Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các làng dân tộc thiểu số Đê Kôn (xã H’ra), Pờ Yầu (xã Lơ Pang), Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) từng được mệnh danh là những “vùng khó”, “vùng khổ” của huyện Mang Yang.
Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Mang Yang đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh hợp tác liên vùng, quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào.
Tại làng Đê Kôn, xã H’ra có 54 hộ dân với 238 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Bahnar đã được “đánh thức” nhờ tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng con đường dài hơn 6km, nối Quốc lộ 19 với làng. Từ khi có con đường vào làng được khánh thành đầu năm 2023, người dân có nhiều cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống của người dân đã dần thay đổi. Cuối năm 2022, làng còn 30 hộ nghèo nhưng dự kiến hết năm 2023 sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo.
Tương tự, trước đây làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang được ví như một “ốc đảo”, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Song khi tuyến đường từ trung tâm xã Lơ Pang đến làng được bê tông hóa, cùng hàng loạt các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp bà con từng bước thoát nghèo.
Làng Đê Bơ Tưk, xã Đak Jơ Ta cũng đã được hỗ trợ nhiều chương trình, dự án từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang hỗ trợ phát triển mô hình nuôi dê, bò sinh sản. Ngoài ra, làng còn được cấp phát giống mít Thái da xanh, hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho 30 hộ dân. Từ đó góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay nguồn vốn của ba chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được huyện Mang Yang triển khai chặt chẽ, hiệu quả.
Tỉnh Gia Lai chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng các làng vùng khó khăn; đặc biệt đã làm thay đổi căn bản nhận thức, tư tưởng của đồng bào, nhất là ý thức tự chủ, tự trọng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu.