LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI

Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...

 

Những diễn ngôn về “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” đã khẳng định quan điểm và quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và truyền cảm hứng đến với người dân về một nhận thức mới và quyết tâm mới trong thời kỳ mới.

KỶ NGUYÊN MỚI

“Khởi điểm mới” là một dấu mốc thời gian, thường được xác định dựa vào những sự kiện, hoặc những thay đổi then chốt về nhận thức và hành động, tạo ra những bước ngoặt, tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của đất nước. Đó có thể là chiến công năm 938 của Ngô Quyền; quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010; Cách mạng tháng 8 năm 1945; chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi ngày 30/4/1975; hay quyết định Đổi mới năm 1986...

“Kỷ nguyên mới” hàm ý một giai đoạn, thường tính bằng đơn vị thập kỷ, gắn với những nỗ lực cho các mục tiêu nhất định. Chẳng hạn, trong lịch sử hiện đại của nước ta, giai đoạn 1930 - 1945 đặc trưng bởi cuộc đấu tranh cách mạng để giành lại nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước; hay giai đoạn từ năm 1986 đến hiện nay đặc trưng bởi các nỗ lực đổi mới kinh tế - xã hội, và chủ động hội nhập quốc tế.

Theo nghĩa đó, cụm từ “kỷ nguyên mới” đề cập đến những dự định cho tương lai sắp tới, khi mà các mục tiêu của giai đoạn hiện tại đã, hoặc cơ bản thực hiện được.

box 1tke (2).jpg

Sau gần 40 năm thực hiện các chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận về kinh tế, xã hội, ngoại giao, đưa đất nước lên vị thế mới. Vì thế, năm 2021 có thể được coi là một khởi điểm mới của dân tộc khi đại hội Đảng cộng sản Việt Nam 13 đã đề ra các mục tiêu chiến lược: Đến năm 2030, đưa Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển.

Cũng có nghĩa, hơn hai thập kỷ sắp tới, tính từ năm 2021 đến năm 2045, chính là một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Sở dĩ chúng ta có thể gọi đó là kỷ nguyên dân tộc vươn mình bởi vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, quá trình đấu tranh cách mạng từ đầu thế kỷ 20, phát triển đất nước từ sau năm 1975 đến hiện nay đã tạo ra những nền tảng nhất định cho đất nước. Nhờ đó, chúng ta có có thể tự tin đề ra những mục tiêu ở tầm cao mới, chứ không còn ở giai đoạn thiết lập những cơ sở ban đầu.

quote.jpg

Để đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, Đảng tiếp tục kiên định hệ giá trị dẫn dắt tiến trình phát triển, đó là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ đại hội Đảng lần thứ 11, ba ưu tiên đột phá chiến lược đã được xác định, bao gồm: thể chế, nguồn nhân lực, và cơ sở hạ tầng. Có thể thấy, cả ba ưu tiên này đều là những lực lượng vật chất, sẽ luôn đối diện với những giới hạn về khả năng thay đổi và phát huy tác dụng. Thực tế này gợi ra rằng tầm nhìn lãnh đạo đất nước đến năm 2045 không thể thiếu những điểm tựa và động lực tinh thần.

ĐỘNG LỰC TINH THẦN 

Nếu nhìn sang lịch sử các nước đã từng bứt phá thành công để kiến tạo những khởi điểm lịch sử mới, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới thì đều thấy vai trò đặc biệt quan trọng của yếu tố tinh thần, động lực không chỉ giúp con người trở nên gắn kết hơn, quyết tâm hơn, mà còn có thể vượt qua những giới hạn vật chất để có thể giải quyết những thách thức nan giải, thậm chí sinh tử.

Cuối thế kỷ 18, bất chấp phải đối đầu với đế quốc Anh có sức mạnh vượt trội, khát vọng và ý chí độc lập mãnh liệt của nhân dân Mỹ đã tạo nên thành công của cách mạng Mỹ, chấm dứt thân phận thuộc địa, và hình thành một quốc gia-dân tộc hiện đại.

Đầu những năm 1940, cũng chính sức mạnh tinh thần mới là động lực sâu xa nhất có thể giúp nhân dân Liên Xô dám và có thể ngăn chặn thế tiến công như vũ bão của các lực lượng phát xít, từ đó thay đổi cục diện thế chiến thứ 2.

Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Á, từ cuối thế kỷ 19, ý thức về vị thế và phẩm giá của dân tộc đã khiến người Nhật Bản quyết tâm cải cách, chấn hưng đất nước nhằm tránh khỏi nguy cơ bị chèn ép, đô hộ bởi các nước phương Tây và Mỹ. Người Hàn Quốc quyết liệt trong việc từ tro tàn chiến tranh trở thành nước phát triển hàng đầu châu Á chỉ sau vài ba thập kỷ trong thế kỷ 20; hay từ cuối những năm 1970, người Trung Quốc kiên nhẫn tích lũy, chờ đợi thời cơ để đến hiện nay có thể trỗi dậy với “giấc mơ Trung Hoa”, cạnh tranh sòng phẳng với các siêu cường trên thế giới.

Những gì mà các quốc gia nêu trên đã làm được gợi ra ấn tượng về “hào khí dân tộc”, một trạng thái tâm lý, tinh thần có tính tập thể. Hào khí dân tộc được tạo nên và hun đúc theo thời gian bởi bản lĩnh, ý chí, khí chất của những tập hợp người cùng chia sẻ nền văn hóa, ngôn ngữ, tâm lý, lịch sử, truyền thống, cùng những thành tích hào hùng và cả những kết cục bi thương trong hành trình phát triển.

Vì là một trạng thái tâm lý, tinh thần cho nên hào khí dân tộc chỉ tồn tại dưới dạng thức ý niệm. Mỗi người có thể tưởng tượng, cảm giác, cảm nhận được chứ không ai mô tả hay quan sát được hình thù của hào khí dân tộc. Những gì chúng ta có thể nhìn thấy, cả trong quá khứ và hiện tại, chỉ là những biểu hiện cụ thể gợi ra hào khí, chứ không phải hào khí trong trạng thái ý thức-tinh thần trọn vẹn.

Điểm chung từ những thành công đột phá ở nhiều quốc gia là đã khai mở và khơi dậy tinh thần dân tộc, cụ thể hơn là hào khí dân tộc trong những bối cảnh khác nhau. Chính ý thức tự tôn và tự trọng dân tộc đã không chỉ giúp nhân dân các nước có được điểm tựa bền vững nhất, mà còn trở thành động lực cho những nỗ lực bứt phá để vượt qua các giới hạn, nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc.

HÀO KHÍ DÂN TỘC VIỆT NAM

Lịch sử dựng nước và giữ nước đầy hào hùng của nhân dân Việt Nam cũng đã hun đúc nên hào khí dân tộc Việt Nam, đặc trưng bởi tinh thần yêu nước mãnh liệt, lòng tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, sự kiên định ý chí độc lập, sẵn sàng chấp nhận hy sinh chứ không chịu khuất phục trước các thế lực ngoại bang. Khi nói đến hào khí dân tộc Việt Nam, mỗi người trong chúng ta thường nghĩ ngay đến những chiến công trong quá khứ, gắn với tên tuổi của các anh hùng dân tộc, điển hình như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...

Hào khí dân tộc Việt Nam còn được lưu giữ và vun đắp qua những câu nói thể hiện khí tiết, khí phách của con người Việt Nam: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn” (Bà Triệu); “Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng); “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã” (Trần Hưng Đạo); “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì bệ hạ đừng lo” (Trần Thủ Độ).

Trong thế kỷ 20, những chiến sĩ cách mạng kiên trung, không ngại bị tù đày hay hy sinh tính mạng, giành cả cuộc đời cho các mục tiêu cao cả cũng đã góp phần bồi đắp thêm cho hào khí dân tộc. Điển hình, có thể kể đến câu nói trường tồn mãi mãi là của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Hay những tấm gương lẫm liệt như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông, và gần đây hơn là cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với tâm niệm: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Thực tế lịch sử trong nước và quốc tế gợi ra rằng hào khí dân tộc có thể trở thành một động lực mạnh mẽ, giúp các cá nhân, nhóm với những lợi ích khác nhau vượt qua được những toan tính vị kỷ để cùng hành động vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Như vậy, khả năng vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta có khai thông và khơi dậy được hào khí dân tộc hay không? Chúng ta có thể quy tụ và chuyển hóa năng lượng tinh thần đó thành động lực cho mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045 hay không?

box 2tke.jpg

Nhận thức rõ sức mạnh của yếu tố tinh thần, các kỳ đại hội Đảng gần đây luôn quán triệt chủ trương khơi dậy “tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Tuy nhiên, từ chủ trương đến sự hình thành và lan tỏa hào khí dân tộc trên thực tế luôn cần những điều kiện nhất định. Quan trọng nhất và then chốt nhất là sự hình thành một nhu cầu có tính tập thể, thể hiện ra thành các mục tiêu quốc gia, dân tộc, và một đội ngũ các nhà lãnh đạo chính trị luôn cháy bỏng khát vọng chấn hưng đất nước để thay đổi vị thế của quốc gia, dân tộc.

Để lãnh đạo đất nước trong kỷ nguyên mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất bản lĩnh và đúng đắn khi đã công khai tuyên bố về một cam kết chính trị với nhân dân, đó là đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Mục tiêu quốc gia phát triển sau hơn hai thập kỷ sắp tới chính là một nhu cầu có tính tập thể bởi nó đã phản ánh khát vọng chung của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam hiện nay.

Để khơi dậy hào khí dân tộc, yêu cầu tiếp theo là các nhà lãnh đạo chính trị phải kiên định và trung thành tuyệt đối với các mục tiêu phát triển quốc gia, nhờ đó vượt lên trên những tư duy và hành xử thông thường.

 Khi chúng ta có được những nhà lãnh đạo chính trị luôn ý thức sâu sắc về lợi ích của quốc gia, dân tộc, thể hiện nhất quán giữa tư duy, phát ngôn, và hành động thì sẽ khơi gợi và lan tỏa được hào khí dân tộc đến với các lực lượng xã hội, qua đó chuyển hóa được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, cả vật chất và tinh thần, cho tiến trình hiện thực hóa mục tiêu quốc gia phát triển.

Thiết kế: Hồng Anh