Không chỉ khoe số tiền con “thu hoạch” được trong dịp Tết vừa qua, nhiều bà mẹ còn hồn nhiên cân đong lỗ - lãi khoản lì xì.
Tiền mừng tuổi vốn được xem là đồng tiền may mắn, mang lời chúc tốt đẹp đến với người nhận nên chỉ cần là tiền lẻ, tiền mới, để trong phong bao đỏ là được. Nhưng giờ đây, lì xì đã dần biến tướng khi cả người lớn và trẻ con đều quan tâm đến mệnh giá đồng tiền trong phong bao chứ không đơn thuần là đón nhận một lời chúc may mắn.
Dạo qua các hội nhóm trên facebook, không khó để tìm những chủ đề “khoe” tiền mừng tuổi của các con. Có bà mẹ khoe con mình “thu hoạch” được hơn 20 triệu đồng trong dịp Tết vừa qua, ngay lập tức mọi người xúm vào khen “lãi thế”, rồi cùng nhau khoe “chiến lợi phẩm” con mình kiếm được.
Người 20 triệu, người chục triệu, người 5-7 triệu, tiền mừng tuổi của con được đem ra cân đong đo đếm rôm rả.
“Nhà mình một nhóc, đang bầu đứa thứ hai nên không đi chúc Tết được nhiều, chỉ được 13 triệu thôi. Sang năm có thêm nhóc nữa chắc sẽ khá hơn”, một bà mẹ hào hứng chia sẻ.
“Về quê các ông bà trẻ toàn mừng 100-200k (k=ngàn đồng), cô dì chú bác của bé cũng 200k, có người còn mừng 500k. Ông bà nội ngoại 2 bên cũng mỗi người mừng 500 nghìn đến 1triệu, ngoài ra còn bạn bè của mình và chồng mỗi người 50-100k, các anh chị cùng cơ quan cũng 50-100k. Tổng kết tết nào cũng phải 10 triệu”, một bà mẹ khác chia sẻ.
Không chỉ khoe “thu nhập” của con, nhiều bà mẹ còn hồn nhiên tính toán xem Tết vừa rồi khoản lì xì lỗ hay lãi.
“Nhà chồng mình ở quê toàn lì xì 10k, 20k sộp lắm thì 50k, hiếm có tờ 100k nên chả buồn đếm. Về ngoại khá hơn 100k, 200k, 300k, 500k. Cơ mà mình cũng chả đếm vì mình cũng lì xì cho họ.
Tóm lại là vẫn lãi mấy triệu tiền 2 bà nội ngoại lì xì, còn thì huề vì họ lì xì cho con mình nhiều thì mình lại lì xì nhiều, lấy đâu lãi”, một bà mẹ hồn nhiên nói.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng “chẳng có gì xấu khi khoe tiền lì xì của con”, một số ý kiến cho rằng, chính hành động mê tiền của người lớn đã làm hư trẻ con.
“Bảo sao trẻ con bây giờ cứ lì xì là nó xé toẹt trước mặt người lớn, tiền to thì nó cười, tiền nhỏ thì nó chê ít luôn”, bà mẹ tên Nhung chia sẻ.
“Công nhận ngày xưa mình còn bé cũng bị ảnh hưởng nặng bởi tư tưởng người lớn khoe tiền lì xì được bao nhiêu bao nhiêu nên thành ra ai cho ít lại không thích, ai cho nhiều lại khoái.
Năm nay thì nghe nhan nhản là “ai còn lì xì 10 ngàn 20 ngàn nữa”, giờ mới biết tiền lì xì là thước đo lòng người”, một bà mẹ khác buồn lòng.
K. Minh