Nếu nhiều phụ huynh giữ lấy làm niềm tự hào riêng, thì cũng không ít người lại thích đăng lên mạng xã hội (MXH) để khoe với thiên hạ. Ai cũng thích con mình được khen bằng những mỹ từ, nhưng ít ai để tâm đến hiệu ứng ngược từ hành động tưởng chừng vô hại này!
Một phụ huynh khoe thành tích cuối năm của con trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Đ.K.C
Rần rần khoe con
Tại cuộc họp phụ huynh cuối năm, sau khi phát phiếu đánh giá cuối kỳ, thông tin các danh hiệu, thành tích đạt được của cả lớp và từng em, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của một trường tiểu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu đã khuyến cáo phụ huynh không nên chụp ảnh, đăng tải thành tích học tập của con lên MXH. Làm như vậy sẽ không hay, đôi lúc còn làm lộ thông tin cá nhân của con, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau cuộc họp thì nhiều phụ huynh của lớp đã rần rần khoe thành tích của con cho “bằng bạn bằng bè”! Thậm chí, nhiều phụ huynh còn “treo sờ-ta-tút” đại ý như: “Hôm nay em dành toàn thời gian để đi like (thích) thành tích các bé nhà mọi người, ngày mai tới em “khoe” thành tích “con gái rượu” nhà em mọi người nhớ “thả tim” lại đáp lễ nha!”.
Thời điểm này, hầu khắp các nền tảng MXH như Zalo, Facebook, TikTok đều ngập tràn hình ảnh giấy khen và phần thưởng của HS được phụ huynh chụp và đăng lên. Bên dưới những hình ảnh và những dòng trạng thái kia là vô số lượt thích và bình luận. Những dòng bình luận bên dưới đa phần là những lời ngợi khen, tán thưởng của người thân, bạn bè của phụ huynh và nhiều khi các em HS (chưa tham gia MXH) cũng không hay mẹ cha mình đã chụp và khoe chúng.
Một giáo viên THCS ở huyện Đông Hải chia sẻ: “Bản thân là giáo viên, cũng là phụ huynh có con đang theo học tại một trường THPT trên địa bàn, nên mối quan hệ của tôi khá rộng, bạn bè ngoài đời hay trên MXH khá nhiều. Bởi vậy, thời điểm này tôi cảm thấy “bội thực” với ngồn ngộn hình ảnh giấy khen, phần thưởng, hình ảnh các em HS chụp riêng, chụp chung với giáo viên chủ nhiệm kèm theo những dòng trạng thái của phụ huynh.
Nào là: “Cảm ơn thầy/cô đã dìu dắt cháu suốt một năm qua”; “Để đây, không nói gì”; “Nhờ Zalo, Facebook giữ hộ làm kỷ niệm”; “Em bé ấy giờ đã lớn, gia đình tự hào về con!”… Mỗi khi có lượt thích hay bình luận thì những hình ảnh ấy cứ xuất hiện đi, xuất hiện lại khiến tôi vô cùng ngán ngẩm”.
Có thể nói, với nhiều người, chuyện khoe thành tích của con đã quá quen thuộc, trở thành “căn bệnh mạn tính” và cứ đến hẹn lại lên nên cộng đồng mạng cũng không còn lạ lẫm gì.
Lợi bất cập hại
Dễ dàng nhận ra, những phụ huynh thường khoe con trên MXH đa phần là phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học hoặc đầu cấp THCS. Những phụ huynh có con cuối cấp THCS hoặc THPT sẽ ít đăng hình ảnh giấy khen, phần thưởng hơn. Có lẽ, lúc này HS đã lớn, các em muốn được cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư (nhiều trường hợp đã thẳng thắn bày tỏ chính kiến với phụ huynh), không muốn cha mẹ đăng tải thành tích học tập, điểm số của mình lên MXH.
“Tốt khoe, xấu che” đã trở thành thói quen xấu của một bộ phận phụ huynh, khiến căn bệnh “chạy đua thành tích” trong phụ huynh càng thêm nghiêm trọng. Việc cha mẹ khoe thành tích của con không phải là điều đáng phê phán và pháp luật cũng không cấm đoán việc này. Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên tôn trọng quyền riêng tư của con, không nên năm nào cũng đăng hình ảnh, giấy khen, phần thưởng lên MXH, đôi khi vô tình lại tạo thêm áp lực thành tích cho con mình.
Càng nguy hại hơn, khi lỡ như thông tin trên phiếu đánh giá, giấy khen của con được phụ huynh đăng tải lên MXH vô tình cung cấp thông tin cho kẻ xấu (vì đầy đủ, chi tiết tên tuổi, lớp, trường…) theo dõi, nếu có sự cố gì đáng tiếc xảy ra thì phụ huynh có hối hận cũng không kịp!
Hơn nữa, đa phần HS mầm non, tiểu học bây giờ đều được nhận giấy khen, phần thưởng. Thậm chí, có lớp HS còn xếp loại xuất sắc tuyệt đối 30/30 em. Và đằng sau đó là câu chuyện dài có lẽ ai cũng ngầm hiểu được.
Quãng đường học tập của con luôn rất dài và không phải lúc nào cũng suôn sẻ để gặt hái thành tích tốt. Vậy nên, hạn chế khoe con trên MXH cũng là cách hay để giữ cho trẻ những điều tốt đẹp nhất, hạn chế cho con những áp lực không đáng có và cũng là phòng cho con những điều không may có thể xảy ra.
Theo Mai Khôi (Báo Bạc Liêu)