Chiều 2/11, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.
Trước sự quan tâm của báo chí về quy chế “mua tin” phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM đã thông tin thêm xung quanh việc này.
Cụ thể, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Nội chính cho biết, việc ban hành quy chế này nhằm mục đích xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM.
Ông Trung cũng khẳng định, cơ chế này khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh. Vì theo quy định, người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin.
“Do đó, sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh. Đồng thời, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra”, ông Trung nói rõ.
Vị đại diện của Ban Nội chính cũng thông tin thêm, trước khi ban hành quy định này, thành phố đã tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan, đơn vị về thực hiện cơ chế “mua và xử lý thông tin về các thông tin tố cáo, phản ánh các hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố đã được thành lập cuối năm 2022. Cho nên, việc ban hành quy định thời điểm này là một bước để hoàn thiện các quy trình hoạt động của ban.
“Thực ra, đây không phải là quy định mới. Ban Nội chính Trung ương đã vận dụng và một số tỉnh cũng đã xây dựng quy định mua tin. Thành phố căn cứ vào tình hình thực tế và cũng có tham khảo kinh nghiệm từ Trung ương, các tỉnh bạn để xây dựng quy định này”, ông Trung nói thêm.
Cũng theo ông Trung, từ trước đến nay, việc ghi nhận thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được thành phố triển khai thực hiện theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (như qua tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát...); việc chi tiền mua tin hiện nay là căn cứ theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, kinh nghiệm triển khai của một số tỉnh, thành và nhằm để khuyến khích, động viên người dân cung cấp thông tin, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này.
Như VietNamNet đưa tin, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa ban hành quy định “mua tin” phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mỗi tin báo (vụ việc) sẽ được duyệt chi 10 triệu đồng nếu có giá trị mang lại hiệu quả theo quy định. Người cung cấp thông tin sẽ được bảo mật thông tin cá nhân, vì việc cung cấp theo hình thức đơn tuyến. Người tiếp nhận, xử lý thông tin sẽ tiếp nhận, báo cáo Ban Chỉ đạo theo quy định.
Ông Trung nhấn mạnh, để đảm bảo bí mật của người cung cấp thông tin, toàn bộ hồ sơ, thủ tục chi trả tiền sẽ được thực hiện theo chế độ mật.