Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên 831.018 ha, trên 70% diện tích là đồi núi, 80,67% dân số sống ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,91% dân số toàn tỉnh; có 5 huyện, 20 xã, 01 thị trấn, 89 thôn biên giới. Giai đoạn 2017-2020, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt 38 xã khu vực I, 63 xã khu vực II, 125 xã khu vực III và 141 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II. Giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt 199 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 88 xã khu vực III, 08 xã khu vực II, 103 xã khu vực I và 94 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II. So với giai đoạn trước, địa bàn tỉnh tăng 63 xã khu vực I, giảm 55 xã khu vực II, giảm 37 xã khu vực III và giảm 47 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II.
Thực tiễn cho thấy khi xây dựng nông thôn mới, các xã vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có điểm xuất phát thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn trong khi nguồn ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu; tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; việc vận động Nhân dân đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, thay đổi nếp sống, phong tục lạc hậu, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ðể khắc phục những hạn chế đó, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo toàn diện, quyết liệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm chỉ đạo xây dựng chính sách và giải pháp hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các vùng dân tộc thiểu số, các thôn, bản ở địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới nhằm giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Hệ thống điện nông thôn được nâng cấp, mở rộng, đưa điện lưới Quốc gia đến các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống nông dân. Đến nay 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nông thôn có điện đạt 98,43%, tỷ lệ thôn có điện đạt 98,31%.
Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc dân tộc thiểu số, vùng khó khăn cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả sau học nghề có trên 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất; có trên 80% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình.
Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vay vốn cũng được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tạo việc làm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh. Vốn tín dụng chính sách xã hội cũng có tác động trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới.
Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn, trong đó đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào dân tộc thiểu số ít người có dân số dưới 10% dân số toàn tỉnh, là hộ nghèo, có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III), Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 15.065 lượt hộ trên địa bàn của 07 huyện (Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Tràng Định, Đình Lập, Bắc Sơn, Bình Gia) với tổng kinh phí hỗ trợ là 31.286 triệu đồng; nội dung hỗ trợ là mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi. Qua 4 năm thực hiện chính sách đã giúp cho các hộ thụ hưởng giảm bớt được khó khăn trong sản xuất, phần nào ổn định đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế tỉnh Lạng Sơn cũng đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chính sách ưu tiên về giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Các chính sách giáo dục đã và đang phát huy tác dụng, giúp hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Các chỉ số về công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên; toàn tỉnh có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, 98 trường phổ thông dân tộc bán trú và 182 trường phổ thông có học sinh bán trú, số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú chiếm 5,9% (6,6% ở cấp THCS và 4,5% ở cấp THPT), tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục tăng; 13,4% số trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia thuộc xã vùng III; 11/11 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT cơ bản ổn định trong giai đoạn vừa qua.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho các trường vùng dân tộc thiểu số được quan tâm bổ sung hằng năm. Công tác kiên cố hoá trường lớp học được chú trọng; chế độ chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, biệt phái giáo viên khá, giỏi đến giúp đỡ giáo viên và học sinh vùng khó khăn, tạo điều kiện và cơ hội để học sinh các trường vùng khó khăn được học tập với các thầy, cô giáo giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh dân tộc bán trú nói riêng và học sinh ở vùng dân tộc thiểu số nói chung.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, nhất là người dân ở vùng cao, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ ngày càng được nâng lên. Tới nay, mạng lưới khám chữa bệnh - bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng đến cơ sở y tế xã, phường, góp phần quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng cho gia đình người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Việc thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo giúp các cơ sở điều trị thuận lợi trong việc xét miễn giảm và việc thanh toán chi phí điều trị cũng rõ ràng, khoa học, đúng đối tượng.
Trong thời gian qua tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới ổn định, không xảy ra vụ việc phức tạp; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được củng cố và phát triển; vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy tích cực trong việc vận động, giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách pháp luật để yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, hạn chế di cư tự do, không tin và không tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp; các lực lượng vũ trang vùng đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết dân tộc, quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc, kiên quyết chống mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu cụ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trong đó quyết tâm xây dựng được 80% số thôn, bản thuộc các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.
Thanh Bình, Đình Thành, Hà Sơn, Diệu Bình, Kiều Oanh