- “Tuy không cho thành lập báo chí tư nhân nhưng có hàng ngàn ấn phẩm báo chí của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp đại diện cho người dân đủ sức thực hiện quyền tự do ngôn luận” - Phó chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM nói.

Trao đổi với VietNamNet góp ý cho dự thảo luật Báo chí sửa đổi đang được QH cho ý kiến tại kỳ họp, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đánh giá quy định tiến bộ của luật về việc công dân có quyền tham gia giám sát, phản biện trên báo chí.

{keywords}

ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang. Ảnh: Thu Hằng

“Lâu nay người dân đã giám sát phản biện trên báo chí nhưng có thể chưa nhiều. Một khi chúng ta quy định trong luật rồi, người dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về quyền của mình để thực thi quyền ấy trong thực tiễn cuộc sống. Đó là điều rất có ý nghĩa trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân” - bà Trang nhấn mạnh.

ĐB TP.HCM cũng nhấn mạnh, lâu nay báo chí mong muốn nhận được nhiều ý kiến giám sát, phản biện của người dân nhưng vì pháp luật chưa quy định nên người dân có thể còn e dè.

Với quy định của luật lần này, người dân thấy rõ quyền của mình để mạnh dạn tham gia giám sát, phản biện trên báo chí, tạo ra những tác động tích cực hơn nữa.

Ý thức giới hạn trong không gian mạng

Dự thảo luật lần này điều chỉnh cả những tổ chức, cá nhân đưa các thông tin có nội dung vi phạm điều cấm của dự thảo luật này lên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, đánh giá của bà?

Việc có nhiều người đưa những thông tin ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác lên mạng xã hội và trang tin điện tử lâu nay đã diễn ra. Trong nhiều trường hợp, điều này đã gây ra tác hại mà điển hình nhất là vụ việc nữ sinh 15 tuổi tự tử vì bị đưa ảnh nhạy cảm lên Facebook.

Do đó, việc dự luật đưa ra quy định như vậy là cần thiết và phù hợp. Từ quy định này, chúng ta kết hợp tuyên truyền, những người tham gia mạng xã hội biết được giới hạn của mình để họ tự điều chỉnh hành vi của mình.

Tuy nhiên, tôi có băn khoăn về tính khả thi của quy định. Làm thế nào để biết được nguồn gốc của thông tin đăng trên mạng xã hội? Một thông tin khi đăng trên báo vi phạm luật, các cơ quan nhà nước có thể yêu cầu gỡ nhưng nếu thông tin này được phát tán trên mạng xã hội, các cơ quan nhà nước làm sao biết được để yêu cầu gỡ bỏ?

Tự do báo chí, tự do ngôn luận

Một trong những yêu cầu của Hiến pháp 2013 là đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Bà thấy dự luật đề cập đến việc này ra sao?

Dự thảo luật đã cố gắng thể hiện nguyên tắc của Hiến pháp 2013 qua việc dành một chương riêng về quyền tự do báo chí, và tự do ngôn luận của công dân trên báo chí.

Điển hình như dân có quyền tham gia hoạt động báo chí, có quyền biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện trên báo chí, công dân có quyền phát biểu ý kiến trên báo chí về tình hình đất nước và thế giới, có quyền gửi thông tin, tác phẩm cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt tổ chức, cá nhân nào.

Tôi thấy như vậy là phù hợp với điều kiện, tình hình chính trị, xã hội của nước ta hiện nay.

Có ý kiến lo không cho phép thành lập báo chí tư nhân như quy định trong luật thì ảnh hưởng đảm bảo tự do báo chí, ngôn luận. Hiểu thế có đầy đủ, theo bà?

Tuy không cho phép thành lập báo chí tư nhân nhưng hiện chúng ta có hàng ngàn ấn phẩm báo chí của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội hội nghề nghiệp đại diện cho người dân đủ sức là diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Với thực tế như vậy không có vướng mắc gì trong việc thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân.

Giao quyền tự chủ mạnh

Ở góc độ là một nhà báo, nhìn tổng thể dự luật Báo chí lần này, bà thấy đường hướng phát triển của báo chí sắp tới ra sao?

Dự luật lần này đã đưa ra những quy định cụ thể hơn, xây dựng hành lang pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí rõ ràng hơn như những thông tin cấm đăng tải và những hành vi bị cấm…

Tuy nhiên để báo chí phát triển hơn cũng cần rà soát lại các thủ tục hành chính về quản lý hoạt động báo chí đơn giản hơn. Một số thủ tục còn rườm rà như cấp phép phụ trương, họp báo, thủ tục thành lập cơ quan đại diện...

Đồng thời cần giao quyền tự chủ mạnh hơn cho các cơ quan báo chí cùng với việc tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan báo chí. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho báo chí theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực và địa phương đặc thù.

Cơ chế tài chính cũng có thể thông qua cơ chế đặt hàng truyền thông những lĩnh vực cần thiết phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Thu Hằng