Mỗi dịp đầu năm học, vai trò của Ban đại diện phụ huynh luôn trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cha mẹ học sinh và giáo viên. Liệu Ban phụ huynh có thực sự đại diện cho tiếng nói của phụ huynh và làm đúng vai trò, nhiệm vụ của mình?
Diễn đàn Vai trò của Ban đại diện phụ huynh trong nhà trường do chuyên mục Giáo dục của VietNamNet mong muốn lắng nghe ý kiến, chia sẻ và đóng góp từ chính các bậc phụ huynh, giáo viên và những ai quan tâm tới nền giáo dục nước nhà để xây dựng giải pháp thực tiễn cho vấn đề này.
Bài viết dưới đây là ý kiến của một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ với diễn đàn.
Là một phụ huynh có con 2 con, một cháu lớp 10, một cháu lớp 3, tôi đã tham gia nhiều cuộc họp phụ huynh qua các năm học, và cảm nhận áp lực từ việc đóng góp quỹ lớp ngày càng phức tạp và nặng nề.
Thực tế, tôi đã nhiều lần chứng kiến những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả - giữ vai trò trong ban phụ huynh - chi phối các hoạt động lớp học. Họ thường hô hào đóng góp nhiều, thậm chí sẵn sàng chi mạnh tay cho các hoạt động của lớp, trong khi nhiều phụ huynh khác, gồm cả tôi, cảm thấy bị đẩy vào thế khó xử. Câu chuyện đóng góp quỹ lớp giờ đây không chỉ đơn thuần là để phục vụ các hoạt động học tập, mà còn trở thành một công cụ để thể hiện địa vị của một số ít người.
Áp lực từ phụ huynh giàu có
Tôi nhớ mấy năm trước, khi đi họp cho con gái lớp 1 và ngồi cạnh một chị phụ huynh trông có vẻ sang chảnh, tôi nghe chị tâm sự rằng mỗi tháng "bồi dưỡng" cho cô 500.000 đồng để cô quan tâm con hơn cho bé mau thích ứng, đi học thấy vui.
Một lúc sau, trong cuộc họp, khi cô giáo gợi ý lập quỹ khuyến học để khen thưởng, động viên các con mỗi tháng và kêu gọi mỗi cha mẹ đóng góp 50.000 - 100.000 đồng/kỳ, chị này hô “đóng hẳn 200.000 đồng cho thoải mái” và nộp luôn tiền tươi. Cuối buổi họp hôm đó, chị được bầu làm hội trưởng hội phụ huynh và cả năm học ấy chị luôn nhiệt tình hô hào đóng góp mỗi khi trường phát động phong trào hay hoạt động nào.
Còn năm ngoái, khi con trai tôi học lớp 9, quỹ lớp chính thức là 600.000 đồng/học kỳ, nhưng trong năm có nhiều khoản phát sinh liên tục và hầu hết đều xuất phát từ ý kiến của hội trưởng hội phụ huynh - một người khá giả và luôn muốn tạo “những trải nghiệm khó quên” cho các con.
Đầu năm, khi một số mẹ bàn việc cho các con chụp ảnh kỷ yếu sớm để yên tâm ôn thi, chị trưởng ban hăng hái đề xuất kinh phí, nhóm chụp ảnh chuyên nghiệp với đầy đủ trang phục, phụ kiện… Cộng thêm khoản thuê xe đưa các con đến hai địa điểm chụp là công viên và Văn Miếu Quốc Tử Giám, chưa kể một số phụ huynh thuê người trang điểm cho con, rửa ảnh, tổng chi phí cho “vụ” này mỗi gia đình phải bỏ ra cả hơn triệu đồng.
Tôi thật sự băn khoăn, bởi không phải nhà nào cũng có điều kiện để chi một khoản lớn như vậy chỉ để chụp vài bức ảnh. Nếu từ chối tham gia, con tôi sẽ bị lạc lõng giữa các bạn, nên bố mẹ vẫn phải "cắn răng".
Sang học kỳ 2, khi các con bắt đầu bước vào giai đoạn ôn nước rút cho kỳ thi vào lớp 10, hội trưởng phụ huynh tiếp tục đề xuất các bố mẹ chi một khoản để mua trà sữa và nước mát hàng ngày cho cô giáo và các con sau giờ học căng thẳng, nắng nôi. Chưa kịp để mọi người ý kiến, vị này chuyển một triệu cho thủ quỹ và đăng ảnh chụp màn hình luôn để khích lệ việc đóng quỹ, đồng thời nói khoản này tự nguyện, ai muốn đóng bao nhiêu cũng được, thiếu thì chị sẽ bù, thừa cuối năm các con liên hoan.
Bản thân tôi không thích cho con uống trà sữa hay những thứ gọi là nước mát vốn toàn đá và đường, lại không biết có đảm bảo an toàn vệ sinh. Mỗi ngày, tôi đã chuẩn bị sẵn cho con một hộp sữa hoặc sinh tố mang theo. Thế nhưng không góp vào quỹ vì hơi “muối mặt” vì mỗi chiều các mẹ sẽ đếm sĩ số trong lớp để đặt nước cho tất cả vì không muốn “bất cứ con nào bị bỏ lại”.
Tôi thực sự thấy bức xúc vì những hoạt động như thế này không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng lại được một số phụ huynh có điều kiện kinh tế kêu gọi như một cách “vì con em chúng ta”.
Không chỉ gia đình tôi, nhiều phụ huynh khác cũng cảm thấy áp lực từ những khoản đóng góp này. Chị Hằng, một phụ huynh có con cùng lớp với bé lớn nhà tôi, chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần cảm thấy không thoải mái khi nghe những đề xuất từ hội trưởng. Gia đình tôi không có điều kiện, hai vợ chồng làm công ăn lương nuôi 3 đứa con tuổi đi học, mỗi lần đóng góp là một gánh nặng. Nhưng nếu từ chối, tôi lại sợ con bị bạn bè xì xào”.
Một anh hàng xóm từng than thở với tôi chuyện con đi học về tấm tức bảo: “Bố làm con xấu hổ. Hôm nay trên lớp chúng nó kháo nhau chuyện bố phản đối khoản đóng tiền hội thi trung thu trên nhóm Zalo phụ huynh, khiến bố cái Bình phải đóng thay”. Người hàng xóm nói anh không đồng tình khi ban phụ huynh bày vẽ quá nhiều thứ đồ trang trí chỉ dùng một lần rồi bỏ, dự chi cả vài triệu cho dịp trung thu. Nhưng khi nhìn những giọt nước mắt của con, anh không biết mình có làm đúng.
Cần sự thay đổi
Những câu chuyện như của gia đình tôi, chị Hằng hay anh hàng xóm chỉ là một phần nhỏ của bức tranh lớn hơn về sự chi phối của những phụ huynh giàu có trong lớp học. Khi một số ít người sẵn sàng chi tiêu mạnh tay, họ tạo ra những chuẩn mực vô hình về đóng góp, khiến những phụ huynh khác cảm thấy áp lực hoặc bị đặt vào tình huống khó xử.
Việc một số phụ huynh đóng góp nhiều hơn không chỉ tạo ra sự chênh lệch về vật chất, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các con. Một môi trường học tập lành mạnh nên dựa trên sự bình đẳng, không phải là nơi để các con so sánh nhau về những gì cha mẹ mình đóng góp. Nếu không kiểm soát, điều này có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt cho sự phát triển nhân cách và tâm lý của trẻ.
Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn nghiêm túc về việc quản lý quỹ lớp và các khoản đóng góp trong trường học. Quỹ lớp nên dựa trên sự tự nguyện và phải phù hợp với điều kiện của đa số phụ huynh. Những khoản đóng góp quá lớn, không cần thiết chỉ làm gia tăng áp lực và tạo ra sự phân biệt giữa học sinh. Điều này đi ngược lại với mục tiêu giáo dục toàn diện và bình đẳng mà nhà trường hướng tới.
Tôi thực sự mong rằng, hội phụ huynh sẽ có sự thay đổi trong cách quản lý quỹ lớp, làm rõ các quy định, để mọi phụ huynh đều cảm thấy thoải mái khi đóng góp, không bị áp lực tài chính. Chúng ta cần tạo ra một môi trường học tập công bằng cho tất cả các con, không phải là nơi để thể hiện địa vị hay quyền lực qua việc chi tiền của cha mẹ.
Lê Bình (Hà Nội)
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email:
[email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
Cứ đầu mỗi năm học, trước những phản ánh tình trạng lạm thu tại các địa phương, nhiều phụ huynh thắc mắc Ban đại diện cha mẹ học sinh được và không được quyên góp các khoản tiền gì?
"Khi các con ra trường, dù đã thống nhất phương án thanh lý điều hòa để có quỹ liên hoan cho các con, vẫn có phụ huynh chỉ trích tôi là ‘của người phúc ta’, lấy tài sản chung của lớp để lấy lòng ban giám hiệu”, chị Dung kể lại.