Những loại kho lạnh đặc biệt ở Việt Nam
Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường - Trưởng tiểu ban giám sát chất lượng vắc xin của Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC TP. Hà Nội cho biết, hiện CDC TP. Hà Nội có 1 kho lạnh bảo quản vắc xin tiêm chủng dịch vụ, thể tích 40m3, có thể chứa thêm 150.000 liều vắc xin AstraZeneca; 1 kho lạnh bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng, thể tích 16m3, có thể chứa thêm 100.000 liều vắc xin AstraZeneca.
Ngoài ra, Hà Nội có 6 tủ lạnh 3.000 và 3.000 AC (thể tích 126 lít có thể chứa tối đa 10.000 liều/tủ); 6 hòm lạnh bảo quản vắc xin thể tích 44 lít/chiếc.
Theo lãnh đạo CDC TP. Hà Nội, tổng số liều vắc xin AstraZeneca có thể bảo quản là 310.000 liều. Đối với trang thiết bị bảo quản tại Trung tâm y tế và trạm y tế có 34 tủ TCW 3000 và 3000AC, thể tích 126 lít, sức chứa tối đa 10.000 liều/tủ chưa tính vắc xin tiêm chủng mở rộng, sức chứa thêm khi bảo quản cả vắc xin tiêm chủng mở rộng trung bình khoảng 8.000 liều.
Kho lạnh bảo quản vắc xin của CDC TP. Hà Nội |
Tại trạm y tế, số liệu đến tháng 5/2021 là 488 tủ bảo quản vắc xin (nhưng trong đó 69 chiếc hỏng, chờ sửa chữa) thể tích 70 lít, sức chứa thêm khoảng 2.500 liều/tủ. Tính tổng cộng số liều vắc xin có thể bảo quản tại Trung tâm y tế và trạm y tế là hơn 1,27 triệu liều.
Tại buổi làm việc, TS. Trương Quang Việt - Phụ trách CDC TP. Hà Nội, thông tin thêm, công suất của kho bảo quản vắc xin của Quân khu Thủ đô đạt khoảng 1,3 triệu liều (tương đương với năng lực của Hà Nội). Theo đó, vắc xin từ kho này sẽ vận chuyển ngay lập tức đến các trung tâm y tế của quyện, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội mà không cần qua CDC.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Anh, hiện chưa có trang thiết bị để bảo quản vắc xin tại nhiệt độ âm sâu. Do đó, dung tích hiện tại chưa đủ để bảo quản vắc xin các loại từ các nhà sản xuất khác nhau với số lượng lớn khi cần thiết.
Đang có diện tích kho đạt chuẩn bảo quản vắc xin là hệ thống tiêm chủng VNVC. Tháng 1/2021, Bộ Y tế đã cấp phép cho hệ thống tiêm chủng VNVC kho bảo quản vắc xin âm sâu đến -86 độ C, tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 8 độ C để đảm bảo vắc xin được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Với sức chứa mỗi tủ gần 100.000 liều vắc xin, 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại khu vực TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với 30 tủ âm sâu (18 tủ tại TP.HCM, 5 tủ tại Đà Nẵng và 7 tủ tại Hà Nội) có thể lưu trữ lên tới 3 triệu liều vắc xin cùng lúc.
Với các điều kiện này, VNVC cũng được Bộ Y tế cấp phép Xuất khẩu - nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện lạnh 2-8 độ C, vắc xin, sinh phẩm bảo quản ở điều kiện âm sâu (-40 đến -86 độ C).
Với những vắc xin cần bảo quản âm sâu, chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin ở nhiệt độ này. Trong hệ thống tiêm chủng dịch vụ, duy nhất chỉ có kho bảo quản vắc xin âm sâu của VNVC có thể đáp ứng điều kiện lưu trữ và bảo quản hàng triệu liều vắc xin Covid-19 bắt buộc bảo quản ở điều kiện nhiệt độ âm sâu như Pfizer-BioNTech và Moderna.
Bên cạnh hệ thống kho lạnh âm sâu, mạng lưới 55 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc đang sở hữu hệ thống 55 kho vắc xin lẻ và 3 kho tổng chuyên dụng bảo quản vắc xin ở nhiệt độ 2-8 độ C. Với tổng sức chứa lên tới gần 180 triệu liều vắc xin thông thường tại cùng một thời điểm.
Cuộc đua mới trên toàn cầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 50% vắc xin bị hỏng trên toàn thế giới vì không có cơ sở hạ tầng hậu cần phù hợp. Nếu điều này xảy ra với vắc xin Covid-19, thế giới có thể mất hàng tỷ liều - một lỗi lầm tốn kém đến từ khâu thiết lập và triển khai kế hoạch hậu cần. Chính vì vậy, nhu cầu kho lạnh bảo quản vắc xin ngày càng tăng mạnh.
Kho lạnh vắc xin đang thiếu (Ảnh:Forbes) |
Theo đánh giá, thị trường chuỗi lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025; tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020-2025.
Tình trạng thiếu tủ siêu lạnh để giữ vắc xin đang nghiêm trọng trên toàn cầu. Tại nước Mỹ, các bệnh viện ở thành phố đổ xô đi mua tủ đông lưu trữ vắc xin nhưng ở khu vực nông thôn không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện mua loại tủ đắt tiền này.
Loại vắc xin do Pfizer và công ty BioNTech của Đức phát triển, có khả năng chống dịch bệnh cao. Nhưng có một điểm hạn chế, vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C. Các tủ đông thông thường không lạnh đến mức đó, khiến việc phân phối vắc xin này trở thành cơn ác mộng về hậu cần.
Soumi Saha, dược sĩ và giám đốc vận động của Premier cho biết: “Nông thôn và các bệnh viện nhỏ sẽ bị thiệt thòi. Thêm vào đó, tủ đông cực lạnh rất đắt tiền.Đó sẽ là một khoản chi lớn cho hệ thống y tế.
Cơn sốt tủ đông đang khiến cho các công ty cung cấp dịch vụ này quá tải. Helmer, một công ty ngành này đã đạt công suất và hiện không thể giao tủ đông mới cho đến tháng 3. Nhiều bệnh viện đặt mua tủ đông nhưng đều bị từ chối đơn hàng.
Tại Việt Nam, mảng cung cấp dịch vụ này vẫn còn khá mới mẻ. Trước khi có dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mảng này đã ở mức 11-12%. Mảng logistics lạnh (trong đó có kho lạnh) ở Việt Nam là phân khúc ngách của ngành logistics nhưng đang phát triển "nóng" nhất.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam, tiêm chủng vắc xin là nhu cầu cấp bách của mọi quốc gia. Tất cả vắc xin hàng đầu đều yêu cầu nhiệt độ rất thấp để duy trì hiệu quả. Bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vắc xin có thể là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tiếp theo cho chuỗi cung ứng và ngành hậu cần trong thời gian tới.
JLL cho biết, kho lạnh sẽ trở thành ngôi sao trong lĩnh vực hậu cần tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, mặc dù nhu cầu lớn nhưng đầu tư các kho lạnh để bảo quản vắc xin không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi chi phí tốn kém hơn so với kho lạnh đựng thực phẩm.
Kho lạnh đang là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà phát triển bất động sản khi số lượng ngày một tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu.
Duy Anh
Dịch vụ đặc chủng thiếu hụt toàn cầu, Việt Nam cũng nguy cơ
Xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ‘đi chợ’ trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.