Mô hình trình diễn kho lạnh (cold storage) tại huyện Càng Long, Trà Vinh là bước đầu tiên trong dự án kết nối nguồn lực của Quỹ Khởi nghiệp xanh để triển khai 5 kho lạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Hẳn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh bày tỏ niềm tin: kho trữ lạnh thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân về tập kết, bảo quản và sơ chế rau củ quả để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Đông với giá thành, chi phí hợp lý. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam tại thị trường Châu Âu
Nhờ vào vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam hiện nay đứng thứ 5 khu vực châu Á về sản lượng rau củ, trái cây và nông sản Việt đã có mặt tại trên 60 quốc gia trên thế giới.
Tuy có lợi thế về sản xuất, rau củ quả của Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ để tìm đầu ra ở các thị trường nước ngoài có giá trị cao.
Thị trường xuất khẩu rau củ quả hiện chủ yếu sang Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp đầu mối hoặc thương lái theo thời vụ, đây là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác; giá trị gia tăng, thu nhập của nông dân sản xuất rau củ quả vì thế còn bấp bênh.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản sang thị trường chính Trung Quốc, khiến xu thế dịch chuyển xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn đem lại giá trị cao như châu Âu ngày một thiết yếu.
Bà Dương Thị Bích Diệp, chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam tại chương trình |
Hiện nhu cầu rau quả nhiệt đới tại châu Âu ngày càng tăng. Đặc biệt, mặt hàng rau quả Việt Nam đang có cơ hội lớn thâm nhập thị trường châu Âu khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Đây là những cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
Về những thách thức, ông Rubén Saornil Mínguez - Phó chủ tịch Phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam, phân tích: Việt Nam phải cạnh tranh với những nước xuất khẩu rau quả kinh nghiệm lâu đời sang thị trường châu Âu như: Malaysia, Thái Lan, các nước Trung Mỹ… Những việc Việt Nam nên chú trọng gồm: xây dựng khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất kích thích, thuốc trừ sâu, nhiều yêu cầu về đóng gói và dán nhãn bao bì khác cho các nông sản rau củ Việt Nam.
Kho lạnh hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt
Trước những cơ hội và thách thức để xuất khẩu rau quả Việt Nam sang châu Âu, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam đã khởi xướng kết nối nguồn lực trong nước và nước ngoài, để chủ động hoàn thiện chuỗi cung ứng rau quả, định hướng xuất khẩu ngay trong thời kỳ dịch Covid-19. Sau nhiều tháng làm việc giữa các chuyên gia trong lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ và phân phối, ý tưởng dự án xây dựng mô hình chuỗi cung ứng kho lạnh thông minh (cold chain) đã ra đời và đang được từng bước thực hiện.
Tỉnh Trà Vinh được chọn làm thí điểm dự án nhờ tiềm năng sản xuất và logistics trên toàn bộ chuỗi cung ứng rau quả. Mô hình trình diễn kho lạnh tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh được xây dựng phần lớn từ nguồn vốn ODA của Vương quốc Bỉ.
Đại diện Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam cho biết, công ty uy tín về kho lạnh IceLoft (Bỉ) là đơn vị thi công dự án. Đơn vị này sẽ sử dụng công nghệ cảm biến IoT (internet vạn vật) để: điều tiết, giám sát chặt chẽ môi trường bảo quản nông sản thông qua điều khiển từ xa; tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm (loại, nguồn gốc, chất lượng, kích cỡ, tên nhà vườn).
Điều này không chỉ bảo quản nông sản tươi ngon, chất lượng trong thời gian dài, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, mà còn giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thông tin sản phẩm, cũng như hỗ trợ nông dân quản lý, quy hoạch vùng trồng. Ngoài ra, việc kho lạnh được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời sẽ giúp tiết kiệm điện, chi phí và bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành.
Ông Võ Thành Thống - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá EVFTA với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại, sẽ mở ra cơ hội rộng lớn để nông, thủy sản của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường với dân số hơn 500 triệu và GDP đạt 15.000 tỉ USD.
Thứ trưởng Võ Thành Thống cho rằng: “Trong bối cảnh đó, việc UBND Tỉnh Trà Vinh đồng hành cùng Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam thực hiện: chương trình kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông và dự án kho lạnh thông minh, là hành động tiên phong, kịp thời, có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống, năng lực cạnh tranh, sản xuất cho bà con. Điều này rất đáng được hoan nghênh, ủng hộ và nhân rộng”.
Ông Nguyễn Văn Thảo - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế đánh giá, bối cảnh hợp tác kinh tế toàn cầu, đặc biệt là 13 hiệp định tự do thương mại mới nhất là con đường cao tốc để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, điều kiện đủ là sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, đảm bảo được điều kiện về mặt xã hội, môi trường, có các điều kiện logistics hỗ trợ để sản phẩm có thể thâm nhập một cách bền vững ra thị trường quốc tế.
Trên cơ sở đó, ông Thảo đánh giá cao chương trình huy động nguồn lực hỗ trợ nông dân, đặc biệt là việc khởi công mô hình kho lạnh thông minh, khẳng định: “Dự án không chỉ có ý nghĩa với tỉnh Trà Vinh, mà còn với cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tác động lan tỏa trong phát triển nông nghiệp, có ý nghĩa kinh tế, xã hội quan trọng”.
Cao Dung