Trong những năm qua, chính sách tín dụng nông thôn đã góp sức đưa nhiều người Việt thoát nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đặc biệt là theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
6,7 triệu hộ nghèo hưởng lợi
Sau 10 năm triển khai chính sách tín dụng nông thôn, ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn , đã có thêm 66 tổ chức tín dụng và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn tăng đều qua các năm: 2014 tăng 10,8%; 2015 tăng 13,34%; 2016 tăng 18,09% và 2017 tăng 25,5%. Bình quân giai đoạn 2008-2017, dư nợ tín dụng đối trong khu vực này tăng 19,5% luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Đến cuối tháng 9/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 1.663.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2017, chiếm tỉ trọng 23,9% dư nợ tín dụng của nền kinh tế. 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn với dư nợ tín dụng là 184.727 tỷ đồng.
Tín dụng nông thôn giúp 6,7 triệu người nghèo đang hưởng lợi. Ảnh: Lê Thăng |
Chính sách tín dụng nông thôn góp sức giảm nhanh số người nghèo ở khu vực này với mức giảm bình quân 1,5%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện: nếu 2008 thu nhập của người dân nông thôn mới chỉ đạt bình quân hơn 9 triệu đồng thì đến năm 2017, con số này là 32 triệu đồng, tăng gần 3,5 lần.
Vay đầu tư lớn còn gặp khó
Mặc dù đã có những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận nguồn vốn này.
Đó là vì sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh và hiện nay đang chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi; sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, HTX và doanh nghiệp…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao do vốn đầu tư cho dự án lớn, nhưng hầu hết sản phẩm tiêu thụ chưa ổn định. Hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nhà kính, nhà lưới… chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch, bảo đảm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, chỉ khi đầu tư ở quy mô lớn ở lĩnh vực nông nghiệp mới có khả năng tạo ra nhiều việc làm và đem lại các giá trị gia tăng mới cho sản phẩm nông nghiệp.
Cho vay không cần tài sản đảm bảo
Thời gian qua, Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết chuỗi giá trị, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, làm tiền đề để trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cụ thể như: Chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ 50 triệu đồng đến tối đa 3 tỷ đồng; các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ hoặc đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70-80% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết…
Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể kể đến: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất thông thường; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg.
Ngoài ra, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng thuộc lĩnh vực này. Cụ thể, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp nông nghiệp; gia hạn cho vay ngoại tệ đến hết năm 2018 đối với một số nhu cầu vốn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
D.Minh - Ngọc Trâm (tổng hợp)