Trong vòng 1 tuần lễ, với hơn chục tác phẩm của Lưu Quang Vũ được các nhà hát dàn dựng lại và đưa tới công chúng thưởng thức quả là một bữa tiệc sân khấu với đủ các cung bậc cảm xúc. Sân khấu chưa bao giờ xôm tụ, đỏ đèn liên tục đến vậy. Nhưng vừa kết thúc liên hoan (9-16/9), các nhà làm nghề lại thở dài lo lắng: liệu từ nay về sau, sân khấu có lấy lại được ánh hào quang như tuần lễ vừa qua?
Chạy theo "ăn xổi", sân khấu tự hủy hoại mình
Lâu nay, các nhà làm sân khấu thường than phiền rằng các chương trình ca nhạc, truyền hình thực tế chiếm hết thời lượng cũng như mối quan tâm của khán giả nên sân khấu bị "ghẻ lạnh". Khán giả có quá nhiều thứ để giải trí, sân khấu chỉ dành cho cụ già với lưu diễn tỉnh lẻ. Thế nhưng, 1 tuần lễ diễn ra liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, hầu hết các vở diễn đều chật cứng khán giả, có khi họ còn đến trước cả tiếng đồng hồ chỉ để chọn được chỗ ngồi tốt để yên tâm thưởng thức vở diễn.
“Những đã diễn ra khiến chúng ta tự hào về một người nghệ sỹ tài năng nhưng cũng là bài học đắt giá cho thế hệ những nhà viết kịch hiện nay,” NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nói.
Theo ông, vẫn biết rằng sân khấu đang đối mặt với các loại hình nghệ thuật "ăn xổi" khác, đó là điều tất yếu của quá trình toàn cầu hóa nhưng các nhà làm sân khấu cần rút ra bài học phát triển cho mình. Nếu chạy theo sự "ăn xổi", chạy theo đơn đặt hàng mà dựng vở thì lấy tiền thì đang tự mình hủy hoại mình.
Cảnh trong vở Ông không phải bố tôi |
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Hồ Thi cho rằng liên hoan kịch Lưu Quang Vũ cho thấy nghệ thuật đạo diễn và diễn xuất đã đặt ra cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm. Trước hết là sự thiếu vắng các tài năng đạo diễn trẻ, có khả năng tiếp bước các lớp đàn anh, đàn chị. Thứ nữa là ngày nay sân khấu có nhiều diễn viên trẻ đẹp nhưng chất lượng thì ngược lại.
Qua liên hoan lần này, ngoài một số vở được đánh giá tốt về cách dàn dựng mới mẻ như vở cải lương "2000 ngày oan trái"- vở đồng đều từ diễn xuất, ca hát, trữ tình ca kịch vẫn còn một số vở quá sơ sài. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát Kịch Việt Nam vì quá bám sát kịch bản nên dẫn vào lối kể chuyện đơn điệu, nhàm chán, không có cao trào.
Vở "Trái tim trong trắng" của Nhà hát Kịch Hà Nội sơ sài đến mức hầu như không có trang trí sân khấu, khiến hiệu quả của vở diễn giảm. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát Tuổi Trẻ dù có nhiều sáng tạo nhưng ngôn ngữ hình thể chưa tới khiến ý nghĩa của vở diễn truyền tải tới công chúng không tốt.
Nỗi lo sau liên hoan
Nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng không phải sân khấu lâu nay không có tác phẩm hay chẳng qua là chưa gặp gió như các vở kịch của anh Vũ. Bởi vì, giờ đây các loại truyền hình thực tế mới thực sự đang gặp gió.
Nói khán giả chưa quay lưng với kịch thì cũng cần phải có sự kiểm nghiệm lại đã vì cần phải hiểu rằng, liên hoan lần này không bán vé mà tất cả đều là vé mời. Khán giả đến xem ngoài những lớp người đã từng được xem các bản dựng trước kia muốn xem lại còn là những người trước kia chưa được xem giờ muốn xem cho biết. Ngoài ra là lượng lớn sinh viên đang làm luận văn xem để khỏi phải đọc, hay đã học tác phẩm ở trường muốn xem bản dựng sân khấu ra sao. Đó là chưa kể tới những người theo "chủ nghĩa" đám đông.
Nếu sau liên hoan, các đơn vị nghệ thuật làm phép thử khán giả bằng cách bán vé 1 tuần các vở diễn này xem sao, lúc đó mới đo chính xác được khán giả hôm nay quan tâm tới sân khấu như thế nào?
"Việc ban tổ chức không bán vé trong liên hoan lần này là một thiệt thòi đối với khán giả yêu kịch cũng như những người xây dựng các tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Lần này các đơn vị nghệ thuật xây dựng các tác phẩm của anh Vũ phần lớn bằng kinh phí do nhà nước cấp vì thế, cần phải được thu hồi vốn nghĩa là phải bán vé. Tại sao phe vé vẫn có vé bán, mà đó là các vé mời, vì những vé đó chưa tới tay người cần, người hâm mộ Lưu Quang Vũ. Tại sao một liên hoan lại không có khán giả thực sự đến xem mà đa phần là người làm nghề như điều vẫn xảy ra ở các kỳ Liên hoan, Hội diễn? Đó là câu hỏi mà những người làm sân khấu nước nhà cần suy ngẫm”. Nhà viết kịch Chu Thơm nói.
Cảnh trong vở Mùa hạ cuối cùng |
NSND Lê Khanh chia sẻ sân khấu lâu nay thiếu vắng các tác phẩm hay, rơi vào cảnh "thóc cao gạo kém", tận dụng được gì thì làm nấy nên nhiều lúc cũng không tránh khỏi sự nhàm chán. "Đã quá lâu rồi không thấy một không khí, một đời sống sân khấu sôi động như tuần vừa qua. Đã quá lâu rồi không thấy được khuôn mặt háo hức, hoan hỉ của khán giả mỗi khi kết thúc vở diễn. Không biết về sau sân khấu có được như một tuần vừa qua không nữa?".
Nỗi lo của Lê Khanh cũng là nỗi lo của tất cả những người làm sân khấu. Theo NSND Hoàng Dũng, thời gian gần đây, các tác phẩm được khán giả quan tâm chủ yếu lấy kịch bản từ nước ngoài, trong khi kịch bản trong nước vẫn theo lối mòn cũ kỹ, đề tài tình cảm thì sướt mướt, vở viết về vấn đề xã hội lại mang tính giáo điều, khô cứng, chưa có sự bứt phá trong các tác phẩm. "Khoảng trống này cần phải được lấp đầy thì mới mong sân khấu sáng đèn", NSND Hoàng Dũng nhấn mạnh.
Với cách dàn dựng mới mẻ, mang hơi thở của đời sống đương đại, nghệ sỹ Chí Trung (Nhà hát Tuổi trẻ) đã được trao tặng “Giải thưởng dành cho đạo diễn” tại Lễ tổng kết “Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ”. Cùng với đó, 16 diễn viên đã được trao Huy chương Vàng và 34 diễn viên đã được trao Huy chương Bạc ở hạng mục “Giải thưởng dành cho diễn viên". |
Tình Lê