Phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam sáng 4/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ngay sau thành công của Đại hội XIII, cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và cũng là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021.

{keywords}
Khóa mới phấn đấu có 25 - 50 Đại biểu Quốc hội là người đảng

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, số lượng, cơ cấu ĐBQH khóa XV được dự kiến trên cơ sở đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý. Đặc biệt, số lượng đại biểu ở các cơ quan hành pháp trong Quốc hội lần này đã giảm so với khóa XIV (bao gồm cả Trung ương và địa phương), đồng thời cũng giảm đều ở các cơ quan.

Trong cơ cấu 207 đại biểu ở Trung ương, 293 đại biểu ở địa phương có cơ cấu kết hợp phấn đấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50; đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) khoảng 50; đại biểu tái cử khoảng 160 người. Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18%. Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị cần thảo luận dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến tập trung về cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV ở trung ương để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở nghiên cứu, tiếp thu và xem xét điều chỉnh.

Nhấn mạnh dịch Covid-19 đang lan rộng ra một số địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị MTTQ Việt Nam kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ hiệp thương tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Việc này nhằm bảo đảm vừa an toàn phòng dịch nhưng cũng bảo đảm tiến độ tổ chức hội nghị hiệp thương chậm nhất 95 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 17/2.

Ngày 22/2 là thời hạn cuối cùng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24/2 đến 11/3.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát nhân sự, tiến hành các bước giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử ĐBQH. Sau đó, người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử sẽ tiến hành nộp hồ sơ ứng cử, chậm nhất ngày 14/3/2021 là thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ ứng cử.

Thu Hằng

Cơ cấu Quốc hội khóa mới: Trung ương 207, địa phương có 293 đại biểu

Cơ cấu Quốc hội khóa mới: Trung ương 207, địa phương có 293 đại biểu

Theo cơ cấu ĐBQH khóa mới được hội nghị hiệp thương lần thứ nhất dự kiến, ĐBQH ở Trung ương là 207, chiếm 41,4%; ở địa phương là 293 đại biểu, chiếm 58,6%.