Nhu cầu du lịch hiện nay thiên về trải nghiệm. Nhiều du khách trong nước và quốc tế muốn được trải nghiệm nền văn hóa nông nghiệp, khám phá kỹ thuật canh tác, tri thức địa phương, như các phương thức canh tác ở miền núi (cách làm ruộng bậc thang...), các ngành, nghề thủ công (chạm khắc bạc của người Mông, người Dao; dệt thổ cẩm của người Tày, người Thái, người Mường; làm gốm của người Chăm,...).

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch.

Trong mô hình du lịch cộng đồng luôn đề cao vai trò của người dân bản địa. Người dân phải thực sự là chủ nhân có quyền tham gia các hoạt động du lịch và phải được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp nhà nước chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua hệ thống các dịch vụ thuộc cộng đồng như nhà nghỉ của người dân (homestay), bán sản phẩm đồ thủ công, cung cấp dịch vụ ăn uống, đi lại...

Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, Sở VHTT&DL một số tỉnh miền núi phía bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã phối hợp với người dân ở các điểm du lịch tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách quốc tế.

Kết quả là  90% du khách thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số; 71% du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người dân tộc thiểu số (đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10-20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản); 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình.

Nghệ An- mái nhà chung của 47 dân tộc khác nhau. Cộng đồng DTTS chiếm tỷ lệ cao nhất là: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và trung du như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ hợp.... Dù là địa bàn còn nhiều khó khăn, song vùng DTTS và miền núi phía Tây Nghệ An lại là nơi có nhiều lợi thế về phát triển du lịch.

Tại đây, du khách không chỉ đượctham quan, thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên mà còn được quan sát, trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua các yếu tố phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, ngôn ngữ... Các giá trị vật chất và tinh thần được chắt lọc, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đem đến bức tranh văn hóa đa dạng, muôn màu.

Chính sự phong phú, đa dạng đó đã tạo nên sức hút cho du lịch. Nhờ đó mới có được các điểm, các tuyến du lịch trải nghiệm, như tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc hấp dẫn du khách bởi tính chất kỳ vĩ của thiên nhiên và sự phong phú văn hóa của gần 30 dân tộc; tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; tuyến miền tây xứ Nghệ; tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...

Tuy nhiên, theo TS Trần Hữu Sơn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, các loại hình du lịch, nhất là du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Song, du lịch di sản cũng gây không ít tác động tiêu cực đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Từ thực tế trên, TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS với phát triển du lịch là vấn đề cấp bách hiện nay ở nước ta.

Trước hết, cần phải nghiên cứu tài nguyên du lịch và đặc trưng văn hoá dân gian ở địa phương, điểm, khu du lịch, căn cứ vào nhu cầu du khách thường đến và tiềm năng mở rộng thị trường để xây dựng ý tưởng.

Từ ý tưởng, doanh nghiệp và nhà tư vấn sẽ thiết kế các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hoá tộc người. Các sản phẩm này phải đạt được yêu cầu mới và phải hấp dẫn, có khả năng được du khách chấp nhận. Đó có thể là một chương trình biểu diễn văn nghệ theo một chủ đề độc đáo hoặc cũng có thể là mẫu mã của đồ lưu niệm thổ cẩm, hay trích đoạn lễ đón khách...

Từ các sản phẩm được thiết kế, các doanh nghiệp sẽ tiến hành sản xuất thử nghiệm, thăm dò nhu cầu du khách. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành quảng cáo bán sản phẩm. Cả một quy trình xây dựng sản phẩm từ các chất liệu văn hoá dân gian đòi hỏi có sự tham gia của doanh nghiệp với nhà tư vấn và nghệ nhân.

Muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hoá dân tộc. Vì bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ lụi tàn không còn sức hấp dẫn du khách. Nhưng muốn giữ gìn phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ như chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, chính sách tôn vinh các nghệ nhân và các di sản văn hoá độc đáo, chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm du lịch phát triển, chính sách đào tạo trao truyền di sản văn hoá dân tộc qua các thế hệ…

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV