗ trợ người lao động trở về quê để họ không bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, trong triển khai Nghị quyết 68, ông chất vấn “Tại sao cũng là lao động tự do, có nơi được hỗ trợ, có nơi lại không?”.
Bộ trưởng cho biết, lực lượng lao động về quê tương đối lớn, dù số liệu khác nhau, sau khi xem tổng kết của 63 địa phương thì con số chính thức là 1,3 triệu người, chiếm 60% là người dân di chuyển từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê.
Nhiều người dân từ các tỉnh phía Nam về quê miền Trung và hẹn ngày trở lại. Ảnh: Song Phương |
Làm việc với các tỉnh phía Nam, ông Dung cho biết, khoảng 30% người có nhu cầu quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, 30% muốn chuyển địa bàn khác, còn lại muốn ở lại quê và tìm công ăn việc làm.
Ông đề nghị các địa phương có kết nối để vận động, thuyết phục người lao động trở lại, hoặc các địa phương phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, ông Dung nhấn mạnh có thể tạo việc làm tại chỗ. Như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ công nhân may làm việc ở địa phương. Song song với đó, địa phương cần triển khai các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ cho người lao động.
Về việc triển khai gói hỗ trợ lao động tự do, Nghị quyết 68, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tạo ra sự linh hoạt cho địa phương. Chính phủ chỉ quy định mức sàn, còn đối tượng và mức trên sàn thì do địa phương quy định.
“Nhưng vì sao nơi được nơi không?”, theo ông Dung, vì phụ thuộc vào chính sách của từng địa phương nên dẫn đến tình trạng như đại biểu nêu. Ông Dung thừa nhận có địa phương do ngân sách dự phòng không còn nên không thể hỗ trợ, tới đây sẽ có điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
16h10
Hỗ trợ được giải ngân thông thoáng
Nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về các gói hỗ trợ, nhất là tình trạng thủ tục rườm rà, khó tiếp cận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là những chính sách chưa có tiền lệ, nhiều nội dung vượt thẩm quyền Chính phủ. Vì vậy, Bộ cùng các cơ quan liên quan làm ngày làm đêm với tốc độ là “người dân đang đói thì đừng nói về nhà được”, đúng tinh thần “không để ai thiếu, đói”.
Bộ trưởng khẳng định, thủ tục giải ngân các gói hỗ trợ này thông thoáng đến mức không thể thông thoáng hơn được.
Bộ thiết kế các gói này theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thụ hưởng”. Trong 1 tháng rưỡi triển khai thực hiện chỉ có 2 vướng mắc là tình trạng phát nhầm tại Bình Dương và vướng mắc chỗ thuế DN. Sau đó, các vướng mắc này đã được sửa ngay.
Ông Dung thừa nhận, quá trình thực hiện các gói hỗ trợ có nơi này nơi kia cứng nhắc, máy móc.
Bộ trưởng dẫn chứng, chỉ hỗ trợ cho trẻ em F0 ăn thôi mà có địa phương kiến nghị Bộ trưởng 3 trang giấy. “Tôi nói là cứ làm đi, có gì tôi chịu trách nhiệm thì địa phương mới làm. Thực tế có tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Ông khẳng định, đến nay, các gói hỗ trợ được triển khai với thủ tục đơn giản không thể đơn giản hơn nữa. Bên cạnh một số rất ít trường hợp có sai sót, về cơ bản các địa phương triển khai đến người nhận và đúng đối tượng.
XEM THÊM:
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dự kiến tăng lương hưu thêm 7,4% từ 1/2022
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ để cố gắng ngày 1/1/2022 có chính sách lương hưu mới, trong đó mức lương thấp nhất là 2,5 triệu đồng.
15h55
Cá nhân làm thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời ĐB Dương Văn Phước. Ông cho biết, Nghị định 64/2008 của Chính phủ có đưa ra nguyên tắc khuyến khích các tổ chức, cá nhân và mọi người dân tham gia làm từ thiện, cứu trợ giúp đỡ người dân bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…
Trong nghị định 64 quy định cho 2 cơ quan. Về phía nhà nước giao cho Bộ Tài chính có trách nhiệm thay mặt nhà nước đứng ra làm việc thiện nguyện, thu các ủng hộ, kiểm tra việc thực hiện chính sách.
Nghị định cũng quy định rất rõ UB TƯ MTTQ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ VN là cơ quan tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội đứng ra huy động và tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Tuy nhiên, do trong nghị định và quy định pháp luật có khuyến khích các tổ chức cá nhân khác tiến hành. Nhưng trong quy định của pháp luật thời gian qua chưa quy định cụ thể cách thức huy động của tổ chức, cá nhân thế nào.
Hình ảnh bà con nhận hàng cứu trợ ở bệnh viện Quảng Bình đợt mưa lũ tháng 10/2020. Ảnh: Thanh Tùng |
Thời gian qua, về cơ bản các tổ chức và cá nhân đã thực hiện việc chuyển hàng, tiếp nhận, ủng hộ đến người dân bị bão lũ. Tuy nhiên cũng còn chỗ này, chỗ kia.
Quan điểm cá nhân của ông là khuyến khích các tổ chức, cá nhân; tuy nhiên làm từ thiện phải trên cơ sở có nguyên tắc, có quy định bằng pháp luật.
Thời gian qua trên cơ sở những khó khăn, lùm xùm, Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64 và Thủ tướng đã ban hành Nghị định 93, trong đó quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc từ việc vận động. Nếu quyên góp bằng tiền thì qua ngân hàng như thế nào; bằng hiện vật thì ai là người tiếp nhận; khi triển khai ở cơ sở thì ai là người đứng ra cùng cá nhân, tổ chức này...
“Chúng tôi tin rằng, sau 1/12 này, Nghị định 93 bắt đầu có hiệu lực thì việc tổ chức thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp. Còn vừa qua, tôi nghĩ cá nhân, tổ chức nào sai thì phải xử lý theo pháp luật, dù chúng ta không muốn”, Bộ trưởng nói.
15h54
Qũy bảo hiểm thất nghiệp an toàn
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Qũy bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết 2020 kết dư 90.000 tỷ.
Thông thường kết dư của các quỹ ngắn hạn khoảng 10%, kết dư như trên tương đối tốt ở mức độ an toàn cao, Bộ trưởng nhận định. Với năm 2020, quỹ chi ¼ số kết dư này.
Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, người tham gia BHTN đang gặp nhiều khó khăn, trong hoàn cảnh như vậy để kết dư lớn như thế thì không ổn. Vậy nên, sau khi đánh giá tác động để quỹ đảm bảo kết dư an toàn trong 5 năm tới thì thấy, có cơ sở để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Sau đó, UB Thường vụ Quốc hội có ý kiến, ra Nghị quyết đồng ý sử dụng 38.000 tỷ từ quỹ này để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Trong tình hình hiện nay, kết dư hoàn toàn an toàn, Bộ trưởng khẳng định. Sau khi sử dụng 38.000 tỷ này thì Quỹ còn khoảng 56.000 tỷ, gấp gần 2 lần tổng thể yêu cầu chi của 5 năm tới, nên hoàn toàn có thể yên tâm với quỹ này.
Có công nghệ mới phát hiện ra sai sót
Về trường hợp nhầm lẫn ở Bình Dương, Bộ trưởng cho biết, chính đưa CNTT vào rà soát lại, điều chỉnh danh sách mới phát hiện con số 22.000 hồ sơ trùng lặp, không đúng, may mắn là mới có 1.490 người được chi tiền. Các sai sót này khó tránh khỏi trong bối cảnh muốn hỗ trợ nhanh cho người lao động, người dân cũng trông đợi, muốn được hưởng sớm, nhưng khi đưa công nghệ vào thì sẽ cơ bản khắc phục được.
Ông nhấn mạnh nếu đưa CNTT kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu lao động, đồng thời xem xét thì về cơ bản sẽ khắc phục được các bất cập trong hỗ trợ.
Về chính sách hỗ trợ với đối tượng yếu thế, Bộ trưởng nhấn mạnh, các chính sách đã cơ bản bao phủ. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát lại các chính sách đã có, đối tượng nào còn thiếu sẽ bổ sung.
Nêu tình trạng các đối tượng chính sách, người già, người tàn tật, lao động đường phố… tiếp tục bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, với hàng loạt chính sách được ban hành trong thời gian qua như Nghị định 20, Nghị định 36 và Nghị định 75… chúng ta cơ bản đã bao phủ việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các địa phương hầu hết mở rộng việc hỗ trợ các nhóm này.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các chính sách đã có, chính sách nào không còn phù hợp sẽ trình Chính phủ cho sửa đổi, đối tượng nào còn thiếu sẽ bổ sung.
15h51
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định): Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã sử dụng 24.000 tỷ trong số 38.000 tỷ đồng trong thời gian qua, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, quỹ bảo hiểm đã hết thì theo Bộ trưởng phương án nào sẽ triển khai để đảm bảo an sinh xã hội?
Mặc dù khắc phục được nhầm lẫn tại Bình Dương, nhưng Bộ trưởng vẫn thừa nhận có sự thiếu hụt, chồng lấn trong các gói hỗ trợ. Theo Bộ trưởng, vai trò của CNTT công khai có sự hỗ trợ đến từng cá nhân liệu có tránh được nhầm lẫn, người cần không được nhận, người nhận lại nhận quá nhiều từ nguồn khác nhau.
ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam): Cứ mỗi đợt thiên tai, bão lũ cũng như dịch bệnh thì nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra quyên góp làm từ thiện, đây là hoạt động rất nhân văn.
Tuy nhiên, hệ lụy từ sự tùy tiện trong việc quyên góp, nguyên tắc quản lý chưa được chặt chẽ dẫn đến việc sử dụng tiền này chưa đúng mục đích. Sự lùm xùm trên mạng về tiền từ thiện làm mất đi ý nghĩa nhân văn của các tấm lòng thơm thảo, mất đi niềm tin của những nhà hảo tâm. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng làm gì để quản lý, điều chỉnh các hoạt động thiện nguyện, quyên góp trong thời gian tới?
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên): Các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được quan tâm trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tuy nhiên việc làm của các đối tượng này bị ảnh hưởng kéo dài. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã nắm bắt nghiên cứu, tham mưu cho QH, Chính phủ giải quyết vấn đề này ra sao trong thời gian tới?
ĐB Trình Lam Sinh (An Giang): Thời gian qua có nhiều người dân về quê chống dịch, tại An Giang trên 70.000 người, làm phát sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội, nhiều người mất việc làm, cuộc sống bấp bênh. Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ và Chính phủ có chính sách gì để họ về quê không bị bỏ lại phía sau? Liên quan Nghị quyết 68, Bộ trưởng cho biết kết quả triển khai hiện nay?
ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau): Bộ trưởng có chiến lược thế nào để tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại quê hương mình?
15h25
Vấn đề xâm hại trẻ em, Bộ trưởng nêu rõ, quan điểm của các nước rất khác nhau. Với Việt Nam, chưa có những cuộc điều tra tổng thể cả nước về hành vi xâm hại trẻ em. Kết quả điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy, tình trạng này diễn ra ở mức tương tự các nước ở châu Á.
Hiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em tương đối rõ, nhưng theo Bộ trưởng, các chế tài chưa đủ sức răn đe.
Các ngành hiện đang cố gắng để thực hiện “3 nhất”: phát hiện sớm nhất, hỗ trợ tốt nhất, phòng ngừa cao nhất.
Vấn đề hỗ trợ với phụ nữ, Bộ trưởng khẳng định, Nghị quyết 68 có những nội dung dành riêng cho hỗ trợ phụ nữ, như phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, 7 chính sách thì có một chính sách dành riêng cho phụ nữ. Tới đây, ngành cũng xây dựng kế hoạch hành động 10 năm với ILO về thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm.
15h15
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khái niệm bán sổ BHXH thực chất NLĐ đang tham gia BHXH, sau đó rút BHXH rồi hưởng chính sách 1 lần, và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do gì đó thì nhượng lại sổ BHXH cho người khác hưởng cái đó.
Về bản chất là làm sao giảm bớt rút hưởng BHXH 1 lần. Năm 2021 cho đến nay có khoảng 870.000 đã rút BHXH 1 lần, nếu so với 2020 thì con số này gia tăng rất nhiều, trong đó có nhiều lý do như đời sống khó khăn...
Theo ông Đào Ngọc Dung, phần lớn người rút bảo hiểm 1 lần và bán sổ bảo hiểm 1 lần rơi vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải hoàn cảnh éo le, giải quyết gốc chính là nâng cao đời sống. Đời sống tốt rồi thì chắc chắn không bao giờ bán sổ bảo hiểm.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cho NLĐ hiểu và thấy rằng sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài có BHXH để có khoản lương hưu khi về già. Nói như các nước phát triển, khi nào ở các nước phát triển phải trở thành văn hóa an sinh, hay văn hóa bảo hiểm thì bấy giờ mới thành công.
Thứ ba, chắc chắn phải tổng kết Nghị quyết 93, để thực hiện điều 60 của luật BHXH. Đồng thời giải pháp căn cơ là phải sửa luật BHXH.
“Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu năm 2022 trình QH xem xét, trong đó bên cạnh việc hưởng chính sách 1 lần, sẽ tăng cường các lợi ích khác đối với NLĐ như không rút BHXH 1 lần thì ngoài chuyện tiền còn được hưởng chính sách khác như đi tham quan, du lịch... kinh nghiệm các nước họ thường làm theo cách này.
15h09
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động nước ta muốn phát triển theo hướng đồng bộ, lành mạnh, hiện đại, tuy nhiên thực tiễn chưa đạt được mức độ cho phép. Ông nêu, đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường, lực lượng lao động chất lượng còn thấp dẫn đến năng suất thấp, so với mặt bằng chung còn thấp. Nguyên nhân quan trọng do dự báo cung cầu hạn chế.
Dẫn chứng cuối nhiệm kỳ XIV, Bộ LĐTB&XH làm việc với TP.HCM thử dự báo cung cầu trong 4 tháng ở một số ngành. Kết quả người tham gia vào ngành nghề đang thiếu, đang cần có mức lương tốt lập tức thay đổi. Vậy nên, nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: VGP |
Vấn đề khác là liên kết đào tạo nghề còn lỏng lẻo. Các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã diễn ra hàng trăm năm. Bộ trưởng dẫn chứng, ở Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, ở các nước phát triển, doanh nghiệp cho rằng đào tạo người lao động là bắt buộc, còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này, nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả.
Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các trường nghề lớn hiện nay ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới chỗ làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình về đâu.
Vấn đề bảo trợ xã hội, Bộ trưởng khẳng định các cơ sở bảo trợ xã hội của Việt Nam vừa qua phát triển khá nhanh nhưng phần đông số này mới chỉ dựa vào cơ sở công lập là chính. Khu vực tư nhân mới phát triển cơ sở bảo trợ do các tổ chức tôn giáo, một số mạnh thường quân đứng ra tổ chức, hướng tới cơ sở dành cho người già, người neo đơn.
Hai vấn đề nổi lên ở đây là Việt Nam chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút tư nhân tham gia làm cơ sở bảo trợ xã hội. Đây là vấn đề quan trọng nhất, khó khăn là tiếp cận nguồn lực đất đai. Có doanh nhân từ nước ngoài về, 4 tháng trời không thể tìm được đất đầu tư làm viện dưỡng lão, Bộ trưởng phải giới thiệu tới một địa phương khác xa hơn.
Về việc triển khai gói 26.000 tỷ thu được gì, Bộ trưởng khẳng định là đánh giá chung cho thấy chính sách đã đúng hướng, hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian triển khai 4 tháng vẫn còn ngắn vì chỉ 50% nhóm chính sách trong đó là ngắn hạn, chi trả tiền ngay lập tức, còn 50% các chính sách cần thời gian để đo đếm, như hỗ trợ đào tạo nghề, giãn hoãn các khoản đóng góp.
Bộ trưởng so sánh với chính sách của gói 38.000 tỷ, hầu hết chi trả được ngay, chỉ trong một tuần đầu tiên, tất cả các doanh nghiệp thuộc diện đã được hỗ trợ, 75% người lao động cũng đã nhận tiền.
Với doanh nghiệp xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh tính chất xả thân trong hoạt động. Muốn doanh nghiệp nhóm này làm ăn được, không phá sản thì cần có chính sách riêng. Ngành lao động, dù là người phục vụ, Bộ trưởng giải thích, chỉ xây dựng chính sách là chủ yếu.
15h
ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang): Công tác phân tích dự báo còn yếu, hệ thống thông tin thị trường lao động giữa các tỉnh còn thiếu sự liên thông. Bộ trưởng cho biết giải pháp?
Hiện nay công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn nhiều bất cập, chưa thu hút được tư nhân đầu tư. Hướng xử lý như thế nào?
ĐB Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang): Đảng, Nhà nước đã có gói hỗ trợ 26.000 tỷ để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, sau 4 tháng triển khai kết quả như thế nào, có như mong muốn không?
ĐB Thái Thu Xương (Hậu Giang): Các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng đặc biệt là doanh nghiệp xã hội, theo dự báo nếu dịch kéo dài thì sẽ phá sản. Như thế lao động khuyết tật sẽ mất việc làm, đã khó khăn càng khó khăn hơn. Bộ trưởng đưa ra chính sách nào cho nhóm đối tượng này?
ĐB Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM): Giải pháp nào để người lao động không bản số bảo hiểm xã hội, chính sách thu hút người lao động tham gia BHXH và tạo động lực cho người lao động.
Vai trò, trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH trong phòng ngừa xử lý xâm hại trẻ em?
ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình): Bài toán việc làm với lao động nữ khi trẻ em chưa được đến trường, phụ nữ phải chăm sóc con cái, áp lực tài chính... làm mất đi cơ hội việc làm, bất bình đẳng giới gia tăng. Giải pháp nào hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm?
14h50
Trả lời câu hỏi của ĐB Vương Thị Hương về lương hưu, Bộ trưởng LĐTB &XH Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội khóa XIV trong phiên họp cuối cùng cũng đặt vấn đề này. Nghị quyết 34 của Quốc hội cũng yêu cầu rất rõ với Chính phủ.
Vừa qua, khi bàn vấn đề này trước khi trình Trung ương, cũng đã báo cáo Quốc hội, chúng ta tạm dừng cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu và đặc biệt quan tâm đến những người nghỉ hưu trước 1995, những người có lương hưu thấp.
“Thực hiện lời hứa này, báo cáo đại biểu tôi không quên. Suốt thời gian qua, Bộ thường xuyên tổ chức các đánh giá, hoàn thiện hồ sơ. Đến giờ này Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên và chắc trong tháng 12 này trình Thủ tướng xem xét.
Cụ thể, nếu như trước cho phép điều chỉnh từ 1/7/2022, thì hiện nay do tác động dịch, khó khăn của người nghỉ hưu, thời gian qua hầu hết các bác nghỉ hưu không được điều chỉnh lương hưu, chúng tôi đề xuất xin Thủ tướng, Chính phủ điều chỉnh sớm hơn từ 1/1/2022.
Như vậy đi trước 7 tháng với mức điều chỉnh dự kiến 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỷ, trong đó ngân sách là đầu tư và bổ sung lương hưu cho các bác nghỉ trước 1995 là 3.648 tỷ đồng. Người nghỉ hưu thấp hơn 2,5 triệu thì được bổ sung đảm bảo mặt bằng chung thấp nhất 2,5 triệu. Như vậy chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thiện hồ sơ để cố gắng ngày 1/1/2022, các bác hưởng chính sách lương hưu mới”- ông Dung khẳng định.
Trả lời câu hỏi về một tỉnh phát nhầm, nhận nhầm 22.000 người trong gói hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực sự không phải phát nhầm, nhận nhầm 22.000 trường hợp.
“Câu chuyện là sau khi có dư luận báo chí, tôi đã trực tiếp điện cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, tôi đã nghe Sở báo cáo đầy đủ nội dung này bằng văn bản, cử một Thứ trưởng cùng MTTQ TƯ, Công đoàn… vào kiểm tra nắm tình hình, gặp cả người trực tiếp phát, cả người nhận nhầm. Thực chất không phải 22.000 mà có khoảng 1.490 trường hợp”, Bộ trưởng đính chính.
Ông cho biết thêm, đây là chính sách của Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động và những người ở các khu trọ để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000/người. Khi đi đến các nhà để kê khai thì ở trong nhà cũng khai, người khác cũng khai dẫn đến con số vọt quá lớn.
"Bình Dương thấy con số đó là bất thường, nhờ Bộ Công an, ngân hàng chính sách xã hội tiến hành rà soát trên cơ sở dữ liệu thì thấy 22.000 trường hợp trùng nhau về tên tuổi…”, Bộ trưởng giải thích.
Trên cơ sở đó, Bình Dương dừng việc này lại và tiến hành rà soát thì phát hiện 1.490 trường hợp phát rồi với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Phần đông đã tự hoàn trả lại khi thấy mình nhận không đúng chính sách. Đến nay, công việc này đã giải quyết xong, số tiền thu hồi đầy đủ.
Về câu hỏi liên quan đến các gói hỗ trợ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021 ban hành nhiều chính sách liên quan đối tượng từ bảo trợ, người có công, trẻ em, người nghỉ hưu…
“Gần đây sau dịch bùng phát chúng ta ban hành khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Hầu hết các chính sách mang tính tức thời. Do đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH rất quyết liệt chỉ đạo ngành lao động chúng tôi, cùng nhiều ngành làm ngày làm đêm để ban hành các chính sách này”, ông Dung nói.
Bộ trưởng khẳng định, cho đến nay cơ bản các chính sách này đi vào cuộc sống. Đến giờ này giải ngân 60.000 tỷ đồng với 40 triệu lượt người và 500.000 người sử dụng lao động. Việc hỗ trợ đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện có một số chuyện như do giãn cách, số người hưởng lớn, khâu thực hiện còn điều này điều kia, có khuyết điểm như một số trường hợp còn chậm nhận, có phát nhầm… Không những vậy, các địa phương ban hành nhiều chính sách, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
14h45
ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) chất vấn về chế độ lương hưu với người nghỉ trước năm 1995 đến nay, tuổi cao hưởng lương hưu thấp, cuộc sống khó khăn, nhất là chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. “Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?”, ĐB hỏi.
Ngoài ra, ĐB Hương cũng yêu cầu Bộ trưởng giải thích về thông tin một tỉnh có 22.000 trường hợp phát và nhận nhầm từ gói hỗ trợ. ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cùng đặt câu hỏi về các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. “Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự tiếp nhận, tiếp cận từ các gói này?”, ĐB chất vấn.
14h37
Hơn 2.500 trẻ mồ côi vì đại dịch Covid-19
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời 3 ĐB đầu tiên:
Về vấn đề trẻ em, Bộ trưởng cho biết tại Việt Nam đến nay có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó 81 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bộ đã chủ động ban hành các chính sách, trong đó đã thay thế bằng Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2021 quy định bảo trợ trẻ em, mồ côi.
Tham khảo mức hỗ trợ chung chăm sóc trẻ em mồ côi so với thế giới thì khoảng 1,1-1,8 triệu đồng. Tại Việt Nam, trẻ mồ côi dưới 4 tuổi có người thân chăm sóc, mức hỗ trợ cũng đạt 1,8 triệu đồng. Với hơn 2.000 các cháu mồ côi, ngoài chính sách, các tổ chức chính trị xã hội vận động hỗ trợ tương đối tốt.
Qũy bảo trợ trẻ em VN quyết định tất cả các cháu mồ côi được hỗ trợ 5 triệu đồng, riêng mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.
Phương châm là vận động để tới nay các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu, trường hợp không còn người thân thì lo tìm cha mẹ cho các cháu. 81 cháu đều đang sống với người thân.
Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trường hợp xấu nhất mới tính đến phương án sau cùng là đưa các cháu mồ côi vì Covid-19 vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
3 kịch bản về lao động
Bộ trưởng thừa nhận đại dịch tác động mạnh đến lực lượng lao động, dẫn đến thiếu hụt. Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO) đại dịch gây ra khoảng trống về việc làm cho 205 triệu lao động. Cho nên việc đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình để học sinh học nghề ngay năm thứ 2, được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng là đơn vị trước hết cần tham gia việc đào tạo người lao động, là trường học thứ 2.
Vấn đề lao động gián đoạn, Bộ trưởng nêu giải pháp điều tiết để giảm thiểu tác động. Bộ LĐTB&XH đã xây dựng 3 kịch bản, theo đó, giữ chân lao động, thu hút lao động, giải pháp cuối cùng điều tiết lao động.
“Chúng tôi tính toán kịch bản xấu nhất thì phải sử dụng sinh viên trường nghề để thực hiện 3 mô hình; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng để có thể sử dụng bộ phận thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở một số công việc đặc thù, địa phương cần gấp ngay”- ông Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, văn nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật do công việc gần như phải dừng hoàn toàn trong dịch. Bộ trưởng xác nhận, đây là đối tượng cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trong quá trình thực hiện có 1 địa phương khi xét 33 trường hợp thì có 3 đối tượng có cuộc sống khá hơn, được dư luận xã hội quan tâm. Khi rà soát thì bỏ rơi yếu tố cuộc sống khó khăn nên dư luận không đồng tình.
Đến nay, có gần 2.000 trường hợp khó khăn, chính sách đã triển khai hỗ trợ được đến 1.900 người, số còn lại sẽ tiếp tục đốc thúc giải quyết chế độ. Qua khảo sát thực tế thấy thực sự khó khăn. Ông Dung nói: “Chúng tôi khẳng định chính sách là đúng tuy nhiên, khi thực hiện có thể còn điều này, điều kia”.
Xây dựng sàn an sinh thật tốt với người lao động
Bộ trưởng cũng đề cập báo cáo 117 giải trình các vấn đề đề ra cho phiên chất vấn, trong đó có giải pháp dành cho cả người lao động về quê, không trở lại thành phố và người lao động quay trở lại các trọng điểm sản xuất công nghiệp.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc xây dựng sàn an sinh thật tốt với người lao động; việc làm, nơi ăn ở, chỗ gửi con cái và biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động bằng cách tiêm vắc xin.
Ông Dung cũng khẳng định, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khối ASEAN về chính sách đảm bảo an sinh, dù điều kiện đất nước còn không ít khó khăn. Với tinh thần đó, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng đề án về chính sách đảm bảo an sinh xã hội cụ thể với từng đối tượng như người có công, người nghèo, người khuyết tật… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
14h35
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu vấn đề đại dịch khiến một số lượng lớn trẻ em ở TP.HCM trở thành mồ côi, gây áp lực và gánh nặng cho các tỉnh, thành phố. Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để công tác bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng trẻ mồ côi được tốt.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nêu câu hỏi: Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, trong đó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Một bộ phận cử tri băn khoăn với việc hỗ trợ nghệ sĩ, vì dư luận không đồng tình khi trong số họ có thu nhập cao. Bộ trưởng cho biết ý kiến?
ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề cập Covid-19 đã tạo nên khủng hoảng xã hội, lao động, việc làm. Người dân về quê sau dịch dẫn đến thực trạng thiếu hụt lao động ở các vùng trọng điểm công nghiệp, cách nào để giải quyết thiếu hụt nguồn lao động
14h30
Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Mở đầu ông Dung cho biết, thời gian qua ĐBQH đã gửi đến bộ nhiều chất vấn, yêu cầu. Trong thẩm quyền Bộ đã trả lời, giải đáp và cố gắng ở mức cao nhất thực hiện hiệu quả công việc, từng bước nâng cao chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực xã hội...
Nhiều lĩnh vực công việc của Bộ được chủ động thực hiện nhưng có nhiều công việc mang tính phối hợp, phụ thuộc kết quả triển khai của các bộ ngành, địa phương.
Đại dịch Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm. Tình trạng thâm hụt việc làm, bất bình đẳng đã khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn,...
2 năm qua đến nay, các gói hỗ trợ, an sinh của Quốc hội, Chính phủ cũng như các địa phương ban hành đã góp phần giúp những đối tượng khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề an sinh, dân sinh hiện đang có nhiều hệ lụy do dịch bệnh để lại mà cần thời gian đủ dài, chính sách đủ rộng để có thể giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội thông báo có 41 ĐBQH đăng ký chất vấn.
Hương Quỳnh - Trần Thường - Thu Hằng
Xem tường thuật phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long:
Bộ Y tế nhận trách nhiệm về việc mua vắc xin muộn
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận Việt Nam tiếp cận vắc xin sớm nhưng mua muộn, vì nhiều lý do.