Động lực thúc đẩy phát triển

Với quan điểm chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Ninh xác định khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển.

Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 5/5/2012, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 về phát triển khoa học và công nghệ; UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 2/6/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Hơn 10 năm thực hiện, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã có những bước nhảy vọt, trở thành đòn bẩy quan trọng đưa các ngành kinh tế của tỉnh tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa gắn với nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt hơn 45,2% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Chất lượng tăng trưởng của tỉnh được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt với mức tăng bình quân trên 11%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.

khcn2.jpg
Mô hình của Trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ninh tham gia sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023"

Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, sự góp sức của khoa học công nghệ đã đưa Quảng Ninh xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã hiện diện sâu sắc, đậm nét trên khắp các lĩnh vực, tạo nên những thành tựu bứt phá về nông nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, chính quyền điện tử… 

Nhiều dấu ấn nổi bật

Tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp, khoa học công nghệ giúp nông nghiệp Quảng Ninh chuyển dịch sang hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Toàn tỉnh hiện có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về lĩnh vực trồng trọt và thủy sản do doanh nghiệp quản lý, khai thác.

Các sản phẩm nông sản của tỉnh được hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc (lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều, trà hoa vàng, chè Đường Hoa, mực Cô Tô, sá sùng, chả mực Hạ Long, vải chín sớm Phương Nam, na dai Đông Triều...) giúp tăng giá bán bình quân 15-20%; bảo đảm điều kiện phân phối trong các siêu thị lớn và trên các sàn thương mại điện tử.

khcn3.jpg
Sản phẩm dưa lưới được trồng theo quy trình công nghệ cao 

Trong lĩnh vực y tế, những nỗ lực chuyển giao công nghệ từ các bệnh viện tuyến Trung ương giúp các bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật mới trong khám và điều trị, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. 

Ngành y tế Quảng Ninh đã ứng dụng hệ thống Telemedicine (y học từ xa) vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh với 30 điểm cầu; ứng dụng thành công, làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi vô sinh và soi buồng tử cung trong chẩn đoán và điều trị vô sinh, ứng dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong điều trị vô sinh tại Bệnh viện Sản Nhi; ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật tim hở và phẫu thuật mạch máu; ứng dụng công nghệ điều trị chấn thương sọ não nặng trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện...

Các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng thiết bị di động. Nhiều khách sạn, công ty du lịch, lữ hành đã ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh như mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, vận hành các phần mềm để quản trị văn phòng, tài chính…

Phát triển Quảng Ninh năng động, toàn diện

Hoạt động khoa học và công nghệ được đánh giá đã tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa của tỉnh. Trong đó, hạ tầng CNTT của tỉnh đã có những bước nhảy vọt mạnh mẽ.

Hiện nay, hệ thống văn bản điện tử của Quảng Ninh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đã quản lý và điều hành tác nghiệp trên hệ thống phần mềm điện tử; tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ điện tử trong phạm vi toàn tỉnh. 

Quảng Ninh đã thực hiện kết nối liên thông cổng Dịch vụ công của tỉnh với nền tảng thanh toán trực tuyến chung “Cổng thanh toán quốc gia” và một số nền tảng dịch vụ thanh toán trung gian nhằm cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng thành phố thông minh với mô hình Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại tỉnh và các địa phương lớn như Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái…

khcn4.jpg
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh Quảng Ninh

Tạo đột phá vượt bậc trong khâu ứng dụng giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, khoa học công nghệ đã giúp Quảng Ninh thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành, cải thiện chỉ số xếp hạng của tỉnh. Năm 2022 Quảng Ninh đứng thứ 4 toàn quốc về chỉ số đổi mới sáng tạo. Nhiều năm liên tiếp Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, giữ vị trí quán quân về các Chỉ số PCI, Par Index. 

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, xác định khoa học công nghệ không thể tách rời mục tiêu phát triển KT-XH, trong giai đoạn tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục ưu tiên hơn nữa cho lĩnh vực này. Tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc. 

Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp để nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ sẽ được tỉnh tập trung đẩy mạnh như: Dành nguồn lực thích đáng cho khoa học và công nghệ; phát triển đồng bộ hạ tầng, nhân lực khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ…

N.H