Cảnh báo của Bộ và EVN
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), hiện nay, tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống hiện nay đã ở mức khoảng 69.000 MW với hơn 21.600 MW năng lượng tái tạo (riêng về điện mặt trời đã có công suất tổng cộng hơn 16.000 MW).
Trong khi đó, vào những ngày nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu sắp tới, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa được dự báo có thể xuống thấp chỉ còn khoảng từ 13.000 MW đến 15.000 MW.
Như vậy, chỉ riêng tổng công suất của nguồn điện mặt trời còn có thể cao hơn cả công suất phụ tải thấp điểm trưa của ngày Tết.
Theo các tính toán của A0, kể cả khi các nguồn năng lượng truyền thống đã giảm phát tối thiểu đến giới hạn kỹ thuật nhưng với tình hình phụ tải được dự báo xuống rất thấp vào dịp Tết thì tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu phụ tải.
Điện gió, điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam |
EVN đề nghị chủ đầu tư các nguồn điện phối hợp chặt chẽ với A0 và các cấp Điều độ thực hiện nghiêm theo các nội dung văn bản số 736/BCT-ĐTĐL ngày 5/2/2021 của Bộ Công Thương để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong những thời điểm phụ tải xuống thấp, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Tình hình này khiến A0 phải cắt giảm công suất các nguồn điện, trong đó có điện mặt trời, điện gió tại một số thời điểm.
Vì thế, trong văn bản phát đi mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục cảnh báo về vấn đề này.
Bộ Công Thương nêu rõ: Trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện. Điều này có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu A0, bên cạnh việc dự báo và tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ, cần thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát điện lên lưới theo quy định hiện hành trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.
Việc phải tiếp tục cắt giảm công suất vì thừa điện tại một số thời điểm sẽ khiến cho nhiều chủ đầu tư thiệt hại nặng nề, kế hoạch tài chính bị phá vỡ. Covid-19 thực sự đã khiến tình hình cung ứng điện đảo chiều nhanh chóng, nhu cầu dùng điện xuống thấp ở một số thời điểm đã khiến thừa điện.
Tích trữ dùng dần, chủ đầu tư phải tính đến
Từ đây, vấn đề đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng tái tạo đã được đưa ra. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có báo cáo riêng về việc tích trữ năng lượng.
Theo EVN, việc đầu tư pin tích trữ năng lượng cho mục đích chống quá tải lưới (giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo) sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế (cho EVN) trên quy mô tổng thể toàn bộ hệ thống điện mà chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cục bộ cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo bị giới hạn công suất phát do quá tải.
Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị EVN/các đơn vị thành viên không đầu tư pin tích trữ năng lượng cho mục đích giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo. Việc đầu tư pin tích trữ năng lượng nhằm giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo (nếu có) sẽ do các chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo thực hiện do đây là các đối tượng trực tiếp được hưởng lợi.
“Cần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế cho phép các chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư trên”, EVN đề xuất.
Vì thế, Tập đoàn Điện lực đề nghị Bộ Công Thương cho phép các chủ đầu tư thực hiện đầu tư hệ thống tích trữ tại các nhà máy điện gió, mặt trời để nâng cao hiệu quả vận hành, giảm công suất phải cắt giảm. Các nhà máy năng lượng tái tạo nạp điện vào Hệ thống tích trữ trong thời điểm quá tải/thừa nguồn và phát điện từ Hệ thống tích trữ trong các thời điểm không quá tải.
“Trong cơ chế này, giá bán điện từ Hệ thống tích trữ không vượt quá giá bán điện của nhà máy năng lượng tái tạo”, EVN lưu ý.
Tích trữ điện mặt trời để dùng dần đang được nghiên cứu. |
Theo nghiên cứu của Green ID, lưu trữ điện bằng pin đã trở thành công cụ lưu trữ trong đời sống xã hội như điện thoại, máy tính,... và đang mở rộng trong lĩnh vực năng lượng sạch. Theo IEA, hiện nay có khoảng 200 GWh, vào năm 2040 cần khoảng 10.000 GWh.
Green ID cho rằng công nghệ lưu trữ có thể mở ra cơ hội tích hợp số lượng lớn hơn năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng. Điện mặt trời ở Việt Nam bùng nổ, đang vừa gây áp lực cho lưới điện quốc gia, vừa bị cắt giảm công suất đòi hỏi cần có giải pháp sớm.
Nghiên cứu được các chuyên gia trình bày tại Hội thảo về điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng ngày 27/1 cho rằng nguồn điện mặt trời không liên tục và biến động thất thường nên có thể gây ra những vấn đề về tần số, điện áp, điều độ đối với đơn vị vận hành lưới điện. Việc kết hợp giữa điện mặt trời và hệ thống lưu trữ có thể làm mịn đặc tính phát, do đó gây ít tác động đến vận hành lưới điện. Ngoài ra, hệ thống lưu trữ có thể sạc để cung cấp nguồn phát điện mặt trời ổn định hơn
Giới nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp tích trữ với các nhà máy năng lượng hoặc cho toàn hệ thống để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội và thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư trong nước thừa nhận rằng họ chưa nghĩ đến phương án đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng mà vẫn chủ yếu trông đợi việc đầu tư lưới điện sẽ góp phần giảm bớt tình trạng quá tải, cũng như nhu cầu dùng điện sẽ hồi phục trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngược lại, đã có tập đoàn nước ngoài mong muốn đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Trong đó, tập đoàn này cho biết cần một mức giá chung bao gồm cả hệ thống lưu trữ năng lượng dưới một hợp đồng IPP với cam kết không cao hơn mức giá FIT cho điện mặt trời hiện tại.
Lương Bằng
Bộ Công Thương cảnh báo: Điện mặt trời đối mặt tình huống báo động
Bộ Công Thương cảnh báo trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm.