- Một bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần đã bị CQĐT công an huyện Nam Sách (Hải Dương) bắt giữ khẩn cấp, bị khởi tố tội danh “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Hơn 5 năm qua, người này đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng mong được minh oan.

Bị bắt vì nghe điện thoại

Vụ việc xảy ra ngày 9/7/2010. Lực lượng liên ngành (do UBND huyện Kinh Môn thành lập) tiến hành xử phạt tàu hút cát trái phép trên sông Kinh Thầy do ông Nguyễn Đức Diệp (SN 1952) là chủ tàu mang BKS HD 0639 điều khiển.

Cán bộ của đoàn liên ngành trực tiếp xử lý tàu vi phạm là anh Phạm Văn Cơ (cán bộ hạt giao thông huyện Kinh Môn) và Tống Văn Chiến (công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện được điều động).

{keywords}

Hiện trường xảy ra vụ việc bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên đoạn sông Kinh Thầy, giáp ranh hai huyện Nam Sách - Kinh Môn.

Anh Cơ yêu cầu chủ tàu điều khiển phương tiện về bến phà Mây để xử lý. Khi tới phà Mây, vì không có chỗ đỗ tàu, anh Cơ yêu cầu ông Diệp cho tàu quay lại hướng đò Vạn (một điểm tập kết tàu vi phạm khác của đội liên ngành để chờ xử lý). Chạy được một đoạn thì tàu chết máy (tại vị trí thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, Hải Dương).

Lúc này, anh Cơ nói với chủ tàu là phải bỏ tiền để thuê kéo tàu về điểm tập kết. Mức tiền thuê kéo tàu là 5 triệu đồng. Khi chủ tàu vừa đưa số tiền này cho lực lượng liên ngành (huyện Kinh Môn), lực lượng công an huyện Nam Sách có sự tham gia của công an xã Cộng Hòa đã ập đến lập biên bản về tội danh “lạm dụng quyền hạn, chức vụ chiếm đoạt tài sản”.

Tại hiện trường lúc đó có Phạm Hải Ninh vừa điều khiển đò từ trong bờ chạy ra tàu với mục đích đưa anh Cơ, Chiến vào bờ. Ninh cũng cầm giúp Cơ số tiền 5 triệu đồng do ông Diệp vừa giao.

CQĐT Công an huyện Nam Sách sau đó đã khởi tố, truy tố Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh với tội danh “lạm quyền trong thi hành công vụ”. Tòa sơ thẩm (TAND huyện Nam Sách) ngày 16/4/2014 đã tuyên Phạm Văn Cơ mức án 18 tháng tù giam; Phạm Hải Ninh 15 tháng tù giam kèm hình phạt bổ sung mỗi bị cáo nộp 3 triệu đồng.

Phạm Văn Cơ kháng cáo. Tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Hải Dương) ngày 13/8/2014 chấp nhận một phần kháng án của Phạm Văn Cơ, tuyên Cơ mức án 4 tháng 23 ngày tù khấu trừ luôn vào thời gian bị cáo bị tạm giữ, tạm giam. Phạm Văn Cơ được thả tại tòa.

Tuy nhiên, người không có mặt ở thời điểm xảy ra vụ việc là anh Phạm Văn Tình (SN 1972, trú tại thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương) cũng vướng vòng lao lý vì … trả lời điện thoại của Phạm Văn Cơ!

Theo kết luận điều tra ngày 2/12/2010 của CQĐT Công an huyện Nam Sách, Phạm Văn Tình là người đã điều hành, chỉ đạo Cơ, Chiến, Ninh bằng điện thoại để chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng từ chủ tàu vi phạm.

Đêm 9/7/2010, cơ quan công an Hải Dương đã tổ chức bắt khẩn cấp anh Tình tại nhà riêng. Hai ngày sau, 11/7/2010, thông báo “bắt người trong tình trạng khẩn cấp” được CQĐT công an huyện Nam Sách gửi tới cho chị Cao Thị Thanh (vợ anh Tình). Ngày 21/7/2010, CQĐT ra thông báo “tạm giam bị can” đối với anh Tình.

Tuy nhiên, thời điểm bị bắt khẩn cấp anh Tình vừa được ra viện để về nhà điều trị ngoại trú bệnh … tâm thần!

Ba lần thay đổi kết luận điều tra

Kết luận điều tra lần 1 (ngày 2/12/2010), CQĐT công an huyện Nam Sách xác định Phạm Văn Tình là người được giao phụ trách điều động, quản lý người của công ty Đông Hải 27/7 trong phối hợp với đội liên ngành của huyện Kinh Môn để kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, bơm hút cát sỏi lòng sông năm 2010 trên địa bàn huyện Kinh Môn, có vai trò ngang với đội kiểm tra liên ngành.

Ngày 9/7, do sức khỏe không tốt (điều trị căn bệnh đau đầu mạch máu từ ngày 1/7/2010 đến ngày 6/7/2010) nên Phạm Văn Tình không trực tiếp đi làm cùng đội liên ngành. Tuy nhiên, Phạm Văn Tình đã điều hành công việc bằng điện thoại di động đến các thành viên trong đội.

{keywords}

Anh Phạm Văn Tình.

Lợi dụng hoạt động của đội trong việc kiểm tra, bắt giữ tàu hút cát trái phép của ông Diệp, sau khi được Phạm Văn Cơ điện thoại đề xuất về hình thức và mức tiền phạt, Tình đã đồng ý và yêu cầu thu đủ 5 triệu đồng với mục đích để bồi dưỡng, chi phí cho việc kiểm tra cũng như cho người đi làm.

Phạm Văn Cơ được kết luận là “chủ động yêu cầu chủ tàu nộp phạt tại chỗ, là người tích cực trong việc thực hiện tội phạm”; Phạm Hải Ninh (công nhân công ty Đông Hải 27/7 – người điều khiển đò máy ra tàu HD 0639 để đưa Cơ, Chiến vào bờ và cầm giúp Cơ số tiền 5 triệu đồng) đã có những lời nói đe dọa tích cực giúp sức cho Phạm Văn Cơ trong thực hiện hành vi phạm tội. Trước đó, Ninh đã có tiền án tiền sự nên được kết luận là trường hợp tái phạm nguy hiểm.

Tại kết luận lần 1, Công an huyện Nam Sách đề nghị khởi tố ba bị can Phạm Văn Tình, Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh tội danh 'Cưỡng đoạt tài sản'.

Ngày 17/7/2010 và 21/7/2010, Viện Kiểm sát huyện Nam Sách có văn bản gửi CQĐT công an Nam Sách bổ sung tài liệu trước khi phê chuẩn; yêu cầu điều tra bổ sung trong đó có nội dung yêu cầu CQĐT làm rõ bệnh án điều trị của Phạm Văn Tình (bệnh tâm thần). Kết luận điều tra lần 2 (6/4/2011) của CQĐT huyện Nam Sách cho thấy: bị can Phạm Văn Tình thời gian tại ngoại đã được gia đình đưa đến Bệnh viện bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh điều trị bệnh chẩn đoán là động kinh có rối loạn tâm thần; sau đó anh Tình được điều trị ngoại trú theo bệnh án bệnh tâm thần; có sổ điều trị ngoại trú của bệnh viện.

CQĐT quyết định tách vụ án hình sự của bị cáo Phạm Văn Tình sang một vụ án khác, sau khi có kết quả giám định tâm thần. Bị cáo Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh được thay đổi tội danh từ “Cưỡng đoạt tài sản” thành tội danh “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Kết luận điều tra bổ sung lần 3 ngày 20/9/2011, CQĐT công an huyện Nam Sách tiếp tục tách vụ án hình sự, tách hành vi của bị can Phạm Văn Tình đề nghị xử lý sau khi có kết quả giám định; quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Phạm Văn Tình.

Hai bị cáo Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh bị đề nghị khởi tố tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Từ đó đến nay, gần 5 năm trôi qua, vụ việc đối với Phạm Văn Tình vẫn “treo lơ lửng”. Bệnh nhân điều trị tâm thần Phạm Văn Tình vẫn chung sống với tư cách “bị can” của một trong 8 vụ án điểm về tham nhũng của Hải Dương.

Điều đáng nói, Phạm Văn Tình chỉ là một công nhân đã được công ty Đông Hải 27/7 ra quyết định cho nghỉ việc để điều trị bệnh trước khi vụ việc xảy ra; không có thẩm quyền, pháp nhân trong đội liên ngành của huyện Kinh Môn. Và hơn hết, bị can này đang điều trị “bệnh động kinh có rối loạn tâm thần”.

Thái Bình

(Còn tiếp)