Thưa các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam; các vị đại biểu và đại diện doanh nghiệp!
Thưa các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức của Học viện và các trường Trung học phổ thông tại các điểm cầu cùng các em học sinh, sinh viên thân mến!
Có lẽ ấn tượng đầu tiên khi tôi đến đây là sự vui vẻ, rạng rỡ trên từng khuôn mặt mỗi em sinh viên, học sinh, tất cả các em như vườn hoa rực rỡ sắc màu, tràn đầy niềm tin, niềm hy vọng, khát vọng, hoài bão tuổi trẻ trước con đường rộng mở phía trước. Sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm" năm 2022 của Học viện là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm truyền ngọn lửa đam mê lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học; hướng nghiệp cho học sinh, tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho sinh viên.
Trước hết, tôi gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và toàn thể học sinh, sinh viên, của Học viện và các Trường THPT tại các điểm cầu lời chào thân ái, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất!
Thưa các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên và các vị đại biểu!
Nông nghiệp là lợi thế của nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với nước ta, Người dạy: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh".
Phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển KTXH của đất nước. Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Như chúng ta đều biết, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên.
Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta; và chúng ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 32 tỷ USD, từ một nước "làm không đủ ăn" trước khi Đổi mới.
Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua đã ban hành 3 Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp[1]. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững KTXH, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; cùng với đó, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp đã được Đảng, Nhà nước ta chú trọng từ sớm. Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm đã được thành lập ngày 12/10/1956, đây là một trong 4 trường đại học đầu tiên của cả nước. Trải qua 66 năm, Học viện đã không ngừng nỗ lực, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao cho đất nước. Nhiều người trở thành nhà khoa học đầu ngành, cán bộ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan quản lý và không ít người trở thành doanh nhân thành đạt.
Học viện có đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học đông đảo về số lượng, vững mạnh về chuyên môn[2], tâm huyết, tận tâm với nghề, với sự nghiệp "trồng người". Nhiều thầy, cô được giới chuyên môn đánh giá cao, được đồng nghiệp, bạn bè quốc tế trân trọng, ngưỡng mộ.
Hiện nay, Học viện là cơ sở giáo dục đại học đóng góp quan trọng hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Học viện là đơn vị khởi xướng phong trào Khởi nghiệp nông nghiệp[3], đồng hành cùng bà con nông dân và con em họ, hình thành đam mê khởi nghiệp và khát vọng lập nghiệp trong nông nghiệp.
Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ chương trình quốc gia khởi nghiệp với dự án "Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan". Trên cơ sở kết quả của chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", với ba nội dung lớn là: Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường khởi nghiệp; và hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp.
Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Những điều khiến chúng ta trăn trở nhất, thúc đẩy chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ. Tôi muốn nhấn mạnh: Cần có góc nhìn mới về khởi nghiệp. Các bạn có khát vọng của tuổi trẻ để sẵn sàng khởi nghiệp nhưng cũng có ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng sẵn sàng đối mặt với thất bại. Các nhà quản lý, doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần để sinh viên vượt qua thất bại, vì người ta đã từng nói, thất bại là mẹ thành công. Tinh thần khởi nghiệp phải phát huy mạnh mẽ, lan tỏa từ chính sinh viên thì nền nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển và phát triển bền vững.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu và có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng; đại đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chưa đủ năng lực, nguồn lực và thiếu nhân lực phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi, thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế... Vì thế, rất cần sự trợ lực của các trường đại học hàng đầu, với các chính sách thiết thực gắn hoạt động SXKD của doanh nghiệp với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm được thị trường đón nhận.
Đối với một đất nước "lấy canh nông làm gốc", khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp; và hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi nghiệp. Đây là khâu đột phá cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thưa các vị đại biểu, các cô giáo, thầy giáo, đại diện các doanh nghiệp cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên!
"Ngày hội việc làm" nhằm tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp theo phương châm cùng đồng hành, cùng phát triển; là cầu nối giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thể hiện phẩm chất và năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo.
Tôi rất ấn tượng trong Ngày hội việc làm hôm nay có gần 100 doanh nghiệp mang đến 3.000 cơ hội việc làm cho sinh viên của Học viện cũng như của các trường lân cận; đồng thời các thầy cô và các em học sinh của 700 trường THPT đang theo dõi sự kiện này qua các điểm cầu là dịp giúp định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho các em học sinh THPT thêm yêu ngành nông nghiệp.
Tôi xin cảm ơn các doanh nghiệp có mặt tại đây hôm nay đã dành 3.000 vị trí việc làm cho các em sinh viên vừa tốt nghiệp, quý vị đã luôn đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên; tôi tin tưởng rằng quý vị sẽ kiếm tìm, chọn lựa nguồn nhân lực chất lượng như mong đợi.
Chúc các em học sinh, sinh viên sử dụng cơ hội này một cách hiệu quả, các em học sinh THPT định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, các em sinh viên tìm được công việc phù hợp với năng lực của bản thân.
Thưa các vị đại biểu, các thầy, cô giáo, đại diện các doanh nghiệp cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên!
Nhân Ngày hội việc làm hôm nay, tôi muốn nhắn gửi tới Nhà trường, tới doanh nghiệp và các em học sinh, sinh viên một số điểm như sau:
Đối với các trường, viện đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Thứ nhất, nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức hiệu quả và thiết thực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề, giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp, góp phần nâng cao giá trị và đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng công tác quy hoạch sản phẩm, chế biến chuyên sâu…
Thứ hai, "Ngày hội việc làm" phải thực sự trở thành ngày hội gắn kết giữa thầy với trò, giữa nhà trường với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội; là cơ hội quan trọng để sinh viên tốt nghiệp có cơ hội gặp gỡ nhà tuyển dụng, là cầu nối tạo việc làm cho sinh viên.
Thông qua Ngày hội việc làm, Học viện Nông nghiệp nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu nói chung cần tiếp nhận các yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, lắng nghe 'tiếng nói' của thị trường lao động để xác định chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thực tế của người học và tiêu chí tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thứ ba, Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm hàng năm mà Học viện tổ chức là "tiếng nói" từ thực tiễn. Triết lý "làm tốt những gì mình có, làm tốt những gì mình có thể" có lẽ không còn phù hợp, hiện nay chúng ta cần "làm và làm tốt hơn nữa những gì xã hội cần". Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.
Thứ tư, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, trong việc định hướng nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Thứ năm, cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em "không gian" để thử nghiệm kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán tình huống thực tế không chỉ trên giảng đường mà quan trọng hơn là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ thực tiễn cuộc sống.
Đối với các em học sinh, sinh viên:
Điều quan trọng là cần hình thành hoài bão, lý tưởng; trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống trong môi trường với thị trường lao động mở, cạnh tranh, dám đối mặt với thách thức, thất bại để thực hiện hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ.
Tôi mong và chúc nhiều em sinh viên có mặt hôm nay tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo, năng lực, sở trường và ước mơ của các em; chúc các em sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các em học sinh từ 700 trường THPT đang dõi theo sự kiện này qua các phương tiện truyền thông sẽ khởi nghiệp thành công và có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Đối với các doanh nghiệp:
Có thể nói, chính doanh nghiệp - nhà tuyển dụng mới là nơi đặt ra đề tài cho bài toán giáo dục. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo từ việc dự báo nhu cầu lao động, ký hợp đồng đặt hàng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ quỹ ươm mầm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ phát triển nhân tài, tạo môi trường để các em cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp…
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Cần kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cần có giải pháp tài chính hỗ trợ ươm mầm khởi nghiệp, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi tài chính, tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm, vườn ươm, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh truyền thông về các chương trình khởi nghiệp cho nông dân, các trò chơi, chương trình giải trí phù hợp, hiệu quả cho nông dân, cung cấp kiến thức khởi nghiệp, mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn…
Thưa các đồng chí, quý vị đại biểu, các cô giáo, thầy giáo cùng toàn thể các em học sinh, sinh viên!
Nhân sự kiện hôm nay, một lần nữa, tôi xin chúc mừng những thành tích mà Học viện đã đạt được và mong các thế hệ giảng viên, cán bộ viên chức, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi".
Chúc các thầy, cô giáo, quý vị đại biểu, doanh nhân, các em sinh viên và học sinh tại hội trường này và tại các điểm cầu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích mới.
Xin cảm ơn"./.
[1] Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
[2] gần 100 giáo sư, phó giáo sư, hơn 300 tiến sĩ, 100 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.
[3]Từ năm 2014 đến nay, Học viện tổ chức 6 Hội thảo quốc gia và đăng cai tổ chức hàng năm các cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút được hơn 3.000 dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trường trung học phổ thông, trong đó nòng cốt là các dự án khởi nghiệp của sinh viên Học viện.