Tại Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư 2023 do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, đại diện UBND TPHCM nhấn mạnh, TPHCM đang tập trung triển khai nhiều chính sách bám sát chỉ đạo của Trung ương về việc tạo hành lang pháp lý an toàn thu hút nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt, Nghị quyết 98 có hiệu lực ngày 1/8/2023 đã được thiết kế với nhiều chính sách đặc thù cho Thành phố, gắn liền cùng các nhóm quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, quản lý về đất đai nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.  

Bên cạnh đó, TPHCM đã chủ động thành lập tổ tư vấn, chuyên gia để triển khai hiệu quả những chính sách đột phá. Nhất là chính sách hỗ trợ pháp lý, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Bởi khung pháp lý và cách thức tổ chức vận dụng quy định pháp luật có thể xem là một trong những yếu tố then chốt, góp phần quyết định sự tăng trưởng của hoạt động đầu tư. 

Việc triển khai Diễn đàn Hỗ trợ pháp lý đầu tư thường niên giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài cập nhật các thông tin mới về những thay đổi trong thủ tục, quy định pháp luật có chi phối đáng kể đến hoạt động. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược hoạt động an toàn, hiệu quả, tiên lượng được sự thay đổi của pháp luật để nắm bắt và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch, giảm thiểu tối đa rủi ro và các tranh chấp.

anh man hinh 2024 01 24 luc 204009.png
Khó khăn, thách thức trong hỗ trợ pháp lý thu hút nhà đầu tư chiến lược ở TP HCM. 

Tuy nhiên, tại diễn đàn các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) theo Nghị quyết 98 đang gặp những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, Nhà nước đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và một số văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh hoạt động đầu tư bằng hình thức này. Tại TPHCM, việc Nghị quyết 98 được áp dụng là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho TPHCM có thể chủ động trong việc lựa chọn, kêu gọi và triển khai các dự án PPP mang tính khả thi.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít các khó khăn, vướng mắc mặc dù các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Cả phía Nhà nước lẫn khu vực tư nhân vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định loại hợp đồng sao cho phù hợp với từng lĩnh vực và tính chất của dự án.

Sự thiếu hụt các hướng dẫn cụ thể và được quy định tường minh tại luật và các văn bản pháp luật khiến cả các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư hết sức lúng túng khi tham gia vào hợp đồng PPP.

Bên cạnh đó, theo đánh giá, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang bước vào thời cơ nhận chuyển dịch đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, muốn hưởng lợi từ cơ hội này, cần có chiến lược và kế hoạch rõ ràng cũng như chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là liên quan kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hiên nay, bộ khung pháp lý liên quan dến các vấn đề về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong đó liên quan nhiều đến năng lượng, phát thải,… vẫn chưa được quy định cụ thể. Thêm vào đó, nhiều chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, nên cần nhanh chóng ban hành luật, nghị định liên quan giúp nhà đầu tư có cơ sở, niềm tin để an tâm thực hiện dự án.

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV