Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa có thông báo về việc thông qua nghị quyết về việc hoán đổi cổ phần với CTCP Phát triển Thương mại và dịch vụ VCM, đơn vị nắm 100% vốn tại VinCommerce (doanh nghiệp quản lý hệ thống bán lẻ Vinmart/Vinmart+).

Theo đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của công ty này, và công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm VCM (trước của Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng) và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.

Tỷ lệ của Masan và Vingroup trong công ty mới vẫn chưa được công bố tuy nhiên thông báo hồi đầu tháng 12/2019 cho biết Masan sẽ là bên nắm cổ phần chi phối cũng như quyền điều hành.

Cũng theo Nghị quyết, HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT Masan hoặc ông Danny Le, trưởng bộ phận chiến lược của Masan sẽ quyết định điều khoản và điều kiện cụ thể trong “Các Tài Liệu Giao Dịch” mà ở đây được hiểu là tất cả các tài liệu liên quan tới việc Masan ký kết, chuyển giao và thực hiện… liên quan tới giao dịch hợp nhất nói trên.

{keywords}
Khối tài sản 2,6 tỷ USD chờ tỷ phú Nguyễn Đăng Quang quyết

Như vậy, ông Quang sẽ là người quyết định giao dịch/thỏa thuận có trị giá lên tới 83,74% cổ phần của VCM, tương đương khoảng 2,6 tỷ USD nếu tính theo định giá trong giao dịch của GIC (Singapore) mua VCM trước đó.

Cụ thể, đầu tháng 9/2019, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư (cùng Credit Suise) rót 500 triệu USD để mua 16,26% cổ phần CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) - công ty mẹ sở hữu 100% vốn Vincommerce, đơn vị vận hành hệ thống khoảng 2,5 ngàn siêu thị, cửa hàng Vinmart/Vinmart+.

Thương vụ như vậy đã định giá VCM ở mức khoảng 3,07 tỷ USD.

Việc ông Quang là người quyết định một thương vụ lớn bậc nhất trong giao dịch giữa các công ty trong nước là kết quả của thương vụ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Masan của ông Quang bắt tay nhau cho một thương vụ lớn nhất lịch sử ngành bán lẻ - tiêu dùng hồi đầu tháng 12/2019.

Chưa rõ Vingroup có còn nắm cổ phần tại công ty hợp nhất hay không nhưng phía Masan kỳ vọng việc hợp nhất VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sẽ tạo nên sự cộng hưởng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và khẳng định chỗ đứng của thương hiệu nội địa.

Thương vụ hợp tác giữa Masan và Vingroup được xem là một cú huých giúp sức mạnh của các ông lớn bán lẻ của Việt Nam tăng lên đáng kể, trước làn sóng xâm nhập lớn chưa từng có của các NĐT nước ngoài.

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng.

Cuối tháng 12 vừa qua, CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer (MCH) của ông Quang cũng đã chào mua 60% cổ phần CTCP Bột giặt Net (NET) nhằm mở rộng danh mục hàng tiêu dùng, lấn sân vào mảng Chăm sóc cá nhân & gia đình nhưng quan trọng hơn.

Cũng ngay trước đó, Masan Group cũng tiết lộ kế hoạch huy động 10 ngàn tỷ đồng trái phiếu để bổ sung vốn cho các công ty con, trong đó 5 ngàn tỷ góp thêm vào vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm nhìn Masan, 3 ngàn tỷ cho Masan Comsumer Holdings và 1 ngàn tỷ cho MNS Meat Hà Nam và 1 ngàn tỷ để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 2/1 chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Nhóm cổ phiếu họ Vingroup và Masan vẫn chưa thoát áp lực bán ra. Đa số các cổ phiếu ngân hàng tăng nnhej.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.

Theo VDS, thị trường ngày cuối năm kết thúc khá ảm đạm khi các hoạt động kéo NAV không sôi động như những kỳ gần đây. Mức P/E khá thấp của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại sẽ là tiền đề tốt để mở ra những cơ hội mới trong năm 2020.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12, VN-Index giảm 4,04 điểm xuống 960,99 điểm; HNX-Index tăng 0,35 điểm lên 102,51 điểm. Upcom-Index tăng 0,5 điểm lên 56,56 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 3,4 ngàn tỷ đồng.

V. Hà