Vợ tôi đòi ly hôn, tôi không đồng ý, nhưng cô ấy kích động và trong lúc nóng giận tôi đã ký và cô ấy đã gửi đơn đến tòa án

Xin hỏi: Tôi đã ký vào đơn, khi ra tòa tôi có thể thay đổi quan điểm để không ly hôn với vợ tôi nữa hay không?

Vợ tôi không đi làm chỉ ở nhà nuôi con, chúng tôi có một cái nhà đứng tên hai vợ chồng và có một cái nhà khác đứng tên tôi. Chúng đều là tài sản tôi mua sau khi kết hôn. Chúng tôi có 03 người con chung (đứa nhỏ nhất 2 tuổi). Nếu phải ly hôn thì tài sản và con cái sẽ được chia như thế nào? Tôi có được quyền nuôi cả 3 đứa con hay không? (Vì cô ấy không đi làm nên không có thu nhập nhưng chắc có chút tiền của bố cô ấy cho).

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Không phải cả hai vợ chồng bạn đã ký vào đơn xin ly hôn là tòa án cứ thế quyết định cho các bạn được ly hôn. Căn cứ Điều 180, 183, 184, 185, 186, 187 Bộ luật Tố tụng dân sự trước khi xét xử vụ án, tòa án sẽ tổ chức hòa giải cho các đương sự (đây là thủ tục bắt buộc).

Tại các buổi hòa giải, các bạn có quyền thỏa thuận với nhau về tình cảm vợ chồng. Có cần thiết phải ly hôn hay không? Nếu các bạn thông cảm được với nhau, hai người tự nguyện nhất trí không ly hôn nữa thì tòa án sẽ cho phép các bạn rút đơn xin ly hôn (mặc dù trước đó các bạn đã cùng ký đơn xin ly hôn) và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Như vậy tại tòa án, bạn vẫn có quyền thay đổi quan điểm xin không ly hôn với vợ vẫn được.

Tuy nhiên, nếu bạn đã xin rút quan điểm không ly hôn, nhưng vợ bạn lại không nhất trí và vẫn yêu cầu tòa án được ly hôn với bạn, thì tòa án vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc bạn đã có yêu cầu rút đơn xin ly hôn. Tư cách tham gia tố tụng lúc này bạn sẽ là bị đơn, còn vợ bạn là nguyên đơn trong vụ án xin ly hôn.

Trường hợp cả hai người cùng nhất trí xin ly hôn, thỏa thuận được với nhau về chia tài sản chung vợ chồng, thỏa thuận được về vấn đề nuôi con cái, thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn cho các bạn mà không cần phải mở phiên tòa xét xử vụ án xin ly hôn nữa. Nếu một trong 03 vấn đề nêu trên các bạn không tự thỏa thuận được, yêu cầu chia theo quy định của pháp luật thì tòa án sẽ tổ chức phiên tòa xét xử vụ án.

Nếu tòa án chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của vợ bạn, thì tài sản và con cái bạn hỏi sẽ được chia như sau: Căn cứ điều 219 Bộ luật dân sự, điều 27, 95 Luật hôn nhân và gia đình thì về nguyên tắc vợ bạn sẽ được hưởng ½ giá trị của hai căn nhà nêu trên (kể cả bạn có đứng tên một mình hai căn nhà) vì đây là tài sản chung hợp pháp của vợ chồng bạn được tạo lập sau khi kết hôn. Tuy nhiên, tòa án cũng có xem xét đến hoàn cảnh, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì…để quyết định.

Khi ly hôn, bạn yêu cầu được nuôi cả ba đứa con, nếu vợ bạn không nhất trí thì sẽ không được tòa án chấp nhận vì căn cứ điều 92 Luật hôn nhân và gia đình “về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi nếu các bên không có thỏa thuận nào khác”.

  • Luật sư Hứa Trung Kiên
Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội số: 29, ngõ 298, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. ĐT: 04.38730018

Bạn đọc muốn gửi ý kiến, tranh luận, câu hỏi cho mục tư vấn pháp luật xin gửi về địa chỉ [email protected] (xin gửi kèm số điện thoại, địa chỉ để chúng tôi tiện liên hệ)