- “Một ngày tôi nhận 10 cái tin nhắn rác, nhất là khi đi nước ngoài nhận tin nhắn như vậy rất tốn tiền. Vậy nhà mạng có trách nhiệm ra sao, dân có quyền kiện không?”

ĐB Trần Du Lịch băn khoăn khi góp ý cho dự thảo luật An toàn thông tin được thảo luận tại tổ chiều nay. 

An toàn thông tin là nhu cầu chung của xã hội

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết đây là một luật mới, chưa có tiền lệ, chính vì thế cũng là điều thách thức với Bộ TT&TT và ban chỉ đạo soạn thảo. Song, ông cũng nhấn mạnh sự cấn thiết của luật: “An toàn thông tin là nhu cầu chung của xã hội”.

XEM CLIP:

Trong bối cảnh cả nước có 44 triệu người sử dụng Internet, hơn 140 triệu thuê bao điện thoại di động, thông tin được lưu giữ trên mạng, trên điện toán đám mây… thì những thông tin trên mạng trở thành tài sản vô giá và việc bảo vệ thông tin này rất cần thiết. 

“Làm sao đảm bảo các thông tin không bị đánh cắp, không bị biến dạng đi. Giới hạn an toàn thông tin, đảm bảo an ninh thông tin là vấn đề đặt ra”, ông Son nói.

Hiện nay mạng là môi trường mở, mọi người ở bất kỳ đâu cũng có thể vào mạng. Có những cơ quan phải làm mã khoá để bảo vệ. Chính vì vậy luật này ra đời tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan đứng ra bảo vệ mọi người. 

Theo Bộ trưởng Son, muốn bảo vệ an toàn thông tin mạng, đơn giản nhất là có mật khẩu. Tuy nhiên cũng cần có một khoá đặc biệt để giữ các thông tin. Việc này phải nhờ đến các chuyên gia để đảm bảo.

“An ninh thông tin trên mạng là không phương hại đến an ninh quốc gia, quyền của các tổ chức và cá nhân” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phải có chế tài với tin rác

Tại đoàn TP.HCM, ĐB Nguyễn Văn Minh cũng lưu ý đến thực tế khiến nhiều người dân bức xúc: tình trạng tin nhắn rác, quảng cáo. 

Hoan nghênh sự cần thiết ban hành luật này, ĐB Trần Du Lịch lưu ý dự luật cần bổ sung chế tài. 

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch bức xúc về tin nhắn rác. ảnh Phạm Hải

Nêu bức xúc về tình trạng thường xuyên bị các nhà mạng "xả bom rác", ông Lịch hỏi: “Một ngày tôi nhận 10 cái tin nhắn rác, nhất là khi đi nước ngoài nhận tin nhắn rất tốn tiền. Vậy nhà mạng có trách nhiệm ra sao, dân có quyền kiện không?”

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết việc cơ quan nhà nước nào sẽ quản lý an toàn thông tin mạng cho người dân đang còn nhiều ý kiến khác nhau và Bộ TT&TT đang xem xét.

Chia sẻ với Bộ trưởng Son về việc luật này còn mới mang tính chất chuyên sâu kỹ thuật, Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải cũng đồng tình với việc đổi tên luật thành luật An toàn thông tin mạng để phản ánh đúng bản chất, nội dung, phạm vi, đối tượng.

Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng nhìn nhận an toàn thông tin mạng là phản ánh đúng phạm vi điều chỉnh của dự luật. 

Giải thích về tên gọi của luật, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhận định: “An toàn thông tin rất rộng, trong khi luật xây dựng chủ yếu về vấn đề an toàn thông tin trên mạng nên đổi tên thành luật an toàn thông tin mạng là phù hợp”, Bộ trưởng Son giải thích.

T.Hằng - T.Chung - T.Lý - H.Nhì - X.Quý - L.A.Dũng - B.Tuấn