Theo đó, nguồn dữ liệu chống lừa đảo của CLĐ sẽ được tích hợp vào hệ thống Threats Intelligence của CMC Cyber Security nhằm cung cấp nguồn data về các mối đe dọa trên không gian mạng. Điều này giúp khách hàng sử dụng Threats Intelligence có cái nhìn toàn cảnh về tình hình an toàn thông tin trong khu vực và trên thế giới, đồng thời có các biện pháp bảo vệ tài sản số của khách hàng, doanh nghiệp khỏi các trang web độc hại và kém an toàn.
CMC Threats Intelligence sau khi được tích hợp dữ liệu của CLĐ sẽ hoạt động như một cơ sở dữ liệu về các mối đe dọa trên không gian mạng, được liên tục cập nhật và tối ưu bởi chuyên gia CMC Cyber Security và CLĐ. Qua đó, đội ngũ an ninh an toàn thông tin của khách hàng có thể làm giàu (enrich) nguồn dữ liệu về các mối đe dọa (URLs, IPs, files) của doanh nghiệp, từ đó chủ động ngăn chặn sớm các mối đe dọa mới nhất, phức tạp, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Phát biểu trong lễ ký kết, ông Hà Thế Phương - Tổng Giám đốc CMC Cyber Security chia sẻ: “Đây là mô hình hợp tác đầu tiên của Khối Hạ tầng số CMC với các đơn vị chống lừa đảo, threat hunters. Qua đó, chúng tôi muốn kêu gọi liên minh, xây dựng một cộng đồng về threat hunting (săn tìm mối đe dọa) tại Việt Nam để các doanh nghiệp có dữ liệu đặc biệt hoặc có mong muốn làm dịch vụ hunting dựa trên những dữ liệu đó thì khối hạ tầng số sẽ đáp ứng nhu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ an toàn an ninh thông tin tin cậy nhất”.
Cảnh báo tuần 11/2023 của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cập nhật có ít nhất 646 lỗ hổng, trong đó có 227 lỗ hổng mức Cao và 252 lỗ hổng chưa đánh giá, có 289 phản ánh trường hợp lừa đảo thông báo về NCSC. Qua kiểm tra, phân tích của Trung tâm, có nhiều trường hợp lừa đảo ngân hàng, các trang thương mại điện tử,...
Không chỉ đe dọa thông tin của người dùng cá nhân, dữ liệu kinh doanh của các doanh nghiệp đặc biệt là khối Ngân hàng, Tài chính, Chứng khoán,... trở thành miếng mồi “béo bở” cho tội phạm mạng đánh cắp, lừa đảo. Vì vậy, kho data rộng lớn của CMC Threats Intelligence và CLĐ hứa hẹn góp phần giúp khối ngân hàng phòng chống mối nguy hại từ sớm, nâng cao hiệu quả, từ đó hạn chế, ngăn chặn việc bị lừa đảo dữ liệu, đánh cắp thông tin kinh doanh quan trọng.
Cũng trong lễ ký kết, chuyên gia Ngô Minh Hiếu - Sáng lập dự án Chống Lừa Đảo chia sẻ: “Việc CLĐ và CMC Cyber Security chung tay hợp tác, chia sẻ dữ liệu lừa đảo mạng của hai bên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc làm giàu dữ liệu và hạn chế tối đa những nguy cơ an ninh mạng tiềm ẩn cho người dùng và cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Khối Hạ tầng số của Tập đoàn CMC ra đời từ dự dịch chuyển khối hạ tầng viễn thông bao gồm CMC Telecom và Netnam sang Khối Hạ tầng số, tập trung vào kết nối băng rộng, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn, an ninh mạng. Sự bổ sung CMC Cyber Security vào tháng 4/2022 giúp Khối hạ tầng số CMC có thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số với hạ tầng số hiện đại và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất cho khách hàng. Cuối năm 2021, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu đã thành lập một dự án phi lợi nhuận với tên Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo (Công ty Chống lừa đảo). Sản phẩm của dự án này là ChongLuaDao - một công cụ được cung cấp dưới dạng app và tiện ích mở rộng (add-on) trên các trình duyệt phổ biến như Chrome, Cốc Cốc, Brave, Kiwi Browser. Chức năng của công cụ này là cảnh báo cho người dùng về độ an toàn của các website cũng như tài khoản mạng xã hội. Công ty này còn vận hành Bot Messenger để người dùng kiểm tra mức độ an toàn hay độc hại của một website bằng cách chat trên nền tảng nhắn tin của Facebook. |
Thúy Ngà