Là một xã địa hình đồi núi cao, nhiều khe suối, cách trung tâm thành phố 35 km, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc 12 km, gồm 03 dân tộc anh em (Kinh, Dao, Sán Chỉ) cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao, Sán Chỉ chiếm đến 86,8%, xã Hải Sơn được xác định là địa bàn vùng cao, biên giới.
Chợ Pò Hèn là chợ truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số vùng rừng Bắc Phong Sinh, thượng lưu sông Ka Long. Đây là nơi trao đổi nông cụ và nông thổ sản của các khe bản thuộc thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà, cư dân thôn Thán Sản (Trung Quốc) giáp đường biên cùng tham gia họp chợ.
Chợ phiên họp vào các ngày mùng 2, 5, 8, 12, 15, 18, 22, 25, 28 âm lịch hàng tháng; trước đây họp chợ chủ yếu trên các gò đất trống thoáng rộng, có dựng lều lán tạm. Năm 1975, chợ được xắp xếp lại; năm 2000 xã Hải Sơn đã đầu tư xây dựng chợ khang trang hơn. Nhưng trong 3 năm (2019-2022), do dịch Covid-19 chợ tạm ngừng hoạt động.
Đến nay, Chợ Pò Hèn được thành phố đầu tư chỉnh trang lại cơ sở hạ tầng, diện tích rộng hàng mẫu đất, hiện có 30 hộ đăng ký kinh doanh thường xuyên tại chợ.
Chợ phiên Pò Hèn hoạt động kinh tế thương mại, mua bán hàng hóa theo cơ chế thị trường. Người dân các xã lân cận thuộc huyện Bình Liêu, Hải Hà cũng đưa hàng hóa lâm thổ sản - đặc sản địa phương, hàng thêu - hàng dệt y phục riêng của dân tộc mình, sản phẩm OCOP đến bán. Chợ phiên còn có đủ hương vị văn hóa ẩm thực người vùng cao, món ăn lạ miệng du khách nhưng khoái khẩu. Thị trường “có cầu - có cung”, đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) lại vừa được nâng cấp thông thương, các doanh nghiệp thương mại và thương lái xa gần đổ đến họp chợ, làm cho mỗi phiên chợ Pò Hèn thêm sầm uất.
Việc tổ chức Phiên chợ Pò Hèn nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa, ẩm thực, sản phẩm truyền thống, các phong tục tập quán đặc sắc của các dân tộc vùng cao đồng thời là một trong những sản phẩm du lịch mới của thành phố Móng Cái, góp phần phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Hải Sơn.
Đồng thời, thông qua phiên chợ nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và văn hoá du lịch, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản, hàng hóa tiêu biểu của xã.
Chợ phiên Pò Hèn không chỉ đơn thuần là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần và nét đẹp văn hóa độc đáo mang đặc trưng của các vùng miền. Đây sẽ là nơi tích cực giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp về phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục, các hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc.
Thời gian tới, xã Hải Sơn sẽ thành lập Ban quản lý chợ thực hiện việc đảm bảo an ninh trật tự, trông giữ xe, quản lý các gian hàng được bày bán trong chợ; Đồng thời, tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa làm phong phú thêm nét đẹp của chợ phiên. Chợ phiên sẽ thu hút bình quân từ 500 - 800 lượt người tham gia/phiên và những năm tiếp theo số lượt người đến phiên chợ đạt trên 2.000 lượt người tham gia/phiên; Đồng thời, gắn phiên chợ với phát triển du lịch trải nghiệm Homestay ở xóm Họ Đặng, xóm 26 hộ, hình thành các tua khám phá cảnh đẹp của rừng nguyên sinh gắn với Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn. Bên cạnh đó, xã sẽ phát triển các vườn dược liệu, vườn hoa công viên sông Ka Long, quy hoạch lại các đồi hoa sim phục vụ du khách đến thăm quan, trải nghiệm...