Từ 2 - 8/11 tại Art Space - Trung tâm Phát triển và sáng tạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Trần Lưu Mỹ sẽ khai mạc triển lãm cá nhân Khoảng trống III, trưng bày gần 30 tác phẩm hội họa khổ lớn, sáng tác trong khoảng 2 năm trở lại đây. 

z5978451508993_f6311b223913b762fbbda80536945c1b.jpg
Tác phẩm "Ký ức về dòng sông".

Tự bạch về quan niệm nghệ thuật của mình, Trần Lưu Mỹ nói: “Với tôi, hội họa trừu tượng biểu hiện là ngôn ngữ hội họa thuần khiết. Nó cho phép tôi bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc một cách trực tiếp, đầy ngẫu hứng. Ở đó, tôi thấy tự do”.

Khoảng trống trong tranh của Trần Lưu Mỹ không chỉ là khoảng trống thị giác mà chủ yếu là khoảng trống âm nhạc. Nhưng không phải bằng giai điệu mà bằng nhịp điệu, một thứ âm nhạc nội tâm. 

z5978451520172_1f390b30790cd938fc1d5309efc27633.jpg
Tác phẩm "Bến sông".

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận định, các tác phẩm của Trần Lưu Mỹ trong lần trưng bày này nổi bật tiếng nói tự thân.

"Đặc điểm rõ nét ở đây là khả năng kiệm màu, kiệm ý, kiệm về mặt thị giác, đồng thời coi trọng biểu đạt các trạng thái tinh thần. Đó là thành công của Mỹ, vì thế các bức họa trở nên biến ảo và quyến rũ hơn”, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp nhận xét. 

z5978451512054_9a16b3d9d71b3c35b41d80ac36022ec6.jpg
Tác phẩm "Khoảng trống 163".

Trong khi đó, PGS. TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học văn hóa cho rằng ở triển lãm này, tranh của Trần Lưu Mỹ bớt dần những đối xứng nhị phân ở cả đường nét, màu sắc, nhịp điệu. 

Họa sĩ Trần Lưu Mỹ sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1987, từng tham dự nhiều triển lãm nhóm, đã có 3 triển lãm cá nhân.

Ông là con trai của hoạ sĩ tài danh Trần Lưu Hậu - người thầy của nhiều hoạ sĩ nổi tiếng.

Ảnh: NVCC