Thông tin từ VECOM cho hay, có 392 ý kiến bức xúc của người dùng dành cho sản phẩm của 105 doanh nghiệp niêm yết trên trang Ngày mua sắm trực tuyến 2015, tương đương với tỷ lệ chỉ 2% tổng số sản phẩm đăng ký tham gia.

Dù vậy, tại sự kiện công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2015 sáng nay, 29/1, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vẫn thừa nhận đúng là có những hành vi kinh doanh không lành mạnh trong sự kiện OnlineFriday này. Trong số gần 400 phản ánh, có tới 48% "tố" giá gốc của sản phẩm không đúng với giá thị trường. Hai nhóm phản ánh về liên kết sản phẩm không đúng và nhãn hiệu, nguồn gốc không rõ ràng đều có tỷ lệ 18%. Các phản ánh khác như giá khuyến mãi không đạt chuẩn của Ban tổ chức hay một sản phẩm xuất hiện quá nhiều chiếm dưới 16%.

{keywords}
Một sản phẩm khuyến mại ảo điển hình của OnlineFriday 2015, khi giá gốc của iPhone 6s được đẩy lên mức hơn 36 triệu đồng.

Sự kiện Ngày mua sắm Việt Nam 2015 diễn ra vào ngày 4/12/2015 vừa qua với khá nhiều sự cố. Đầu giờ sáng, máy chủ của trang nhiều lần bị sập khiến website tắc nghẽn hoặc không thể truy cập. Bên cạnh đó, giới truyền thông cũng phản ánh về tình trạng nhiều doanh nghiệp tham gia sự kiện, kể cả những doanh nghiệp lớn như Lazada, Sendo... đã khuyến mại ảo, nâng giá gốc sản phẩm một cách vô lý để tạo cảm giác sản phẩm được chiết khấu nhiều, nhiều trang công khai bán sản phẩm fake, nhái....

Khá nhiều người dùng đã tỏ ra thất vọng về chất lượng của một chương trình lớn nhằm thúc đẩy thương mại điện tử trong nước, nhất là khi đây lại là sự kiện do Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) phối hợp với VECOM tổ chức.

Bên cạnh hoạt động khuyến mãi thiếu lành mạnh, bị người tiêu dùng phản ứng mạnh mẽ thì Báo cáo về Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 của VECOM cũng nêu ra nhiều vấn đề tồn tại khác của các website bán hàng trực tuyến, chẳng hạn như sản phẩm cung cấp thực tế không phù hợp với thông tin giới thiệu trên website, quảng cáo thiếu văn hóa gây phản cảm.... Hiện tượng này bắt nguồn từ việc nhận thức, kỹ năng và văn hóa kinh doanh trực tuyến của nhân lực phụ trách TMĐT ở các doanh nghiệp còn thấp, đơn vị này đánh giá.

Tuy vậy thì so với năm đầu tổ chức (2014), quy mô giao dịch của OnlineFriday 2015 ước tính vẫn cao hơn 3 lần. BTC cho biết đã rất cố gắng cung cấp cho người tiêu dùng công cụ so sánh giá thị trường và đánh giá những khuyến mại không tốt để hạn chế tổn thất cho khách hàng. Với công cụ so sánh giá thị trường, người tiêu dùng có thông tin tham khảo để đánh giá xem giá bán sản phẩm có thực sự được giảm giá tốt hay không. Công cụ so sánh giá với dữ liệu hơn 6 triệu sản phẩm đến từ hai hệ thống so sánh giá hàng đầu Việt Nam là ChonGiaDung.com và WebSoSanh.vn.

Trong khi đó, công cụ phản ánh trực tuyến giúp người tiêu dùng đánh giá các khuyến mại không tốt theo các tiêu chí: thông tin nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng, link liên kết không đúng, giá gốc sản phẩm không đúng với giá thị trường, khuyến mãi không tốt… Với các công cụ này, người tiêu dùng hỗ trợ Ban tổ chức đánh giá một cách nhanh chóng các khuyến mãi không tốt, dự thảo Báo cáo tổng kết Ngày mua sắm Trực tuyến 2015 nêu rõ. 

Ngoài ra, thanh toán bằng tiền mặt chiếm tỷ lệ cao nhất trong Ngày mua sắm trực tuyến. Cụ thể, phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt giao hàng (COD) vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, 73%; tiếp đó là phương thức chuyển khoản chiếm 13,4%; tỷ lệ thanh toán trực tyến đạt 10% gồm 6,5% qua thẻ nội địa và 3,5% qua thẻ quốc tế; và thanh toán qua di động chiếm 1%.

T.C