Giám đốc Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ (OPM) Katherine Archuleta hôm 10/7 đã từ chức vì sức ép sau khi một lượng dữ liệu khổng lồ liên quan tới hơn 20 triệu người bị đánh cắp.
Theo NY Times, sáng qua, bà Archuleta đã tới Nhà Trắng để thông báo với Tổng thống Obama về việc bà từ chức và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Sau đó, cựu giám đốc này cho hay, bà cảm thấy OPM cần lãnh đạo mới để cơ quan này có thể tiến lên sau những thách thức hiện thời.
Bà Archuleta từ chức sau một vụ tấn công được cho là lớn nhất nhằm hệ thống mạng của chính phủ liên bang Mỹ, dẫn tới việc dữ liệu của hơn 22 triệu người bị đánh cắp.
Giới chức Mỹ nghi ngờ rằng các tin tặc ở Trung Quốc đã nhằm vào hệ thống máy tính của OPM - cơ quan quản lý dữ liệu của các viên chức chính phủ liên bang. Ban đầu, OPM cho hay, chỉ có khoảng 4 triệu viên chức bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công.
Tuy nhiên, hôm 9/7, cơ quan này cho hay, dữ liệu của hơn 20 triệu người, gồm cả viên chức hiện thời lẫn về hưu, đã bị đánh cắp.
Giới chức ở Bắc Kinh đã công khai phủ nhận có liên quan.
Bà Archuleta từ chức một ngày sau khi các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội kêu gọi bà từ chức do quy mô vụ dữ liệu bị đánh cắp quá lớn. Trong số các dữ liệu bị tin tặc lấy được có cả các biểu mẫu dùng để tuyển lựa các nhân viên tương lai cho một loạt cơ quan, gồm cả CIA và quân đội.
OPM hoạt động như cơ quan nhân sự của chính phủ Mỹ. Các tài liệu bị đánh cắp gồm thông tin y tế và tài chính, tiền sử phạm tội, tên và địa chỉ của viên chức chính phủ cũng như người thân của họ. Các chuyên gia lo ngại rằng các thông tin nhạy cảm trên có thể được dùng để tống tiền các nhân viên Mỹ.
Tháng trước, giám đốc tình báo Mỹ James Clapper cho hay, Trung Quốc là nghi phạm số 1 trong các vụ đánh cắp dữ liệu.
- Hoài Linh