Đề nghị giải ngân nhanh cho doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện
Trao đổi với PV. VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, hiện có các gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Thứ nhất là cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.
Thứ hai là cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.
Nhưng trên thực tế, trước khó khăn của cả doanh nghiệp và khách hàng mua bất động sản trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, Thứ trưởng cho hay, Bộ Xây dựng đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan khơi thông điểm nghẽn về vốn.
Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng đề nghị xem xét, đề xuất phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
“Bộ Xây dựng cũng đề nghị NHNN hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ” - Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan, Bộ, ngành địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh: Về lâu dài việc triển khai dự án phải triển khai theo đúng quy định vay dự án nào phải thực hiện dự án đó tránh đầu tư dàn trải, không đúng dự án tạo sự mất cân bằng như trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tính toán trong 10 tháng đầu năm 2022, cơ cấu nguồn vốn bất động sản có 71% là tín dụng ngân hàng, trong khi đó cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 2%, vốn tự có khoảng 10%, trái phiếu doanh nghiệp 10%, vốn FDI 7%.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, thị trường địa ốc sẽ không phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ không đảm bảo được dòng tiền ổn định để duy trì hoạt động đầu tư và triển khai dự án. Những khó khăn về dòng vốn cho thị trường bất động sản trong 2 quý cuối năm 2022 là minh chứng rõ nhất.
Theo vị chuyên gia này, cấu trúc vốn các doanh nghiệp bất động sản cần phải thay đổi. Hệ thống vốn vay ngân hàng chỉ nên chiếm 50%, thay vào đó là đa dạng hoá các kênh huy động vốn, đẩy mạnh phát triển vốn từ kênh trái phiếu, cổ phiếu, dòng vốn FDI...
Ưu tiên dự án đủ pháp lý, giá cả phù hợp
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bất động sản là câu chuyện dòng tiền rất lớn, quyện rất chặt với thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, cần thúc đẩy cả thị trường tài chính và bất động sản. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo kinh doanh nhưng tránh đổ vỡ, những điểm nghẽn, những khó khăn bản thân chúng tạo ra, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Theo ông Thành, trước mắt cần tạo ra môi trường chính trị ổn định để tạo dựng lại lòng tin khi thị trường bị đổ vỡ, đóng băng. Thứ hai là minh bạch các vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính và tiền tệ. Nếu xử lý được hai vấn đề trên thì mối quan hệ giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản mới có thể về trạng thái dòng tiền dịch chuyển bình thường.
Cũng theo vị chuyên gia này, đầu tiên cần phải đảm bảo rằng các điều kiện để dòng tiền có thể tiếp sức, “bơm máu” cho các dự án bất động sản không quá ngặt nghèo.
Thứ hai, để các doanh nghiệp bất động sản thực hiện dự án tiếp tục phát hành trái phiếu, có thể là đảo nợ, có thể là triển khai dự án cho dòng tiền được tiếp tục. Thứ ba là chính sách cần tập trung để giải quyết, phát triển quan hệ cung cầu dựa trên nhu cầu thật.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, với các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2021-2022, việc thành lập Tổ công tác cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp các doanh nghiệp, địa phương xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản thời gian qua. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.