Mỏ khoáng nóng Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) được biết đến như một loại tài nguyên khoáng sản quý hiếm tự nhiên ban tặng địa phương này.
Hàng chục năm qua, người dân sở tại đã khai thác mỏ khoáng nóng để kinh doanh du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, tắm khoáng với quảng cáo tăng cường sức khỏe cho con người…
Thời kỳ cao điểm, xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy) có hàng chục cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm khoáng nóng mọc lên, kèm theo các dịch vụ nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng, việc khai thác, kinh doanh này là vi phạm pháp luật, bởi nó là một dạng tài nguyên, muốn khai thác, sử dụng phải lập dự án, được các cơ quan chức năng cấp phép.
Tờ rơi quảng cáo của dự án du lịch, nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy |
Phó trưởng Công an huyện Thanh Thủy, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, địa phương đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh cá thể phải có giấy phép khai thác, được các cơ quan quản lý chấp thuận. Các hành vi tự ý khoan giếng để lấy khoáng nóng kinh doanh khi chưa được phép đều vi phạm pháp luật.
Do việc kiểm tra, giám sát gắt gao của chính quyền địa phương, hoạt động khai thác, kinh doanh tắm khoáng nóng mấy năm trở lại đây đã hạn chế được phần nhiều.
“Cái khó tại địa phương trong việc quản lý là khoáng nóng phân bố trong khu vực dân cư. Người dân khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, nhưng chạm đến mạch khoáng nóng, vậy là họ mặc nhiên sử dụng"- Phó trưởng Công an huyện chia sẻ.
UBND huyện Thanh Thủy đã xử phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng về hành vi quảng cáo sai sự thật |
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, huyện đang kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Tài nguyên Môi trường chấp thuận phương án lắp đặt đồng hồ để đo khối lượng tiêu thụ hàng tháng của các hộ dân, từ đó thu phí sử dụng giống như thu tiền bán nước sạch.
Tuy nhiên, phương án này lại vướng ở chỗ, khoáng nóng là một loại tài nguyên khoáng sản, muốn khai thác, sử dụng phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, phải lập dự án và được cấp phép. Đây là trở ngại rất lớn trong góc độ quản lý của địa phương.
Doanh nghiệp cũng định “dùng chùa” khoáng sản
Không riêng các hộ dân, hộ kinh doanh cá thể, một dự án lớn đang triển khai tại địa bàn xã Bảo Yên – thủ phủ khoáng nóng Thanh Thủy – cũng đang có “kế hoạch” dùng chùa loại tài nguyên thiên nhiên này khi rao bán sản phẩm bất động sản “kèm theo”.
Bên trong dự án nghỉ dưỡng kèm theo khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy |
Theo QĐ số 1385 ngày 14/6/2019, UND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji nghiên cứu thực hiện dự án Trung tâm dịch vụ hội nghị, khách sạn quốc tế Wyndham Thanh Thủy với quy mô gần 10ha.
Dự án gồm các hạng mục: Trung tâm tổ chức sự kiện (3.000m2); Cung triển lãm, trung tâm giao lưu văn hóa Việt Nhật (3.000m2); Khu dịch vụ tắm khoáng nóng, ngâm khoáng, thể thao trong nhà (2.000m2); Công viên nước ngoài trời, khu phố đi bộ, chợ đêm, mua sắm; Công viên cây xanh…
Theo lộ trình: từ tháng 6/2019 – tháng 3/2020 thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; từ tháng 4/2020 tiến hành xây dựng; tháng 4/2021 sẽ đi vào hoạt động.
Theo Tổng cục Địa chất khoáng sản, đơn vị này không có tên trong hồ sơ cấp phép thăm đo khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy |
Thời gian hoạt động của dự án là 49 năm tính từ thời điểm quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, cả đơn vị phê duyệt (UBND tỉnh Phú Thọ) và chủ đầu tư đều “vô tình” bỏ quên một quy định quan trọng, đó là thực hiện các lập dự án, xin cấp phép thăm dò, khai thác và đóng thuế tài nguyên khoáng sản nếu như muốn sử dụng khoáng nóng với mục đích kinh doanh.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Wyndham Thanh Thủy đã quáng cáo rộng rãi trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, in tờ rơi, băng-rôn… về việc, khách hàng đầu tư mua dự án tại Bảo Yên (Thanh Thủy) sẽ được sử dụng khoáng nóng, như là một phần mặc nhiên kèm trong sản phẩm.
Chủ đầu tư quảng bá, Wyndham Thanh Thủy gồm nhiều sản phẩm như biệt thự, shophouse, khách sạn nghỉ dưỡng khoáng nóng đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại phía Bắc.
Công an huyện Thanh Thủy cho biết đang tiến hành kiểm tra các vấn đề pháp lý liên quan tới dự án này |
Dự án được xây dựng tại khu vực lõi của mỏ khoáng nước nóng Thanh Thủy, hơn 1km2. Chủ đầu tư cũng quảng cáo từng căn hộ sẽ được trang bị hệ thống dẫn nước từ nguồn suối khoáng được hút từ mỏ khoáng có độ sâu 100m…
Trước thông tin thiếu chính xác này, UBND huyện Thanh Thủy đã yêu cầu chủ đầu tư giải trình, xử phạt 40 triệu đồng về sai phạm “quảng bá, thông tin sai sự thật”.
“Vì họ mới rao bán, quảng cáo trên các tờ rơi, trên mạng xã hội…, dự án vẫn đang giai đoạn tiến hành xây dựng, chưa đưa vào hoạt động khai thác nên huyện mới xử phạt hành chính, yêu cầu doanh nghiệp phải đính chính thông tin, không được phép quảng cáo sai sự thật.
Nếu như dự án đã đưa vào hoạt động, đã có hành vi khai thác, sử dụng khoáng nóng trái phép, khi đó cơ quan chức năng sẽ xử phạt hành vi khai thác, sử dụng trái phép tài nguyên khoáng sản” – Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Thời điểm hiện tại, các thông tin quảng cáo bán sản phẩm dự án này vẫn còn nguyên các thông tin về việc nhà đầu tư được sử dụng khoáng nóng bên trong dự án |
Phó trưởng Công an huyện Thanh Thủy cũng cho biết, cơ quan này đang tiến hành kiểm tra theo góc độ chuyên ngành đối với dự án Wynham Thanh Thủy. Thời gian kết thúc vào cuối năm 2020.
Góc độ quản lý chuyên môn, Sở TN&MT Phú Thọ cho biết, tại Thanh Thủy hiện có 2 doanh nghiệp được phép thăm dò mỏ nước khoáng nóng là Trung tâm chăm sóc người có công và Công ty CP Xây dựng dịch vụ Sơn Hải.
Hai doanh nghiệp này cũng mới chỉ được cấp phép thăm dò, thời hạn 36 tháng chứ chưa được phép khai thác. Đơn vị cấp phép là Bộ TN&MT.
Chủ đầu tư dự án Wynham Thanh Thủy không có tên trong hồ sơ được phép thăm dò suối nước khoáng ở xã Bảo Yên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho biết, Tổng cục vừa có văn bản yêu cầu Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc xác minh nội dung liên quan dự án Wyndham sử dụng trái phép khoáng nóng trái phép như quảng bá.
“Hành vi khai thác, sử dụng chưa xảy ra, họ mới quảng bá, quảng cáo, đó là hành vi thông tin sai sự thật, lừa dối khách hàng. Hai đơn vị được cấp phép thăm dò thời hạn 36 tháng, mới có hiệu lực 12 tháng. Trong trường hợp các đơn vị này liên danh, liên kết với chủ dự án Wyndham Thanh Thủy để khai thác khoáng nóng cũng là vi phạm pháp luật khi Bộ TN&MT chưa cấp phép”, ông Lại Hồng Thanh khẳng định.
VietNamNet đã liên hệ với chủ đầu tư dự án Wyndham Thanh Thủy để xác minh sự việc. Đại diện truyền thông của Wyndham Thanh Thủy xác nhận, đơn vị có bị UBND huyện Thanh Thủy phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng do hành vi quảng cáo, rao bán sản phẩm bất động sản kèm theo khoáng nóng. “Tuy nhiên, việc quảng cáo, rao bán dự án kèm theo khoáng nóng tới khách hàng là do… đại lý bán hàng lồng ghép thông tin” - đại diện Wyndham cho biết. |
Bộ TN&MT thành lập đoàn kiểm tra thực trạng quản lý cao lanh tại Phú Thọ
Tổng cục Địa chất Khoáng sản (Bộ TN-MT) đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra thực trạng quản lý, khai thác, cấp phép cao lanh tại Thanh Thủy, Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Kiên Trung