LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi. 

Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước đã cho xuất phát nhiều chuyến tầu để thực hiện xóa bỏ từng phần cơ chế kế hoạch hóa và thay thế vào đó là việc hình thành từng bộ phận cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Song, đến nay, việc xóa bỏ tàn dư đó vẫn chưa hoàn thành, gây nhiều trở lực cho phát triển tốc độ cao, bền vững, có hiệu quả của nền kinh tế. Trong nhiều trở lực đó có một chốt cực lớn, chặn đứng con đường tiến lên của đoàn tàu kinh tế. Đó là Giá Lương Tiền. Đã tới lúc khởi động “chuyến tầu hoàng hôn” đưa chốt điểm này đi vào lịch sử. 

Cuộc cải cách thất bại dẫn đến Đổi mới 

Trong khung khổ nền kinh tế kế hoạch hóa, Việt Nam đã tiến hành một cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử của mình vào năm 1985, có tên là cải cách Giá Lương Tiền. 

Mục tiêu của cuộc cải cách này là chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, theo đó: về giá, tất cả các mức giá đều qui ra thóc với qui định 25 đồng/kg; về lương, trả bằng tiền thay vì bằng hiện vật với mức tăng 20%; về tiền, thực hiện đổi đồng tiền cũ sang đồng tiền mới có mệnh giá thấp xuống 10 lần, đồng thời phát hành đủ cho nhu cầu thay đổi của giá và lương. 

Cuộc cải cách này đã thất bại, năm 1986 lạm phát đã lập đỉnh điểm 774%, tiền lương tăng đỉnh điểm tới 220%, giá vật tư tăng đỉnh điểm tới trên 70%. Cuộc cải cách để chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đã không cứu vãn được nền kinh tế kế hoạch hóa. 

Thất bại này, như giọt nước tràn ly, đã thuyết phục ngay cả những người và tổ chức kiên trì, bảo thủ nhất với nền kinh tế kế hoạch hóa đi đến quyết định tiến hành công cuộc Đổi mới vào tháng 12 năm 1986. 

Quyết định “tự lấy đá ghè chân mình” này có nội dung tổng quát là xóa bỏ cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hôi chủ nghĩa. 

{keywords}
Cần cải cách các thị trường để khơi thông dòng chảy phát triển.

Mô hình Giá Lương Tiền đang đeo gông vào phát triển 

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đến nay Việt Nam đã đạt mức phát triển trung bình thấp theo thước đo chung của thế giới. Tuy nhiên, mức phát  triển này đã bị dừng lại quá lâu bởi nhiều nguyên nhân, trong đó cơ chế “Giá Lương Tiền” vẫn là một vòng luẩn quẩn níu kéo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kém dần hiệu quả, thiếu bền vững. 

Về lương, Việt Nam sử dụng lương thấp làm lợi thế cạnh tranh. Lợi thế này đã giúp Việt Nam sản xuất hàng hóa và dịch vụ với chi phí thấp, xuất khẩu ra nước ngoài liên tục tăng cao, từ lâu đã đạt trên 100% GDP, với số tuyệt đối của năm  2018 là 244,7 tỷ USD. 

Lương thấp khiến nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi đầu tư hoặc di chuyển địa điểm đầu tư tới. Đến nay khu vực FDI này đã xuất khẩu tới 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, lương thấp đã đánh vào nguồn nhân lực Việt Nam. Nền kinh tế ngày càng thiếu các nguồn nhân lực cấp cao không chỉ cho khu vực FDI mà cả với khu vực kinh tế trong nước. Lương thấp đã và đang tác động tiêu cực vào khu vực công. Trong khi khu vực tư nhân, một người làm nhiều việc thì ở khu vực công, một việc nhiều người làm, thậm chí 30% cán bộ “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Đối với khu vực tư nhân, lương thấp đã dẫn đến xung đột giữa giới thợ với giới chủ, đình công đã xảy ra, gây thiệt hại cho cả hai bên và cho nền kinh tế, cho an toàn xã hội. 

Về giá, quá trình Đổi mới đã làm cho nền kinh tế thích ứng ngày càng nhiều với qui luật giá cả thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ phận còn lạc điệu với quy luật giá cả, trong đó phần nhiều lại rơi vào những bộ phận “hóc búa” của nền kinh tế. 

Với ngành sản xuất than, giá bán than cho sản xuất nhiệt điện thấp hơn giá than xuất khẩu để duy trì giá thấp trong cung cấp nhu cầu điện cho nền kinh tế. Việc này không chỉ làm rắc rối cho việc xử lý mối liên kết giữa hai ngành Điện-Than, mà còn gây ra những xung đột lợi ích nhiều chiều trong phát triển kinh tế-xã hội, như giữa khu vực trong nước với khu vực nước ngoài. 

Tiêu cực hơn nữa là ngành điện trở thành nơi kém hấp dẫn đầu tư đối với cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thiếu công suất điện cho nền kinh tế đang ở nhãn tiền. 

Xăng dầu vẫn được duy trì với khung giá thấp so với các nước láng giềng và trên thế giới. Điều này làm giảm chi phí xăng dầu cho hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh, đồng thời làm gia tăng xuất lậu loại hàng hóa phải mua bằng ngoại tệ mạnh này.  

Đặc biệt, cho đến nay vẫn chưa có thị trường đất đai, chỉ có thị trường quyền sử dụng đất với giá do nhà nước qui định luôn thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Nguy hại hơn là khu vực kinh tế nhà nước tuy được giao sử dụng nhiều loại đất và phần lớn đều có giá trị cao, nhưng đều không được tính vào danh mục giá trị tài sản cố định, tạo hạ giá thành giả cho từng đơn vị. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến việc bán, khoán, cho thuê, cho phá sản doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra trong chủ trương sắp xếp lại loại doanh nghiệp này trong nhiều thập kỷ qua. 

Trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy được thuê quyền sử dụng đất để kinh doanh bất động sản, nhưng chủ kinh doanh sau khi hoàn thành các sản phẩm xây dựng để bán, họ lại bán luôn cả khuôn viên đất được nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất, thu lợi gấp bội so với tiền thuê đất đã trả cho nhà nước. 

Nghịch cảnh đã ập đến khi những người dân không kinh doanh bất động sản nhưng bị thu hồi đất để làm khu công nghiệp, khu đô thị, các loại vành đai, con đường… đến nỗi nếu dùng toàn bộ tiền được đền bù thì chỉ đủ để mua được khoảng 10% diện tích đất của chính mình vừa bị thu hồi. Nghịch cảnh này khiến khiếu kiện về đất đai luôn đạt ngôi vô địch về nhiều mặt so với tất cả các loại khiếu kiện trong cả nước nhiều năm qua. 

Về tiền, đáng quan ngại là vấn đề tỷ giá, nhất là tỷ giá VND/USD. Quan ngại là vì tuy nó được công bố rõ ràng, minh bạch, tỷ mỷ hàng ngày, hàng giờ, nhưng lại bị bỏ qua ở tầm trung hạn, dài hạn. 

Ở tầm này, hiện tại, tỷ giá đang ở mức trên dưới 23.000 VND/USD. Mức này đã tăng 306% so với mức 7.500 VND/USD của năm 1990; tăng 143% so với mức 16.000 VND/USD của năm 2000; tăng 109% so với mức 21.000 VND/USD của năm 2015. 

Nhiều người thản nhiên khi tiếp nhận vị trí của Việt Nam trên bảng so sánh GDP toàn cầu theo USD, trong đó GDP Việt Nam đạt mức 193 tỷ USD năm 2015, xếp thứ 49/187 thành viên Liên hợp quốc; trước đó, năm 2014 Việt Nam xếp thứ 41 với GDP đạt 186 tỷ USD, năm trước lại cao hơn năm sau. 

Từ công bố này, đã xuất hiện không ít những nhận xét, đánh giá về chất lượng tăng trưởng, thực trạng tụt hậu, thực cảnh chưa giầu đã già, ….của Việt Nam. Tình trạng thản nhiên này sẽ chuyển sang giật mình khi biết yếu tố cuối cùng quyết định thứ hạng cao thấp trên đây của Việt Nam lại là tỷ giá VND/USD. 

Nếu giá USD được giữ ổn định ở mức trên dưới 7.500 VNĐ của năm 1990 thì GDP của Việt Nam đã đạt mức trên 200 tỷ USD từ năm 2008, đâu còn lẹt đẹt như bây giờ. Nhưng giả định này đã không xẩy ra, thậm chí đã xẩy ra một cách phũ phàng như những gì không thể chối cãi trên thực tiễn. 

Vậy là, công cuộc Đổi mới của Việt Nam đã được khởi động ở thời điểm thất bại của cuộc cải cách Giá Lương Tiền năm 1986. Đến nay, Giá Lương Tiền vẫn hiện diện với tư cách là chốt điểm cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch hóa. 

Khởi động chuyến tàu từ hoàng hôn về phía bình minh 

Đã đến lúc cần khởi động một cuộc cải cách mới về Giá Lương Tiền để đưa chốt điểm đó đi vào lịch sử với tên gọi “Chuyến tầu hoàng hôn”. Cuộc cải cách về Giá Lương Tiền năm 1986 đã thất bại bởi đặt mục tiêu duy trì và phát nền kinh tế kế hoạch hóa. 

Nay, “Chuyến tầu hoàng hôn” không lặp lại vết xe đổ đó, nhằm giải thoát nền kinh tế ra khỏi những kẹt cứng ở chốt điểm ngã ba Giá Lương Tiền. Rõ ràng rằng cuộc cải cách lần này không hề dễ dàng. 

Tuy nhiên, thế và lực của nền kinh tế Việt Nam đã khác xa so với trước Đổi mới, cho phép Chuyến tầu hoàng hôn có thể được khởi động và đến được chốn bình minh. Nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì cuộc cải cách này đều rõ ràng là một đại sự, cần được xem xét, hoạch định và quyết định ở cấp cao nhất của đất nước. Các thị trường này phải được thị trường hóa để tạo ra động lực của nó cho phát triển.

Về phần mình, người dân mong muốn rằng: 

Về lương, Nhà nước thực hiện xóa bỏ những gì còn sót lại về bao cấp đối với cán bộ cấp cao; nâng lương tối thiểu lên mức đủ sống cho người lao động ở môi trường đại diện của thời kỳ Đổi mới là khu công nghiệp; thực hiện tuyển dụng lao động trong khu vực nhà nước và tư nhân theo phương thức thi tuyển công khai, minh bạch, có hợp đồng. 

Về giá, Nhà nước xóa bỏ chế độ 2 giá với ngành than; thực hiện giá điện thấp đối với hộ gia đình có lượng tiêu thụ ở mức trung bình, trên mức này phải trả giá cao hơn; các loại hộ tiêu thụ điện khác đều trả tiền theo giá thị trường; xóa bỏ chế độ giá thấp đối với thị trường xăng dầu, đồng thời xóa bỏ các loại phí ăn theo được kèm vào lâu nay. Về đất đai, xác lập thị trường đất đai bên cạnh thị trường quyền sử dụng đất. Tại thị trường đất đai, thực hiện mua bán công khai, minh bạch theo giá thị trường. Cơ cấu của các thị trường này phải được thị trường hóa để trở nên cạnh tranh.

Về tiền, tập trung vào giá cả của thị trường ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá VND/USD. Mục tiêu là giữ ổn định tỷ giá này không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung hạn và dài hạn, tương tự như các nước đã làm với đồng Yên (Nhật), WON (Hàn Quốc), Nhân dân tệ (Trung Quốc), Đô la Singapore,… 

Đây là mục tiêu không hề cao xa gì đối với một quốc gia như Việt Nam khi chẳng những không còn nhập siêu mà đã xuất siêu, khi nợ nước ngoài vẫn đang trong tầm quyền soát, khi có lượng kiều hối khoảng 16 tỷ USD mỗi năm. 

Vấn đề khó chỉ còn là việc tổ chức thị trường mua bán ngoại tệ để ở đó người sản xuất kinh doanh cần ngoại tệ thì không phải mua ở chợ đen, người dân bán 1 USD không bị phạt 900 nghìn đồng; ngăn chặn cho được việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của bọn tham nhũng; kiểm soát lợi nhuận ngầm được chuyển về chính quốc của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài; giải quyết xong việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước để chấm dứt việc phải chi ngoại tệ kém hiệu quả cho khu vực này.  

Xem ra Chuyến tầu hoàng hôn không hề nhẹ tải với những di sản cuối cùng còn lại và cần đưa vào lịch sử của nền kinh tế kế hoạch hóa đã lừng danh, ám ảnh một thời. 

Để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, chuyến tầu này không phải là chuyến tầu vét nhằm đổ đi những di sản cuối cùng này. Trái lại, đây là chuyến tầu xuyên qua hoàng hôn và để lại phía chân trời đó những lừng danh đã có của nền kinh tế kế hoạch hóa; rồi đi tiếp vào bình minh của sự tiến bộ và những giá trị phổ quát của nhân loại. 

Tiến sỹ Đinh Đức Sinh  

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: [email protected]