- Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây 2 đập thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là vi phạm luật và gây nhiều hệ lụy về môi trường và đa dạng sinh học.

Vi phạm luật

Theo GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thì các luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản… đều nêu rõ các khu bảo tồn, rừng quốc gia do Chính phủ thành lập, Quốc hội thông qua thì không được phép xây dựng những công trình như nhà máy thủy điện.

{keywords}
Vị trí Công ty 30-4 dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện tại khu bảo tồn Kon Chư Răng, Gia Lai.

Vì vậy ngoại trừ những trường hợp liên quan tới quốc phòng, an ninh là "bất khả kháng", còn lại cần phải hạn chế việc phá rừng quốc gia hay khu bảo tồn để xây dựng các công trình thủy điện hay đường giao thông, GS Huỳnh cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, về mặt pháp lý, khu bảo tồn phải được bảo vệ nghiêm ngặt và không được phép thay đổi cảnh quan, chuyển đổi mục đích sử dụng.

"Tất cả những gì làm thay đổi, gây xáo trộn trong khu bảo tồn là không được phép", TS Tuấn nói.

Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ, Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi với Biến đổi Khí hậu, cho rằng, các khu bảo tồn hầu hết là rừng nguyên sinh và rừng đặc dụng. Việc lập các khu bảo tồn hay rừng quốc gia là để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Do đó, việc xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn chính là phá rừng, dù ít hay nhiều và điều này là vi phạm luật.

"Không ai lại xông vào rừng cấm để làm thủy điện! Chúng ta đã có những bài học trước đây về các công trình thủy điện ở vườn quốc gia Chư Yang Sin hay Yok Đôn rồi", TS Tứ cho hay.

Trước đó, Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai trình UBND tỉnh Gia Lai xin chủ trương xây thêm hai đập thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn Kon Chư Răng.

Theo đó, hai nhà máy thủy điện sẽ đặt trên dòng suối đi qua khu bảo tồn với tổng công suất là 40MW. Qua tính toán sơ bộ, để xây dựng 2 nhà máy thủy điện này, Công ty 30-4 sẽ lấy đi khoảng 25ha rừng, trong đó có 6,1ha là rừng đặc dụng.

Đổi lại, nếu được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai, Công ty 30-4 sẽ đầu tư khoảng 1.200 tỉ để xây dựng 2 nhà máy. Và theo dự kiến doanh thu mỗi năm từ 2 nhà máy sẽ đạt 160 tỉ, nộp thuế vào ngân sách địa phương mỗi năm 25 tỉ đồng.

Nhiều hệ lụy

Không chỉ vi phạm luật, các nhà khoa học cũng cho rằng, việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện với công suất 40MW giữa khu bảo tồn sẽ để lại nhiều hệ lụy.

{keywords}
Việc xây dựng đập thủy điện sẽ gây nhiều hệ lụy đối với hệ sinh thái đa dạng và phong phú vốn có của khu bảo tồn Kon Chư Răng.

GS Đặng Huy Huỳnh, người đầu tiên đề nghị thành lập khu bảo tồn Kon Chư Răng cho biết, đa dạng sinh học trong khu bảo tồn này rất cao với các quần thể vượn, nai, bò tót quý hiếm. Việc xây nhà máy thủy điện sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các quần thể này, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Theo GS Huỳnh, nếu như UBND tỉnh Gia Lai đồng ý để Công ty 30-4 xây dựng 2 nhà máy thủy điện tại khu bảo tồn Kon Chư Răng sẽ tạo ra tiền lệ xấu. "Không thể mỗi lần thấy thủy điện hay công trình giao thông có lợi lại phá rừng quốc gia, khu bảo tồn để xây được", GS Huỳnh khẳng định.

Ở góc độ khác, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, rừng ở khu vực Tây Nguyên có tác dụng điều hòa nguồn nước đang bị thu hẹp trong những năm gần đây. Hiện nay, nguồn nước ở khu vực này càng lúc càng khô hạn cũng vì lý do này. Do đó, nếu cho xây dựng các công trình thủy điện, tiếp tục phá rừng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn nước của toàn vùng.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đào Trọng Tứ cho rằng, rừng quốc gia, khu bảo tồn tại Việt Nam càng ngày càng ít đi. Trong khi đó, tình trạng hạn hán Tây Nguyên ngoài nguyên nhân khí tượng còn là do các hồ chứa của đập thủy điện. Nay lại phá rừng trong khu bảo tồn để xây nhà máy thủy điện là điều không hợp lý chút nào.

"Thủy điện bên ngoài đã làm hư hỏng rừng và gây cạn kiệt, khô hạn cho hạ lưu, nay lại đưa đập thủy điện đặt vào giữa rừng. Hai nhà máy với công suất 40MW không phải là nhỏ, phải làm đường vào, làm đường dây tải điện do đó nói không ảnh hưởng rừng đến làm sao được?", TS Tứ nói.

Ngoài ra, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, việc xây dựng các tuyến đường vào khu vực xây dựng 2 nhà máy, đưa người vào xây dựng, làm việc sẽ gây ra tình hình lộn xộn, khó quản lý đồng thời dễ tạo điều kiện cho lâm tặc phá rừng.

"Những người dân ở trong phạm vi khu bảo tồn còn đang tìm cách để đưa ra ở những vùng đệm tránh gây ảnh hưởng. Nay lại đưa người công trình thủy điện vào vùng lõi của rừng. Vậy ban quản lý thủy điện sẽ làm luôn công tác quản lý khu bảo tồn?", TS Tứ đặt vấn đề.

Theo TS Lê Anh Tuấn, ở khu vực Tây Nguyên đã có quá nhiều bài học về thủy điện, trong đó có những công trình được gọi là "sai lầm thế kỷ", do vậy, cần phải cân nhắc thật kỹ càng để xem có nên lặp lại những sai lầm này ở một nơi khác, đặc biệt là trong một khu bảo tồn hay không.

"Một khi đã sai lầm thì khó sửa lắm. Rừng bị phá rồi thì có thể mất cả trăm năm mới có thể khôi phục lại được", TS Tuấn nói.

Phá 53ha rừng ở rừng quốc gia Yok Đôn làm thủy điện

Ngoài hai nhà máy thủy điện Sông Say 1 và 2 tại khu bảo tồn Kon Chư Răng, một dự án nhà máy thủy điện khác là Đrăng Phốk cũng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt cho phép xây dựng ngay trong khu vực rừng quốc gia Yok Đôn.

Dự kiến, diện tích rừng đặc dụng phải chuyển đổi làm NMTĐ này khoảng 63 ha, trong đó diện tích chuyển đổi vĩnh viễn khoảng 53ha (trải dài theo 9km bờ sông Srêpốk) và diện tích chuyển đổi tạm thời 10ha.

Mặc dù chủ đầu tư khẳng định khu vực xây dựng dự án là khu vực "rừng nghèo" (?) việc xây dựng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới VQG Yok Đôn song nhiều chuyên gia cho rằng, việc phá rừng quốc gia để xây dựng thủy điện sẽ gây ảnh hưởng nghiệm trọng tới môi trường và đa dạng sinh học, nhất là với diện tích rừng bị phá lớn như dự án thủy điện Đrăng Phốk.

Quy định luật về bảo vệ rừng và đa dạng sinh học

-Khoản 16, điều 3 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nêu rõ: ‘’Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng’’.

-Khoản 2 và khoản 9 điều 7, Luật Đa dạng sinh học nêu rõ những hành vi cấm về đa dạng sinh học trong đó có: "Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh" và "Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn".

Lê Văn