Họ vẫn hiện ra với gương mặt cười, hoàn hảo và đáng yêu hết cỡ. Đó mới là điều đáng lo, đáng nói…

Hàng xóm chung cư chỗ tôi, nhân chuyện tìm người giúp trông trẻ, cứ gãi đầu gãi tai mà rằng: Ôi, việc chả có gì nhưng tìm được người trọn vẹn thì cực khó. Chính tôi đây chứ đâu, từng ngã ngửa vì bất ngờ ra đấy…

Kể rằng, cô bé độ 14, 15 tuổi trông em vô cùng khéo léo, sạch sẽ, nói chung là “miễn chê”. Yên tâm hết cỡ, tin cậy hết mức. Ông bà nội ngoại tin, bố mẹ cháu yêu, cháu thì “cảm” cô còn hơn cả ông cháu, người vẫn bị mang tiếng chiều cháu hơi quá. Tóm lại, ai cũng coi cô bé như người trong nhà, chả có việc gì phải lo, phải tính.

Thế rồi, chỉ có… đàn kiến hôi vô tình và bản năng là lắm chuyện.

Ấy là hôm cả nhà ngồi trò chuyện vui vẻ, ai đó bỗng dưng bị kiến cắn. Bật đèn lên soi, quét và chủ nhà phát hiện ra con-đường-kiến vẽ từ góc nhà tới… góc khuất trong tủ đựng đồ của cô bé ngoan!

Kín đáo mở ra xem thì toàn những thứ linh tinh, đời nảo đời nao trong nhà được/bị cô bé “cất giữ” kín đáo. Không có gì đáng đồng tiền bát gạo, cũng không thể làm giàu làm có gì từ những thứ như thế. Ừ thì có thể cô bé… chỉ cần nói một câu… Sau chuyện ấy, sao cứ thấy, cứ thấy có gì đó không ổn sau vẻ hồn nhiên, siêng năng và ngỡ như hoàn hảo đến thế của cô bé nhà lành?

{keywords}
Ảnh minh họa

***

Nghe chuyện hàng xóm, tự dưng lại nhớ đến những chuyện khó tin, không muốn tin…

Ấy là, làm sao một người con nhà khá giả, học hành tới nơi, tới chốn, quan hệ xã hội rộng, chả thiếu thứ gì trên đời nhưng vào siêu thị lại cắp vặt?

Đáng nói hơn là sau vụ việc “kinh thiên động địa” đó (bởi thông tin bị bung ra ầm ĩ trên mạng), nhân vật chính vẫn cứ “cơơng cơơng” như không có điều gì xảy ra, vẫn cứ thích đăng đàn, lên lớp dạy dỗ thiên hạ. Thậm chí, nghe đâu y còn tái phạm cái sở trường “tắt mắt” ấy!

Ấy là, làm sao một cây bút tài năng hẳn hoi, có thành tựu rõ rành, được tin yêu hết mực lại rơi vào “nghi án đạo văn” mà rõ ràng, bài “đạo” ấy có phải là cái gì ghê gớm lắm đâu, có góp phần làm nên/ra cái gì hơn người đâu?

Lại nghe đây không phải lần đầu và nhân vật này cũng từng lớn tiếng “dạy” thiên hạ chuyện này lắm lắm? Cũng lại đọc thấy người trong cuộc hẳn hoi nói rằng, có bài thơ chả ăn nhập gì cũng được “dán mác” để tặng ai đó tùy theo chức trách, vai vế, theo mục đích nhắm tới? Nghe mà rầu…

Rồi, không hiểu sao, thời cắp sách đi học đã qua lâu mà vẫn nhớ như in một vài câu chuyện “vặt” thuở ấy.

Ông bạn giỏi nhất trường thời ấy, tôi biết chắc chắn cũng là người… giở sách chép bài cự phách nhất mà không/chưa hề bị thầy giáo “tóm” lần nào!

Bài kiểm tra 45 phút môn Toán căng như dây đàn. Học trò cắn bút. Thầy giáo rảo lên, dạo xuống, dường như thầy bước đến đâu ngột ngạt đến đó. Thế rồi thầy phát hiện ra có bạn lén giở tài liệu và “trảm” tại chỗ.

Cả lớp nhốn nháo, đổ dồn mắt mũi hết vào vị trí của “tội phạm”. Chỉ chờ có thế, ở một góc không ai ngờ tới, ông bạn nhanh tay mở sách và chép lia lịa như trên đời này không có việc gì xảy ra…

Rồi bạn ấy vào đời giỏi giang trong mọi việc, chuyện lách luật, né luật cứ gọi là “nghề của trẫm”. Lũ chúng tôi được nhờ vả rất nhiều mà bị cười nhạt “thật thà chỉ đói nhăn răng” cũng không ít lần.

Ừ nhỉ, giở sách, thi lại… là một phần không tách rời thời học sinh, sinh viên. Tắt mắt, cầm nhầm, ăn cắp, “đạo” nọ kia… nói cho cùng cũng là chuyện đầy rẫy thiên hạ.

Chỉ đáng nói và đáng tiếc ở chỗ những chuyện đó nhiều khi cứ bất ngờ rơi vào những “nhân vật” đáng ra là không nên, không thể. Người đời cũng không lạ lẫm gì chuyện người ta cố tình vô hiệu hóa “kiến” - bịt được các loại camera, lươn lẹo đủ cách, đủ kiểu như ông bạn coi đó là “nghề của trẫm”… để bon chen, tranh giành và dẫm đạp lên mọi thứ, nhưng vẫn hiện ra với gương mặt cười, hoàn hảo và đáng yêu hết cỡ.

Đó mới là điều đáng lo, đáng nói…

Châu Phú